Sức khỏe

Quá ít người sẵn sàng hiến tạng

Nguồn tạng hiến từ người chết não tại Việt Nam quá ít vì người dân chưa vượt qua được rào cản về tâm linh

Ngày 16-11, Bệnh viện (BV) Trung ương Huế lần đầu tiên tổ chức lễ Tôn vinh những người hiến thận với sự tham dự của các  chuyên gia hàng đầu Việt Nam về ghép tạng và 50 người hiến tạng.

GS-TS Bùi Đức Phú, Chủ tịch Hội Tim mạch - Lồng ngực Việt Nam, Giám đốc BV Trung ương Huế, cho biết Việt Nam thực hiện ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992 tại BV Chợ Rẫy với sự hỗ trợ của GS Chue Shue Lee, Chủ tịch Hội Ghép tạng Đài Loan. Còn tại BV Trung ương Huế, ca ghép đầu tiên diễn ra vào tháng 7-2001 và đến nay đã có 200 người được ghép với tỉ lệ thành công 100%.

Chị Hứa Cẩm Tú, bệnh nhân ca ghép thận đặc biệt nhất Việt Nam, ngày xuất viện
Chị Hứa Cẩm Tú, bệnh nhân ca ghép thận đặc biệt nhất Việt Nam, ngày xuất viện

Theo GS Bùi Đức Phú, từ năm 2001 đến 2012, BV Trung ương Huế chỉ tiến hành ghép thận cho 63 người. Tuy nhiên, sau thành công ca ghép thận cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú bị cắt 2 quả thận móng ngựa vào tháng 7-2012, đến nay BV đã tiến hành ghép cho 137 trường hợp. “Ca bệnh của Hứa Cẩm Tú rất đặc biệt, hiếm gặp tại Việt Nam, quá trình điều trị kéo dài và chúng tôi đã thành công qua 10 lần mổ” - ông Phú tâm sự. GS Bùi Đức Phú cũng cho biết dù ghép tạng tại Việt Nam đi sau thế giới gần 50 năm nhưng đến nay trình độ tiến bộ vượt bậc, đã tiếp cận và nắm được toàn bộ kỹ thuật cơ bản của thế giới.

Tuy nhiên, theo BV Trung ương Huế, hiện Việt Nam chỉ có 1.000 người được ghép thận trong khi có hơn 10.000 người chờ ghép là con số quá ít ỏi. GS Bùi Đức Phú cho biết một người chết não có thể cứu sống được 7 người bệnh với thận, tim, gan, phổi và tụy tạng. Trong khi ở các nước phát triển có đến 90% nguồn tạng hiến được lấy từ người cho chết não nhưng tính đến nay, Việt Nam mới chỉ có 12 người hiến tạng sau khi chết não, còn lại chủ yếu lấy từ người sống và do người thân cho.

Ông Phú cho biết hiện nhiều bệnh nhân khẩn thiết muốn ghép thận nhưng bất lực vì không có nguồn tạng hiến. Đó là sự chênh lệch quá lớn dẫn đến hiện tượng “cò mồi” mua bán tạng. Việc vận động hiến tạng vẫn đang gặp nhiều rào cản về vấn đề tâm linh, tâm lý, phong tục tập quán. Việc vận động thực hiện nghĩa cử cao đẹp này đối với ngành y là rất khó. “Người nhận thì có nhiều quyền lợi vậy tại sao người cho chỉ được coi là làm từ thiện? Đã đến lúc cần có sự điều chỉnh về luật định, chính sách, chế độ nhằm đẩy mạnh chương trình tự nguyện hiến tạng khi còn sống” - GS Bùi Đức Phú đề xuất. 

Luật chưa đi vào cuộc sống

Luật gia Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng dù Luật ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực từ năm 2007 nhưng đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa tác động đến các quan hệ xã hội cụ thể nên con số người chết não hiến tạng quá ít.

Tại buổi lễ, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho 50 người đã hiến thận.

Người lao động

© 2021 FAP
  22,566,070       7/961