Có bệnh thường có thuốc. Sâu nào phá hoại mùa màng cũng có thuốc chữa. Tuy vậy, có một loại sâu xem thuốc bảo vệ thực vật như không. Đó là sâu... răng!
Thống kê ở CHLB Đức cho thấy thầy thuốc mà bệnh nhân ớn nhất là... nha sĩ. Bên mình chắc cũng vậy thôi. Dễ hiểu vì không ai vui gì khi răng bị cà, bị nhổ. Sợ đau, cùng với kiểu suy nghĩ đằng nào cũng có đến 32 cái răng, mất cái này còn cái khác, mất răng thiệt làm răng giả..., nhiều người rất kỵ gặp nha sĩ!
Đúng là nếu có thiếu vài cái răng thì trước mắt cũng không đến độ phải nhập viện... cấp cứu! Đồng ý là răng nếu lỡ sưng đau thì không thiếu thuốc giảm đau, kháng sinh, kháng viêm... đang chờ sẵn ở nhà thuốc, nhất là khi xứ mình mua thuốc không cần toa, lại thêm khách hàng là thượng đế, cần mua có ngay, mặc kệ thuốc có phản ứng phụ, mặc kệ tình trạng lờn thuốc kháng sinh! Đó là chưa kể đến nhiều phương thuốc chữa đau răng gọi là “gia truyền” với thành phần chưa hề được kiểm định, dù vậy, nhiều người khi đau răng vẫn thích chọn thuốc hơn chọn thầy.
Nếu chỉ hại đến thế thì đã quá may mắn cho người bệnh. Vấn đề lại không chỉ phá hoại trong vòm miệng, cũng không khoanh vùng trong việc lạm dụng thuốc trị đau răng. Tình trạng hư răng, nếu nói theo cách bình dân là sâu răng, dù không tìm thấy sâu hay bọ hay hậu quả của nhiều căn bệnh, là nguyên nhân khiến:
- Sức đề kháng bị hao mòn vì phải thường xuyên tập trung hoạt động để đối phó với tình trạng viêm tấy nay giảm mai tăng trong vòm miệng. Người thường bị đau răng cuối cùng dễ bị bội nhiễm trên đường hô hấp, tiết niệu, tiêu hóa... một cách oan uổng chẳng qua vì kiệt sức kháng bệnh.
- Tiến trình dinh dưỡng bị rối loạn do không thể hấp thu chất dinh dưỡng dù đủ ăn đủ mặc, dù món ăn đầy bàn, vì khỏi nói cũng biết là khó nhai, khó nuốt khi đau răng. Muốn ăn mà nuốt không trôi thì chuyện suy yếu sớm muộn không mời cũng đến.
- Nhiều loại vi khuẩn, nấm mốc chực chờ trong vòm miệng không chỉ phá hoại hàm răng mà còn là các nhân tố có khả năng gây bệnh tim, viêm khớp, viêm thận, viêm xoang, viêm não...
Có đáng không nếu phải trả giá bằng bệnh tim, bệnh thận chỉ vì lỗ mọt trên chiếc răng nào đó? Đừng xem thường bệnh răng miệng, không chỉ vì lý do thẩm mỹ hay vệ sinh mà để kịp thời ngăn chặn nhiều hậu quả nghiêm trọng. Do đó, nên cố gắng “vượt lên chính mình” để gõ cửa nha sĩ mỗi khi có chỗ nào đó không êm trên hai hàm răng. Hay hơn nữa là tạt ngang phòng mạch của nha sĩ khi chưa đau răng, chẳng hạn 6 tháng một lần, thậm chí 3 tháng 1 lần nếu bị bệnh tiểu đường, để nhờ rà soát xem có răng nào lủng lỗ, có chân răng nào lung lay và cạo sạch đá răng để vi khuẩn hết chỗ núp bóng. Khéo hơn nữa nếu tìm được nha sĩ hướng dẫn cho khách hàng về biện pháp vệ sinh răng miệng.
Cái răng, cái tóc là gốc con người. Thử hỏi có bao nhiêu người trong số quý độc giả còn đủ 32 cái răng? Khỏi hỏi thêm cũng biết câu trả lời!
sâu răng, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, hậu quả nghiêm trọng, đường hô hấp, phản ứng phụ, bệnh tiểu đường, lạm dụng thuốc