Sức khỏe

Rắn độc cắn, xử trí ra sao?

“Thời gian vàng” khi bị rắn lục cắn là 6 giờ. Tuyệt đối không được chích, rạch vết cắn để nặn máu; không đắp lá, chườm lạnh vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, máu chảy không đông

Những ngày qua, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở nhiều nơi cắn người khiến người dân rất hoang mang. Theo TS Nguyễn Kim Sơn, phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hơn 1 tháng qua, số bệnh nhân đến trung tâm do rắn cắn hầu như mỗi ngày đều có với gần 30 trường hợp. Ngoài các ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn còn có nhiều trường hợp là nạn nhân của nhiều loài rắn độc khác.

Nguy hiểm khi tự điều trị

Trung tâm Chống độc đang điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Văn H. (24 tuổi, ở Phú Thọ), bị rắn lục cắn khi hái chè. Theo TS Nguyễn Kim Sơn, đây là ca rối loạn đông máu nặng do bệnh nhân đã tự điều trị bằng cách đắp lá lên vết cắn. Chỉ sau 2 ngày tự điều trị không khỏi, anh H. mới đến bệnh viện. Lúc này, bàn tay bị rắn cắn và dọc cánh tay sưng phồng, từng vết bầm loang lổ do xuất huyết dưới da, cùng với đó là hiện tượng chảy máu chân răng.

Điều trị bệnh nhân bị rắn độc cắn tại Trung tâm Chống độc
Điều trị bệnh nhân bị rắn độc cắn tại Trung tâm Chống độc

Trong khi đó, bệnh nhân Mai Văn L. (45 tuổi, ở Thái Bình) dù đã được điều trị tích cực tại Trung tâm Chống độc nhiều ngày nay nhưng sức khỏe vẫn rất yếu vì hiện chưa có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Theo người nhà, ông L. bị rắn cạp nia cắn trên đường đi làm về. Khi đưa vào bệnh viện, ông L. đã bị khó thở, yếu cơ toàn thân, không nói được…

Mỗi loài mỗi cách sơ cứu

Theo thống kê, ở Việt Nam có 135 loài rắn, trong đó rắn độc khoảng 32 loài (chiếm 25%). Rắn độc có 2 họ: rắn hổ và rắn lục. Chuyên gia về chống độc, bác sĩ Phạm Duệ ở Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nhiều loại rắn độc khi cắn gây hoại tử rất lớn, không ít người phải cắt cả chân tay. Độc chất từ nọc của rắn lục đuôi đỏ nói riêng và rắn lục nói chung khi vào cơ thể gây rối loạn đông máu dẫn đến xuất huyết nội tạng, có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân.

Theo bác sĩ Sơn, quá trình tiếp nhận bệnh nhân bị rắn độc cắn cho thấy có nhiều sai lầm trong việc sơ cứu khiến tổn thương do rắn cắn càng trầm trọng hơn. “Nhiều trường hợp đắp lá để hút độc, thậm chí có người ăn chanh để tẩy độc, nhai nuốt lá để trị nọc độc... Tuy nhiên, đây đều là những phương pháp điều trị sai” - ông Sơn lưu ý.

Để hạn chế cơ thể hấp thu nọc độc sau khi bị rắn cắn, nhiều người thường chích, rạch, nặn máu nơi vết cắn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Sơn, tùy vào loại rắn mà chúng ta áp dụng cách xử trí phù hợp. Cụ thể, với nhóm rắn hổ, sau khi bị cắn, chúng ta có thể chích, rạch, nặn máu, băng ép chi bị cắn. Tuy nhiên, với rắn lục, chú ý không chích rạch vết thương, không nên buộc quá chặt nơi vết cắn mà chỉ băng ép bằng nẹp để tránh vận động và chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện.

“Khi bị rắn lục cắn, tuyệt đối không chích, rạch tại vết cắn bởi có thể làm tăng chảy máu, mất máu do lúc này, dưới tác động của nọc độc, nạn nhân bị rối loạn đông máu dẫn đến dễ chảy máu, khó cầm. Nếu bị rắn lục cắn ở tay, cần tháo ngay vòng nhẫn, các đồ trang sức để tránh cho các mạch máu bị nghẽn dẫn đến hoại tử do tay sưng nề bởi nọc độc” - bác sĩ Sơn hướng dẫn.

Việt Nam đã sản xuất được huyết thanh kháng độc nọc rắn lục đuôi đỏ. Huyết thanh này có hiệu quả điều trị rất cao, lên tới gần 100%, thậm chí với cả bệnh nhân bị rắn lục cắn ở độ 3-4.

Người lao động

© 2021 FAP
  22,406,787       21/1,175