Khảo sát của các nhà khoa học Mỹ tại ĐH Cornell cho thấy đối với nhóm trẻ em có nguy cơ béo phì cao, việc cho bú sữa mẹ càng lâu thì khả năng dư cân càng giảm.
Chuyên gia dinh dưỡng nhi Stacy Carling và cộng sự đã theo dõi thể trọng và chiều cao của 595 trẻ từ lúc mới sinh đến 2 tuổi, đồng thời so sánh quá trình tăng trưởng và thời gian bú sữa mẹ. Nguy cơ dư cân được nhóm nghiên cứu chú ý qua 3 yếu tố: có mẹ béo phì, mẹ hút thuốc lá trong thời gian mang thai và mẹ có trình độ học vấn thấp. Trong số này, 59% trẻ vướng 1 trong 3 yếu tố nguy cơ nêu trên so với 43% trẻ không có yếu tố nguy cơ nào. Kết quả cho thấy đối với nhóm có nguy cơ béo phì cao, trẻ được bú mẹ trong 2 tháng hoặc ít hơn dễ dư cân gấp đôi so với trẻ được bú mẹ hơn 4 tháng. Chuyên gia Carling cho rằng chênh lệch thời gian bú sữa mẹ trong 2 tháng đủ thể hiện lợi ích của sữa mẹ.
Giáo sư nhi khoa Lori Feldman-Winter tại Bệnh viện ĐH Cooper ở TP Camden, bang New Jersey giải thích: Ngoài việc tự điều chỉnh chế độ ăn tốt hơn, thành phần trong sữa mẹ giúp nguy cơ giảm béo phì ở trẻ, đặc biệt là lợi ích từ vi khuẩn trong sữa của con người giúp điều chỉnh sự trao đổi chất và giảm nguy cơ béo phì.