Sức khỏe

Khớp thoái hóa: Còn nhiều cách cứu

Nhiều bệnh nhân khi mắc căn bệnh này đã ngại đến bệnh viện trong thời gian dài vì sợ phải mổ xẻ, để rồi cuối cùng chỉ còn cách thay khớp giả

Đến khi vào Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP HCM) để thay khớp giả - phương án cuối cùng dành cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp quá nặng - bà V.T.C (72 tuổi) đã có hơn 10 năm sống chung với cơn đau dai dẳng vùng đầu gối. Cơn đau ngày một nặng thêm, trong 10 năm thì có đến 7 năm, việc đi lại của bà trở nên cực kỳ khó khăn, đau đớn. Bà đã bỏ ra không ít chi phí để chạy chữa bằng các loại thuốc dân gian bởi nỗi lo sợ vào BV thì thế nào cũng phải mổ và thay khớp.

Ưu tiên điều trị bảo tồn

Ông N.V.A.V (62 tuổi) cũng sống chung với chứng thoái hóa khớp gối gần 9 năm, cuối cùng phải thay khớp vì khi ông chịu đến BV thì bệnh đã trầm trọng. Theo các bác sĩ (BS) chẩn đoán, một trong những nguyên nhân khiến chứng thoái hóa khớp tìm đến ông V. khá sớm là do cú chấn thương khá nặng ở vùng đầu gối ông gặp năm 47 tuổi, trong một lần chơi thể thao. Từ đó, thỉnh thoảng khi trái gió trở trời hoặc bất ngờ phải vận động mạnh, đầu gối phải của ông đều bị nhức.

Kiểm tra khớp gối cho một cụ bà tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM
Kiểm tra khớp gối cho một cụ bà tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM

Đến tuổi 53, những triệu chứng đầu tiên của thoái hóa khớp bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, ông V. chỉ tìm cách bó thuốc, xoa dầu, uống thuốc giảm đau tự mua mỗi khi cơn đau hành hạ. Bởi lẽ, ông bị ám ảnh rằng một người bạn của mình cũng vì uống thuốc trị bệnh này mà mất luôn “bản lĩnh đàn ông”, rằng nếu vào BV bị bắt phẫu thuật thì còn gì nữa hay tuổi còn trẻ thế này mà phải thay một cái khớp giả vào thì cũng “coi như tiêu” luôn...

Thế là 10 năm trời, ông V. cắn răng chịu những cơn đau. Đến khi nhìn lại, ông mới thấy “bản lĩnh đàn ông” cũng sụt giảm bởi cái chân đau, đi dạo cũng khó, muốn ẵm bồng cháu cũng không nổi... Lúc ấy, ông mới chịu để người nhà đưa đi BV.

“Thoái hóa khớp diễn tiến từ từ và mỗi giai đoạn đều có phương pháp điều trị riêng, đâu nhất thiết cứ vào BV là phải mổ xẻ, thay khớp như nhiều người nghĩ” - BS Đinh Văn Thủy, Trưởng Khoa Chấn chương Chỉnh hình BV Nhân dân Gia Định, cho biết. Theo ông, nếu bệnh được phát hiện sớm khi bệnh nhân mới bị đau, sụn khớp chưa bị ảnh hưởng thì có thể chữa bằng thuốc, tập vật lý trị liệu, tránh những động tác bất lợi... Nặng hơn, khi bắt đầu có tổn thương ở bao khớp, sụn khớp, dây chằng thì vẫn có những phương pháp nội khoa phù hợp để điều trị, nếu cần có thể mổ nội soi để “dọn dẹp” các chất phế thải ở khớp, kết hợp vật lý trị liệu...

Ở giai đoạn khớp bị biến dạng, người bệnh mới cần phẫu thuật để cứu lấy vùng khớp thoái hóa. Khi bệnh nặng thêm, đến mức khớp thật không còn cứu vãn được, các BS mới tính đến việc thay khớp giả. Nếu được điều trị kịp thời, đúng cách, mỗi giai đoạn có thể kéo dài nhiều năm, giúp người bệnh bảo đảm chất lượng sống.

Không vận động là sai

Thoái hóa khớp có thể gặp ở nhiều vùng cơ thể khác nhau, thường gặp nhất là ở gối, háng... Chứng này khiến người bệnh thấy đau khi cử động vùng cơ thể đó nên nhiều người - dù có đi BS và được khuyên một chế độ vận động phù hợp song song với dùng thuốc - cảm thấy “không cố gắng nổi” và cho rằng thuốc là đủ, bỏ qua những bài tập với suy nghĩ “lỡ tập sai, nặng thêm thì nguy”.

Theo BS Nguyễn Thị Vân Hà, chuyên khoa phục hồi chức năng Phòng Tư vấn -  Hỗ trợ người bệnh BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, chính việc vận động - miễn là đúng cách - sẽ giúp bệnh nhân hết đau và kích thích cơ thể tự sản sinh ra các yếu tố cần thiết để nuôi dưỡng khớp, chống lại chứng thoái hóa.

“Ví dụ người bị thoái hóa khớp gối, họ không nên tập chạy bộ hay những động tác khiến vùng khớp này quá tải. Tuy nhiên, khớp vẫn cần một áp lực, một sự chuyển động phù hợp và chúng tôi sẽ có những bài tập thích hợp, như động tác nằm trên giường, giơ 2 chân lên đạp xe trên không... Những bài tập này sẽ được các BS, kỹ thuật viên chuyên ngành hướng dẫn khi người bệnh đi khám, rất cần áp dụng nghiêm ngặt. Lúc mới tập, người bệnh có thể đau nhiều nhưng dần dần cơn đau sẽ giảm hẳn. Nếu phát hiện sớm, áp dụng đúng chế độ thuốc men, tập luyện, dinh dưỡng..., người bệnh vẫn có cơ hội hồi phục” - BS Hà khẳng định.

Các BS lưu ý rằng dù nhiều BV lớn hiện nay “dư sức” thay khớp cho bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý... nhưng cũng không nên vì thế mà chủ quan. Bởi lẽ, “đồ giả” không hẳn tốt hơn đồ thật, chỉ có “hạn sử dụng” tối đa 15 năm và người bệnh vẫn phải tập luyện, giữ gìn vùng khớp này theo đúng chế độ dù đã phẫu thuật thay khớp.

Từng chấn thương, béo phì: Coi chừng!

Theo BS Đinh Văn Thủy, chứng thoái hóa khớp thường liên quan đến tuổi tác, gặp nhiều nhất ở nhóm tuổi trên 60, nữ nhiều hơn nam do liên quan đến sự sụt giảm nội tiết tố nữ sau mãn kinh. Tuy nhiên, những người béo phì, từng bị chấn thương ở vùng khớp, gia đình có người bị thoái hóa khớp cũng nên đề phòng căn bệnh này. Những cơn đau kéo dài, không rõ nguyên nhân ở các vùng khớp đều cần chú ý và đi khám bởi đó có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề về xương khớp.

Người lao động

© 2021 FAP
  22,352,011       157/1,467