Sức khỏe

Thụ tinh trong ống nghiệm

Các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm cho rằng sinh một bé khỏe mạnh và tránh được các tác hại lâu dài của kích thích buồng trứng mới thật sự quan trọng

Một năm sau ngày cưới, vợ chồng chị N.T.N rất vui mừng vì chị đã mang thai. Không lâu sau, chị đau bụng dưới và ra huyết nhiều. Bác sĩ phát hiện thai không nằm ở trong lòng tử cung như bình thường mà nằm ở vòi trứng bên phải. Khối thai tương đối lớn nên các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt vòi trứng đó. Trong khi mổ, họ còn phát hiện vòi trứng bên kia cũng bị viêm dính rất nặng và ứ nhiều dịch. Sau khi thảo luận với chồng chị, họ quyết định cắt luôn vòi trứng còn lại. Chị đã khóc rất nhiều khi được biết chắc chắn mình không thể có thai tự nhiên và thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) là giải pháp duy nhất cho vợ chồng chị.

Phương pháp mới để sinh con

TTTON nghĩa là lấy trứng ra ngoài cơ thể người vợ, kết hợp với tinh trùng của người chồng. Trứng sẽ thụ tinh và phát triển thành phôi. Phôi sẽ được chuyển trả lại vào buồng tử cung để người phụ nữ mang thai và sinh con.

Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm
Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm

Trong quá trình phát triển, vì một lý do nào đó, một số phôi không phát triển được tới giai đoạn mong muốn mà ngừng phát triển và thoái hóa đi. Quá ít phôi sẽ gây khó khăn trong việc chọn lựa phôi để chuyển phôi tươi vào trong cơ thể người mẹ hoặc chọn lựa phôi để dự trữ. Do vậy, người ta thường mong muốn có nhiều trứng để TTTON. Ở những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt bình thường thì chỉ có một trứng tốt được tạo ra trong mỗi chu kỳ. Chính vì sự khác nhau giữa thực tế này và mong muốn nhiều trứng hơn khi làm TTTON nên các bác sĩ phải dùng thuốc để kích thích buồng trứng.

Thực tế cho thấy kích thích buồng trứng là một trong những công đoạn phức tạp nhất với bệnh nhân. Nếu quá nhiều nang trứng phát triển, phụ nữ dễ rơi vào tình trạng buồng trứng bị kích thích quá mạnh. Tình trạng này gây khó chịu cho bệnh nhân với cảm giác lo lắng, đau bụng, căng bụng và thường có dịch ở bụng hoặc màng phổi làm bệnh nhân khó thở. Khoảng 1/3 phụ nữ làm TTTON có thể gặp tình trạng này.

Thành công cao

Hiện nay, một số trung tâm đang theo đuổi kỹ thuật được gọi là kích thích buồng trứng nhẹ. Mục tiêu của biện pháp này là giới hạn số lượng trứng không quá 8. Nhiều tiến bộ về kỹ thuật đã khắc phục các bất lợi như số lượng noãn thu được ít hơn, số phôi ít hơn và cơ hội có phôi dư để trữ lạnh ít hơn… giúp tỉ lệ thành công với kỹ thuật này ngày càng cao hơn.

Niềm hạnh phúc của mẹ sau khi sinh con nhờ IVF Ảnh: V.H
Niềm hạnh phúc của mẹ sau khi sinh con nhờ IVF Ảnh: V.H

Vào thời điểm thích hợp, bác sĩ sẽ chọc hút trứng đưa ra ngoài để làm thụ tinh. Sau khi chọc hút trứng, bệnh nhân nằm lại phòng lưu bệnh khoảng 2 giờ. Một số người có cảm giác chóng mặt, buồn nôn do tác dụng phụ của thuốc. Nhưng đa số đều bình thường. Người chồng cũng lấy tinh trùng vào ngày người vợ lấy trứng. Trứng được kết hợp với tinh trùng. Thủ thuật chuyển phôi sang người mẹ được thực hiện sau đó từ 2 đến 5 ngày. Hai tuần sau, người vợ thử máu để biết có thai hay không.

Khi đến Khoa TTTON (IVF) Vạn Hạnh, chị N. được tư vấn về TTTON kích thích nhẹ buồng trứng. Kết quả khá mỹ mãn vì sau khi chọc hút, chị có được 7 trứng. Tin vui đã đến với anh chị N. “Bé quậy lắm, đạp trong bụng má hoài. Ông bà đang mong nhìn thấy cháu lắm” - chị cười hạnh phúc nói với chúng tôi khi khám thai lúc 26 tuần.

TTTON tại Bệnh viện Vạn Hạnh

Thành lập năm 2007, Khoa IVF Vạn Hạnh trở thành trung tâm đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hệ thống nuôi cấy phôi với nồng độ ôxy sinh lý. Đến tháng 7-2007, phụ nữ đầu tiên mang thai từ phương pháp TTTON và sau 9 tháng, một em bé khỏe mạnh chào đời, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của IVF Vạn Hạnh. Đến nay đã có hơn 2.000 em bé sinh ra từ phương pháp TTTON.

Việc liên tục cập nhật các kiến thức mới từ trong nước và trên thế giới giúp Khoa IVF Vạn Hạnh triển khai được nhiều kỹ thuật tiến bộ nên tỉ lệ thành công ngày càng cao và ổn định. Đây là tiền đề tốt giúp Khoa IVF Vạn Hạnh tập trung phát triển kỹ thuật kích thích buồng trứng nhẹ và đạt những kết quả khích lệ.

Người lao động

© 2021 FAP
  17,360,908       54/908