Sức khỏe

Coi chừng bàn chân trẻ mang tật

Dị tật bẩm sinh ở bàn chân có thể kéo theo di chứng ở các vùng cơ thể khác từ khi trẻ bắt đầu biết đi

Khi con trai được hơn 1 tuổi và bắt đầu đi được những đoạn khá dài, chị N.T.M.A (ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) mới phát hiện dáng đi của cháu bé có gì đó là lạ. Cụ thể, bàn chân của cháu bé khi chạm đất thì không đặt thẳng như người bình thường mà hơi nghiêng về phía rìa; cổ chân cũng có vẻ cứng, không dẻo dai như các trẻ khác, từ đó tướng đi của cháu cũng bất thường.

Nhiều trường hợp phát hiện trễ

Đưa con đến một bệnh viện (BV) nhi, chị A. mới biết bé bị khoèo chân ở mức độ nhẹ nên trong quá trình siêu âm, sinh nở, khám bệnh ở những tháng đầu đời, bác sĩ (BS) lẫn cha mẹ đều không phát hiện. Tuy chỉ bị rất nhẹ nhưng các BS cũng khuyên chị đưa bé vào BV ngay bởi một chút không bình thường này có thể làm phát sinh nhiều vấn đề lớn hơn sau này.

Chị Ng.T.M (ngụ quận Thủ Đức,TP HCM) cũng mang con đi khám khi bé đang ở tuổi tập đi vì phát hiện lòng bàn chân bằng phẳng khác thường. “Lúc còn nhỏ, chân cháu rất bình thường nhưng không hiểu sao bây giờ lại vậy” - chị cho biết. Cuối cùng, BS chẩn đoán con gái chị bị tật bàn chân bẹt bẩm sinh.

Phẫu thuật chỉnh hình cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM
Phẫu thuật chỉnh hình cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM

BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết ông đã từng gặp rất nhiều trường hợp trẻ bị tật ở bàn chân chỉ được phát hiện khi bắt đầu biết đi, thậm chí khi đã vài tuổi vì nhiều phụ huynh dù có điều kiện vẫn quan niệm “đợi lớn lên chút xem sao” hoặc “còn nhỏ quá sao mổ được”… Các dị tật này khá đa dạng như bàn chân bẹt, bàn chân vòm, bàn chân lồi, chân khoèo (bàn chân bị lật vào trong)… Đối với hầu hết các dị tật, “thời gian vàng” để can thiệp vẫn là giai đoạn nhũ nhi và không phải trường hợp nào cũng cần phẫu thuật như nhiều người nghĩ.

Không chỉ là vấn đề của bàn chân

Theo BS Ánh, do trẻ lớn lên phải dùng bàn chân để đi lại nên dị tật bộ phận này còn có thể kéo theo nhiều biến chứng khác ở hệ cơ - xương - khớp. “Một trong những dị tật chúng tôi thường gặp nhất là bàn chân khoèo. Bàn chân lật vào phía trong, dù chỉ chút ít cũng khiến điểm tì đè khi trẻ đi lại thay đổi. Tật vẹo trong phía trước bàn chân, thậm chí chỉ là vẹo ngón cái, cũng có thể tác động tương tự. Điều này sẽ ảnh hưởng đến dáng đi của trẻ, từ đó sinh ra những lệch lạc khác ở cổ chân, đầu gối, hông…” - BS Ánh phân tích.

BS Nguyễn Văn Thanh, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật chỉnh hình BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, lưu ý một dị tật tương đối khó phát hiện nếu không bị quá nặng, đó là tật bàn chân bẹt. Giống như trường hợp con gái chị M. nêu trên, khi mới ra đời, có thể bàn chân trẻ trông như hoàn toàn bình thường nhưng đến khi biết đi, những bất thường do hệ thống dây chằng, cơ… lỏng lẻo mới được phát hiện.

Điều đáng nói là khi bị tật này, trẻ vẫn đi lại khá bình thường nên không được đưa đến BV để điều trị kịp thời. Chỉ khi trẻ kêu đau cổ chân, thậm chí đau lên tới đầu gối hoặc tướng đi quá xấu, thì phụ huynh mới lo lắng đi tìm BS. Đây là một dị tật bắt buộc can thiệp phẫu thuật. Độ tuổi phẫu thuật tốt nhất là khoảng 5-12. Tuy nhiên, từ lúc tập đi cho đến khi phẫu thuật, trẻ rất cần được đưa đến BV để sử dụng dụng cụ chỉnh hình và tập vật lý trị liệu.

Có thể can thiệp từ khi mới sinh

Theo BS Đỗ Trọng Ánh, nhiều loại dị tật bàn chân ở trẻ có thể dễ dàng can thiệp trong giai đoạn nhũ nhi, ví dụ bàn chân khoèo. Ba tuần đầu đời là “thời gian vàng” bởi khi đó, cơ thể trẻ còn mang nhiều estrogen từ mẹ khiến dây chằng còn mềm mại, việc nắn chỉnh dễ dàng. Các BS chuyên khoa sẽ áp dụng phương pháp Ponseti, tức nắn và bó bột cho bàn chân trẻ trở về vị trí bình thường. Tỉ lệ thành công của phương pháp này rất cao và lớn lên, trẻ có thể đi lại hoàn toàn bình thường.

Phương pháp này ban đầu được áp dụng cho trẻ trên dưới 2 tuổi. Tuy nhiên, khi qua khỏi “thời gian vàng” 3 tuần đầu, tỉ lệ thành công sẽ giảm dần. Khi trẻ quá lớn và điều trị bảo tồn bằng Ponseti không đạt hiệu quả mong muốn, các BS sẽ dùng đến phẫu thuật.

Theo BS Nguyễn Văn Thanh, nếu không được điều trị sớm và đúng cách, trẻ bị tật bàn chân có thể phải gánh chịu những cơn đau ở vùng cổ chân, đầu gối, hông…, bị vẹo cột sống, thoái hóa khớp sớm…

Người lao động

© 2021 FAP
  22,317,843       6/827