Sức khỏe

Mang thai hộ: Vẫn phải chờ

Luật Hôn nhân - Gia đình sửa đổi đã có hiệu lực từ ngày 1-1, mở ra hy vọng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn nhưng 3 cơ sở y tế được chỉ định thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vẫn đang chờ các văn bản hướng dẫn

Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia - Bệnh viện (BV) Phụ sản trung ương (Hà Nội) những ngày đầu năm mới, khi Luật Hôn nhân - Gia đình sửa đổi có hiệu lực, luôn trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, trung tâm tiếp đón hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn đến khám và thực hiện các kỹ thuật trợ giúp sinh sản.

Nhu cầu rất lớn

Vợ chồng chị T.T.V (45 tuổi, ở Quảng Ninh) đã nhiều lần tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia với mong muốn các bác sĩ (BS) có thể giúp họ tìm lại tiếng cười con trẻ sau nỗi đau mất đi đứa con trai duy nhất trong một tai nạn giao thông cách đây không lâu. Theo chị V., khó khăn lớn nhất với chị không phải là vấn đề tuổi tác.

Việc cho phép mang thai hộ mở ra cơ hội cho những cặp vợ chồng hiếm muộn
Việc cho phép mang thai hộ mở ra cơ hội cho những cặp vợ chồng hiếm muộn

“Tôi đã bị cắt tử cung do phát hiện có một khối u lớn. Theo các BS, buồng trứng của tôi vẫn hoạt động tốt nhưng vì không còn tử cung nên sẽ không thể mang thai được. Tuy nhiên, với quy định cho phép mang thai hộ và người chị đã nhận lời giúp, tôi vẫn có cơ hội được làm mẹ” - chị V. khấp khởi hy vọng.

Theo TS-BS Hồ Sỹ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, thống kê từ trung tâm cho thấy hằng năm, hơn 10.000 người đã đến đây khám vô sinh, hiếm muộn, trong đó khoảng 0,5% không thể tự mang thai vì nhiều lý do. Đó là những trường hợp bẩm sinh không có tử cung hoặc phải cắt bỏ tử cung do khối u to, tổn thương ung thư; tử cung có quá nhiều nhân xơ, niêm mạc quá mỏng khiến phôi không thể làm tổ, dính buồng tử cung do nạo phá thai… Ngoài ra, cũng có thể do người vợ bị bệnh tim, suy tim… nên không thể mang thai; liên tục sẩy thai hay thụ tinh trong ống nghiệm thất bại nhiều lần.

“Mang thai hộ là mong muốn chính đáng của những cặp vợ chồng hiếm muộn. Việc cho phép mang thai hộ đã mở ra một cơ hội làm mẹ cho họ” - TS-BS Hùng nhận định. Theo ông, cách thực hiện mang thai hộ là lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng cho thụ tinh trong ống nghiệm để tạo phôi. Sau đó, phôi được cấy vào tử cung của phụ nữ tự nguyện để người này mang thai và sinh con. Đứa trẻ sinh ra hoàn toàn mang gien di truyền của vợ và chồng, không bị ảnh hưởng bởi người mang thai hộ. Tử cung của người mang thai hộ cũng giống như “vườn ươm” cho thai nhi.

“Về kỹ thuật, việc thực hiện mang thai hộ không có gì là trở ngại, điều kiện về kỹ thuật BV cũng đã sẵn sàng. Tại BV Phụ sản trung ương, nhiều trường hợp đã đăng ký thực hiện phương pháp mang thai hộ nhưng vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế” - TS-BS Hùng cho biết.

Ngăn chặn đẻ thuê

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, bộ vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định về việc sinh con theo phương pháp khoa học, trong đó có vấn đề mang thai hộ. Nghị định này quy định việc cho - nhận tinh trùng, cho - nhận noãn, cho - nhận phôi, cơ sở đủ điều kiện thụ tinh trong ống nghiệm, thực hiện mang thai hộ…

Ông Quang cho rằng về kỹ thuật, mang thai hộ là một phác đồ điều trị mà các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm đều có thể thực hiện được. Tuy vậy, trong số 22 trung tâm ở Việt Nam, năm 2015, Bộ Y tế chỉ cho phép 3 đơn vị đại diện cho 3 vùng miền được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, gồm: BV Phụ sản trung ương, BV Đa khoa Trung ương Huế và BV Từ Dũ ở TP HCM.

Dự kiến, sau 1 năm triển khai tại 3 cơ sở y tế nêu trên, Bộ Y tế sẽ tổng kết và mở rộng thực hiện tại các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm. Các trung tâm này phải bảo đảm các điều kiện: Một năm thực hiện được 300 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm, có kinh nghiệm, không vi phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này.

“Việc mang thai hộ là chính đáng đối với những cặp vợ chồng muốn có con mà không thể mang thai. Song, đây là vấn đề nhạy cảm nên Bộ Y tế cũng quy định điều kiện chặt chẽ cho trường hợp mang thai hộ nhằm ngăn chặn các hình thức biến tướng, thương mại hóa, đẻ thuê. Với các quy định pháp luật khá chặt, bên mang thai hộ lẫn bên nhờ thực hiện phải trải qua nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian. Các BV phải có trách nhiệm xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị mang thai hộ. Bộ Y tế cũng sẽ có cơ chế theo dõi và giám sát việc triển khai thực hiện kỹ thuật này” - ông Quang khẳng định.

Chỉ được giúp một lần

Người mang thai hộ phải là thân thích, cùng họ hàng của người nhờ (vợ hoặc chồng), từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần. Trường hợp người mang thai hộ đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

“Việc xét duyệt hồ sơ để có cho phép mang thai hộ hay không sẽ do hội đồng độc lập đánh giá, dựa trên tình trạng bệnh lý không thể mang thai tự nhiên của người nhờ, quan hệ họ hàng giữa người nhờ và người mang thai hộ, điều kiện sức khỏe của người mang thai hộ...Thành viên hội đồng chuyên môn ngoài những giáo sư, BS còn có các luật sư, chuyên gia tâm lý” - ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.

Người lao động

mang thai, mang thai hộ, vô sinh, Dịch vụ mang thai hộ, hỗ trợ sinh sản, đẻ thuê, thụ tinh ống nghiệm, Luật Hôn nhân - Gia đình, nạo phá thai


© 2021 FAP
  22,299,742       16/832