Sức khỏe

Thoa kem không làm to ngực

Thuốc nội tiết sinh dục, trong đó có sinh dục nữ, là loại thuốc bất đắc dĩ bác sĩ mới cho dùng vì nếu dùng sai thì rất nguy hiểm

Trên thị trường dược phẩm chính thức và không chính thức (mua bán qua internet, qua hàng xách tay…) hiện có nhiều sản phẩm thuốc nội tiết tố sinh dục nữ dạng kem bôi thoa lên ngực được quảng cáo có tác dụng nở ngực. Kèm theo đó là lời chào mời tiếp thị rất hấp dẫn như: “Thoa 7 ngày thuốc thẩm thấu vào cơ ngực, kích thích mô mỡ ngực phát triển...”. Thực chất việc dùng thuốc nội tiết tố sinh dục nữ bôi ngoài da làm nở ngực này lợi hay hại?

Đừng dùng bừa bãi

Có 2 loại nội tiết tố (còn gọi hormone) sinh dục nữ: estrogen và progesterone. Riêng estrogen do buồng trứng tiết ra được xem như dòng nhựa sống giúp phụ nữ có được các đặc tính thứ phát của người nữ như giọng nói thanh trong trẻo, vóc dáng nhẹ nhàng, làn da mịn màng và nhất là ngực nở to, chắc. Việc điều trị với hormone sinh dục nữ, trong đó có estrogen, họa hoằn lắm mới đụng đến các bệnh lý phụ khoa như: rối loạn nội tiết tuổi dậy thì, cường thượng thận bẩm sinh, rối loạn kinh nguyệt, không rụng trứng, vô kinh, vô sinh, buồng trứng đa nang... Thuốc tuyệt đối không dùng khi đang có thai, cho con bú, viêm gan, bị viêm tắc tĩnh mạch, đái tháo đường nặng, tăng huyết áp, rong huyết chưa rõ nguyên nhân... Thuốc có thể gây các tác dụng phụ như buồn nôn, tăng cân, nhức đầu, ngực, đau rút ở chân...

Ngực to chẳng phải do kem thoa. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Tấn Thạnh
Ngực to chẳng phải do kem thoa. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Tấn Thạnh

Tác dụng phụ có hại và chống chỉ định của estrogen

Estrogen có vai trò tác động lên tuyến vú làm nang tuyến sữa phát triển và hệ thống ống dẫn sữa tăng trưởng, đặc biệt giúp tích tụ mô mỡ dưới da ở vú làm vú nở to lên. Tuy nhiên, tác động vừa kể có được là nhờ estrogen gắn vào các thụ thể của nó có trên mô vú làm ngực nở nhiều, nhất là khi người nữ bước vào giai đoạn dậy thì và giai đoạn sinh sản. Hơn nữa, số lượng thụ thể này ở những phụ nữ khác nhau sẽ không giống nhau, dẫn đến sự đáp ứng nội tiết trên mô vú làm phát triển tuyến sữa và tích tụ mỡ khác nhau. Vì vậy, kích thước vú ở các phụ nữ là khác nhau, không người nào giống người nào. Sau giai đoạn dậy thì, tác dụng estrogen nội sinh làm phát triển ngực gần như không còn nữa cho đến khi sinh sản.

Tuy nhiên, việc dùng hormone sinh dục dù dùng dạng thuốc toàn thân (tức uống hay tiêm chích) để làm ngực to hơn sau giai đoạn dậy thì là không khả thi. Bởi vì, sự đáp ứng nội tiết với hormone đưa vào cơ thể để có sự phát triển tuyến sữa và tích tụ mỡ tùy thuộc vào số lượng thụ thể, nếu thụ thể không nhiều và đã ổn định (tức đã qua tuổi dậy thì) thì việc dùng hormone là không hiệu quả. Hơn nữa, chính các tác dụng phụ có hại và chống chỉ định của estrogen đã nêu ở trên mà việc dùng estrogen để làm ngực to hơn là không nên; lại càng không nên dùng thuốc bôi ngoài da chứa estrogen làm to ngực.

Y học chưa ghi nhận

Cho đến nay, y học chưa ghi nhận có loại dược phẩm hay mỹ phẩm nào chỉ cần bôi ngoài da mà có tác dụng nâng ngực, làm ngực to ra một cách thần kỳ. Estrogen bôi ngoài da không thể nào thấm qua da hoàn toàn để vào máu, đến tuyến vú gắn vào thụ thể để phát huy tác dụng. Việc phụ nữ sau khi bôi kem lên da ở ngực và có cảm giác ngực to hơn là vì khi bôi kem và xoa nắn ngực làm bầu ngực sưng nề, dễ lầm tưởng ngực tăng kích thước. Hơn nữa, estrogen có thể thấm một phần qua da gây giữ nước, gây mập giả chứ không hề giúp ngực phát tiển.

Tóm lại, dùng kem thoa ngực không thôi chẳng thể nào có tác dụng làm ngực to lên. Để có thân hình thon đẹp, trong đó có bộ ngực nở nang và săn chắc, chị em phụ nữ cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng, phù hợp; nhất là có chế độ luyện tập thể dục, vận động kiên trì, nghỉ ngơi thích hợp chứ không nên kỳ vọng vào các sản phẩm làm nở ngực, không chỉ tốn kém mà có khi còn gây hại cho sức khỏe.

Đã có không ít nạn nhân của kem bôi ngực than thở: “Tin lời quảng cáo, tôi mua một lọ kem nở ngực với giá rất đắt. Sau 2 tuần bôi và xoa bóp, ngực không chỉ ngứa mà còn sưng lên, đau quá phải vào bệnh viện điều trị. Đúng là tiền mất tật mang”.

Người lao động

© 2021 FAP
  22,291,404       5/824