Sức khỏe

Đổ bệnh vì... Smartphone

Giới chuyên môn cho rằng những người lạm dụng hoặc nghiện smartphone sẽ phải đối mặt các bệnh lý diễn tiến rất nặng và kéo dài

Gần đây, nhiều người sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) mắc phải các chứng bệnh về cơ xương khớp được đưa đến bệnh viện điều trị, trong đó không ít trường hợp buộc phải phẫu thuật. Đây là một lời cảnh báo cho những ai có thói quen tưởng chừng vô hại này.

Yếu tay, khô khớp

Chị P.N (27 tuổi; trú quận 7, TP HCM) là nhân viên văn phòng, hay sử dụng smartphone hằng ngày. Những tháng gần đây, chị bị đau nhiều ở ngón tay cái của bàn tay phải, khi gấp duỗi thì nghe kêu “lộp cộp” ở khớp cuối ngón tay.

Có những lúc gấp ngón tay đột ngột thì bị “mắc kẹt” không duỗi ra được nữa, chị N. phải kéo mạnh mới trở lại bình thường. Gần đây, cảm giác tê hai bàn tay, đặc biệt là bàn tay phải, càng tăng mạnh gây khó khăn không ít trong công việc và sinh hoạt của chị.

Còn anh T.T.V (35 tuổi, ở quận 1, TP HCM) dù còn trẻ nhưng bị cái u nổi cộm ở cổ tay cũng do smartphone. Công việc của một doanh nhân đòi hỏi sử dụng điện thoại liên tục để nhắn tin, chat, gửi email, chưa kể lên mạng xã hội. Gần đây, các khớp ngón tay, nhất là ở cổ tay phải của anh rất đau, mỏi và sưng thành cục.

“Có lúc việc khẩn cấp nhưng ngón tay phải đau quá không bấm điện thoại được, tôi đành phải chuyển qua tay không thuận để lần mò bấm gọi” - anh V. cho biết. Cơn đau ngày càng tăng cùng với cục u ở cổ tay to dần khiến anh chịu hết nổi. Khi V. đến bệnh viện (BV) khám, các bác sĩ xác định nguyên nhân là do anh sử dụng smartphone quá nhiều..

Đây chỉ là vài trường hợp điển hình về những người mắc “căn bệnh thời đại” mà không hay biết. Tại các BV, chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình, xương khớp trên địa bàn TP HCM như Chợ Rẫy, Nhân Dân 115, Đại học Y Dược, Chấn thương Chỉnh hình…, số người đến khám xương khớp cổ tay do sử dụng các thiết bị thông minh ngày càng đông.

ThS-BS Nguyễn Đức Thành, Khoa Chấn thương Chỉnh hình - BV Đại học Y Dược TP HCM, cho biết có ngày BV tiếp nhận hàng trăm trường hợp đến khám với các triệu chứng đau mỏi ở vùng cổ bàn tay, các ngón tay kèm theo nhức mỏi vùng vai, cột sống cổ, thắt lưng... do lạm dụng smartphone.

Giảm chất lượng cuộc sống

Theo các chuyên gia, điện thoại thông minh có 2 loại là dùng bàn phím cứng và phím ảo. Mỗi khi sử dụng nó phải dùng lực bấm gây tác động trực tiếp lên đầu ngón tay. Không chỉ vậy, cột sống, cổ, thắt lưng, vai cũng bị ảnh hưởng do dây chằng những nơi này bị tác động lớn. Sự tổn thương tích tụ dần mà không ai để ý.

Bác sĩ Nguyễn Đức Thành cho biết có 3 bệnh lý thường gặp do smartphone. Thứ nhất, cảm giác đau nhức ở phần gốc ngón tay, khi cử động nhiều ngón tay không duỗi ra được (ngón tay cò súng), thường gặp nhất là ở ngón tay cái. Trường hợp này nếu nhẹ có thể điều trị bằng thuốc, nặng thì phải phẫu thuật để giải phóng, làm rộng bao gân.

Thứ hai, đau và hạn chế vận động ở vùng cổ tay do tư thế sử dụng smartphone kích thích và gây viêm bao gân. Đây cũng là bệnh phổ biến, trường hợp nặng phải phẫu thuật.

Thứ ba, hội chứng ống cổ tay do sử dụng nhiều và tư thế cổ tay hay gấp quá nhiều, gây chèn ép dây thần kinh giữa ở cổ tay, có cảm giác bị châm chích, tê tay như kiến bò, làm việc rất khó khăn. Bệnh này có thể làm yếu các ngón tay và để lại di chứng nguy hiểm như teo cơ các ngón tay, trường hợp nặng phải phẫu thuật.

Theo TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, các bệnh lý gân, cơ dù thường ít để lại di chứng nhưng làm cho người bệnh đau đớn kéo dài, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống. Đối với những bệnh liên quan đến thần kinh với các biểu hiện đau, tê, chèn ép thần kinh, nếu điều trị không kịp thời sẽ để lại di chứng lâu dài hoặc vĩnh viễn vì khi đó dây thần kinh bị chèn ép lâu ngày, gây thoái hóa nặng.

Giới chuyên môn cho rằng nếu người dùng hiểu biết và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ giảm, các triệu chứng sẽ mất đi, không cần điều trị bằng thuốc và không phải phẫu thuật. Còn với những ai không để ý, lạm dụng smartphone thì biểu hiện bệnh sẽ rất nặng và kéo dài.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH
Người lao động

© 2021 FAP
  22,278,040       34/886