Cùng khám phá những quy tắc vận hành của ngành kinh tế trị giá hàng tỉ đô la, xa hoa, phù phiếm bậc nhất hành tinh.
Trong bộ phim thời trang “The Devil wears Prada”- bộ phim từng càn quét hàng chục giải thưởng điện ảnh thế giới năm 2006 - nhân vật Miranda, tổng biên tập tờ báo thời trang danh tiếng Runway, đã từng có một bài diễn văn đầy ấn tượng về chiếc áo màu xanh chất liệu len cashmere vô cùng bình dân của cô trợ lí Andy. “Liệu màu xanh có đơn thuần chỉ là… màu xanh?”. Đó là một màu xanh được sáng tạo bởi những nhà thiết kế tài hoa, hô biến vào hàng trăm thiết kế kiêu kỳ tạo xu hướng của vô vàn những nhà mốt danh giá, được tối giản hóa qua những thương hiệu bình dân và rồi đưa vào thị trường đại chúng. Một màu xanh đơn giản nhưng cũng là một thị trường trị giá hàng tỉ đô la. Đó cũng chính là cách thức vận hành của thời trang.
Mỗi năm mỗi mùa, giới mộ điệu và các tín đồ thời trang lại trầm trồ, thổn thức trước những bộ sưu tập thời trang tài hoa của những nhà mốt danh tiếng như Dior, Chanel, Gucci… qua những show diễn thời trang đình đám tại những kinh đô thời trang hoa lệ, và rồi những xu hướng từ đó sẽ kéo dài tới cả năm sau. Vậy những show thời trang cao cấp- nơi phô diễn những kiệt tác nghệ thuật - được tổ chức như thế nào, và có những loại show diễn như thế nào?
Những kinh đô thời trang hoa lệ
Bốn kinh đô thời trang chính, còn được gọi là “Tứ trụ kinh đô” của giới thời trang cao cấp là New York, London, Milan và Paris. New York là nơi có “tuổi đời” phát triển các tuần lễ diễn thời trang lớn nhất (1903), kéo theo là Paris (1945), Milan (1958) và cuối cùng là London (1984). Hàng năm, cứ mỗi mùa tuần lễ thời trang, đây là những nơi tụ hội của hàng trăm thương hiệu cao cấp cũng như báo chí và những người quan tâm đến thời trang xa xỉ trên toàn thế giới. Ngoài ra, cho tới nay, nhiều địa điểm khác trên thế giới cũng đã dần tổ chức những tuần lễ thời trang như Seoul (Hàn Quốc), Copenhagen (Đan Mạch), Toronto (Canada)…
Streetstyle đường phố đầy màu sắc tại kinh đô thời trang Paris 2016,
Các mùa thời trang chính: Xuân/ Hè và Thu/Đông
Hẳn bạn sẽ thấy khá quen thuộc khi nghe tới những mùa thời trang như Xuân/Hè (Spring Summer) hay Thu/Đông (Autumn Winter). Những mùa thời trang chính dành cho phái nữ được ấn định cụ thể, Xuân hè vào tháng 9, 10 và Thu đông vào tháng 2, 3. Sở dĩ có sự ấn định thời gian sớm như vậy là bởi sau mỗi tuần lễ thời trang, khi những xu hướng đã được lăng xê rộng rãi, các thương hiệu sẽ đi vào sản xuất các sản phẩm và chuyển chúng tới các nhà bán lẻ cũng như đơn đặt hàng cá nhân trên toàn thế giới (buyer). Nói cách khác, các show thời trang được tổ chức sớm là để các nhãn hàng kịp sản xuất hàng hóa đón nguồn cầu vào đúng mùa. Thứ tự của các tuần lễ thời trang nữ này được tổ chức lần lượt: New York, London, Milan và Paris.
Những thiết kế từ nhà mốt Chanel thu đông 2016 với chất liệu vải tweed đặc trưng.
Bên cạnh các mùa thời trang nữ còn có những mùa thời trang nam, được tổ chức vào tháng 1 và tháng 6, 7 theo thứ tự London, Milan, Paris, Newyork. Tuy nhiên, trong năm 2016, một số nhà mốt nổi tiếng đã “khai tử” show thời trang nam của mình để cắt giảm chi phí (trung bình 1 triệu đô/show diễn) điển hình như nhà mốt Burberry. Động thái này cũng được hưởng ứng bởi nhiều nhà mốt khác như Calvin and Klein, Bottega Veneta… Bên cạnh đó, Gucci và Tommy Hilfiger cũng tuyên bố sẽ chấm dứt show diễn thời trang nam của mình vào năm 2017. Việc chấm dứt những show thời trang nam được đánh giá là hòa nhập với xu thế “phi giới tính” đang dần lên ngôi của bối cảnh thời trang thế giới, giúp các nhà thiết kế có thể đem đến cái nhìn toàn cục cho xu hướng thời trang hơn khi gộp cả show thời trang nữ và nam vào làm một.
Những show thời trang giao mùa (Inter-season/ Transeason)
Resort/ Cruise
Bên cạnh 2 mùa thời trang chính, các nhà mốt còn có mùa thời trang phụ như Resort, hay còn gọi là Cruise, là show thời trang cao cấp giao mùa. Một năm chỉ có một mùa Cruise vào khoảng tháng 5, tháng 6. Các sản phẩm trong bộ sưu tập Resort dành cho các kì nghỉ, thường có màu sắc tươi sáng, chất liệu bay bổng. Khách hàng của Resort thường là những đại gia, quý bà đã sắm sửa xong thời trang… thu đông và giờ những gì họ tìm kiếm là những bộ cánh dành cho các kì nghỉ tới những nơi ấm áp trong mùa đông. Nhưng đó chỉ là lý thuyết, thực chất tới nay, các bộ sưu tập Cruise không còn chỉ dành cho các kì nghỉ, mà dành cho nhu cầu ăn mặc của bất cứ ai, trong khoảng thời gian bày bán của bộ sưu tập, từ tháng 10 đến tháng 2.
Những thiết kế Resort 2017 của Chanel đầy màu sắc, bay bổng với câu slogan ấn tượng được in trên áo “Coco Cuba”.
Các thương hiệu cao cấp bậc nhất như Dior, Chanel, Marc Jacobs… là những gương mặt thường trực của những mùa Cruise xa hoa. Đây cũng là dịp để thời trang và văn hóa giao thoa, thúc đẩy nền kinh tế hàng triệu đô, bởi các nhà mốt thường tổ chức các mùa Cruise tại những địa điểm vô cùng mới mẻ. Ví dụ tiêu biểu như bộ sưu tập Cruise 2017 của Chanel được tổ chức tại Cuba sau khi đất nước này được Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đã gây được tiếng vang lớn, thu về hàng triệu đô về mặt du lịch và dịch vụ cho đất nước tại bờ biển Caribe này.
Không khí sôi động và hình ảnh đầy sắc màu của Chanel trong show diễn Resort 2017 của Chanel tại Cuba.
Chớm thu (Pre-fall)
Chớm thu là show thời trang kết hợp tinh thần của cả bộ sưu tập Xuân/Hè và Thu/Đông, được tổ chức vào cuối hè. Những bộ sưu tập chớm thu thường không quá nặng về mặt trình diễn như các thiết kế trong các show mùa chính. Chúng là sự hòa trộn giữa thời trang nam, haute couture (sẽ đề cập bên dưới) và những bộ sưu tập ứng dụng (ready-to-wear). Chớm thu là sự kết tinh giữa thời trang của cả một năm, mang linh hồn và hình thái của thời trang Xuân/Hè nhưng cũng mang tính dự đoán dành cho những thiết kế mùa Thu/Đông.
Chớm thu là sự kết tinh giữa thời trang của cả một năm, mang linh hồn và hình thái của thời trang Xuân/Hè nhưng cũng mang tính dự đoán dành cho những thiết kế mùa Thu/Đông.
Thời trang ứng dụng: Ready- to- wear
Đây là những show diễn được tổ chức 2 lần trong năm với các bộ sưu tập mang tính ứng dụng, dành cho phần đông thị trường đại chúng, nhưng vẫn đảm bảo tính sâu sắc, thời thượng và vẻ đẹp đỉnh cao của nhà thiết kế. Chi phí dành cho các thiết kế trong Ready-to-wear cũng thấp hơn so với Pre-fall và các mùa chính. Tuy nhiên do được sản xuất với số lượng khá hạn chế, cái giá cho các sản phẩm Ready-to-wear vẫn khá xa xỉ. Một số nhãn hàng tầm trung thường có những thiết kế ứng dụng Ready-to-wear thừa hưởng cảm hứng và xu hướng được tạo nên bởi những thương hiệu cao cấp hơn.
Những thiết kế với khả năng ứng dụng cao những vẫn đảm báo nét thời thượng đến từ thương hiệu Louis Vuitton.
Thời trang cao cấp: Haute couture
Truyền cảm hứng nhất, tinh xảo nhất và xa hoa nhất trong giới thời trang là những bộ sưu tập Haute couture mê hoặc lòng người. Những bộ đầm dạ hội duyên dáng được thêu thùa cầu kì, đính đá quý lấp lánh, gắn lông vũ xa hoa quyền qúy, chỉ mang tính trưng bày, trình diễn hoặc diện trong những sự kiện trọng đại là những gì ta có thể liên tưởng đến khi nhắc đến bộ sưu tập Haute couture. Trong tiếng Pháp, “Haute” có nghĩa là cao cấp, “Couture” là cắt may, “Haute couture” là những bộ sưu tập cao cấp được làm bằng tay toàn bộ bởi những người thợ thủ công lành nghề tỉ mỉ tại Pháp. Những bộ sưu tập Haute couture là phương tiện để những thương hiệu lâu đời, sành nghề, có thực lực về kinh tế và đỉnh cao nhất khẳng định giá trị và phô diễn sự sáng tạo không giới hạn và nghệ thuật cắt may tinh xảo.
Nhưng không phải thương hiệu thiết kế nào cũng có thể làm ra được những bộ sưu tập Haute couture, bởi để được công nhận là Haute Couture, các nhà thiết kế phải tuân theo những luật nghiêm ngặt như có xưởng may thủ công với ít nhất 20 người thợ thủ công tại Pháp, chỉ làm theo những đơn đặt hàng của khách hàng cá nhân và mỗi năm phải trình diễn bộ sưu tập thời trang với ít nhất 35 mẫu thiết kế bao gồm cả đồ mặc ban ngày cũng như đầm dạ tiệc.
Những bộ đầm dạ hội duyên dáng được thêu thùa cầu kì, đính đá quý lấp lánh, gắn lông vũ xa hoa quyền qúy, chỉ mang tính trưng bày, trình diễn hoặc diện trong những sự kiện trọng đại là những gì ta có thể liên tưởng đến khi nhắc đến bộ sưu tập Haute couture.
Trung bình mỗi bộ cánh Haute couture phải mất ít nhất 600 giờ đồng hồ thực hiện, và cũng vì thế, cái giá dành cho những bộ cánh này là “không tưởng”. Một bộ Haute couture mặc ban ngày có giá khởi điểm từ $10000 (200 triệu VNĐ), trong khi những bộ đầm dạ tiệc được thêu đính đá quý cầu kì có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu đô la. Vậy ai là người sẽ chi trả cho những sản phẩm nghệ thuật tinh hoa nhưng có giá trên trời này? Đó chính là những quý bà, quý cô thượng lưu, những ngôi sao trong làng giải trí trên khắp địa cầu. Danh tính của khách đặt hàng Haute Couture là vô cùng bảo mật, những ta cũng dễ dàng có thể nhận thấy những bộ cánh xa hoa này trên mặt thảm đỏ của các sự kiện lớn như các liên hoan phim thế giới, Met Gala… Những bộ cánh lộng lẫy này khiến ta thổn thức trước sự công phu tinh xảo của những người thợ lành nghề, trầm trồ trước sự sáng tạo vô biên và truyền cảm hứng, nuôi dưỡng cho những đam mê thời trang không giới hạn.
Clip người hâm mộ trầm trồ thán phục trước quy trình để tạo nên bộ sưu tập Haute Couture Chanel 2015.