Da hỗn hợp phải dưỡng ẩm sao cho phù hợp. Không cần quá lo lắng bạn vẫn sẽ chọn được bí kíp cho riêng mình với những gợi ý sau.
Với đặc trưng là tỷ lệ dầu và nước trên da phân bố không đều, khiến những bạn gái sở hữu làn da hỗn hợp lúng túng không biết phải lựa chọn dầu dưỡng da sao cho thích hợp. Nhất là khi mùa đông đến, làn da bong tróc khiến cho dầu dưỡng trở thành một vật không thể thiếu. Bí kíp ở đây là hãy lựa chọn loại dầu có tỷ lệ cân bằng giữa lioleic và oleic acid, sẽ giúp bạn duy trì làn da mềm mại, mịn màng mà không gây mụn. Với những khu vực nếu quá khô, bạn có thể sử dụng thêm một loại dầu dưỡng chuyên về oleic acid để dưỡng sâu hơn. Dưới đây là một số loại dầu có tỷ lệ acid béo cân bằng, vừa có khả năng thẩm thấu nhanh mà vẫn dưỡng ẩm sâu, nuôi dưỡng da từ bên trong.
1. Dầu Argan (Argan oil)
- Tỷ lệ Oleic acid: 43%
- Tỷ lệ Lioleic acid: 37%
- Mức độ gây tắc lỗ chân lông: 0
Phụ nữ Moroco từ xưa đã sử dụng dầu argan trong quy trình chăm sóc da, dưỡng tóc, dưỡng móng. Dầu argan được ép lạnh từ các hạt không rang, vô cùng lành tính, có thể sử dụng được cho cả em bé và phụ nữ có thai. Là sự lựa chọn của nhiều ngôi sao, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng, trong dầu có tỷ lệ cân bằng giữa oleic và lioleic acid nên có khả năng dưỡng ẩm, làm dịu da, cung cấp độ ẩm tự nhiên, giảm viêm giảm thâm, ngăn ngừa mụn. Ngoài ra, thành phần giàu vitamin E khiến dầu argan có khả năng chống lão hóa, cải thiện nếp nhăn, tăng cường sản sinh collagen, phục hồi vẻ tươi trẻ của làn da. Đối với phụ nữ mang thai, dầu argan là giải pháp lý tưởng chống lại những vết nhăn nheo, rạn da sau khi sinh.
Bên cạnh đó, các dưỡng chất trong dầu argan là giải pháp dưỡng ẩm và giữ ẩm tuyệt vời cho mái tóc. Việc massage nhẹ nhàng với dầu trước khi gội sẽ giúp tóc có độ bóng đẹp tự nhiên, khuyến khích tóc mọc nhanh và dày, khôi phục tóc hư tổn.
Các loại dầu dưỡng tóc có thành phần chính từ dầu argan có khả năng cải thiện tóc hư tổn rõ rệt.
2. Dầu hạt baobab (Baobab seed oil)
- Tỷ lệ Oleic acid: 36%
- Tỷ lệ Lioleic acid: 31%
- Mức độ gây tắc lỗ chân lông: 2
Cây Baobab là một trong những loại cây đặc trưng nhất ở châu Phi, có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi. Cây thường sống trong khoảng 500 năm, nhưng nhiều người tin rằng một số cây có thể sống đến 5000 năm. Cây có khả năng phình to thân để lưu trữ nước bên trong, đảm bảo tồn tại trong các điều kiện khô cằn nhất.
Dầu hạt Baobab kết cấu nhẹ, thấm nhanh, có chứa acid béo và nhiều chất chống oxy hóa nên có khả năng dưỡng ẩm tự nhiên, hỗ trợ tái tạo tế bào da. Việc sử dụng dầu baobab hàng ngày sẽ giúp kích thích collagen và elastin tổng hợp dưới da, chữa lành các vết sẹo. Trong dầu baobab còn chứa nhiều khoáng chất và các vitamin E, A, K giúp làm mềm, dưỡng ẩm, chống lão hóa hiệu quả.
3. Dầu cám gạo (Rice bran oil)
- Tỷ lệ Oleic acid: 38%
- Tỷ lệ Lioleic acid: 34%
- Mức độ gây tắc lỗ chân lông: 2
Từ xa xưa, phụ nữ Nhật Bản đã sử dụng cám gạo như một loại nguyên liệu thông dụng, đơn giản và hiệu quả trong việc làm đẹp. Trong đó đơn giản nhất có thể kể đến việc sử dụng nước vo gạo dể rửa mặt, hay làm mặt nạ.
Ngày nay, khoa học hiện đại đã chứng minh những tác động tích cực của việc sử dụng cám gạo mà đặc biệt là dầu cám gạo. Dầu cám gạo được chiết xuất từ mầm và lớp cám của hạt gạo. Không sử dụng phương pháp ép lạnh thông thường như khi làm dầu dừa, dầu hướng dương hay dầu oliu; dầu cám gạo thu được nhờ quá trình tách chiết phức tạp với công nghệ cao.
Trong dầu cám gạo rất giàu lipit, hàm lượng acid béo cân bằng, cùng với các chất chống oxy hóa, các loại vitamin E, B2, B6 và nhiều khoáng chất khác. Bởi vậy sử dụng dầu cám gạo mỗi ngày sẽ giúp da chống lại sự hình thành các gốc tự do, bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ ánh nắng mặt trời, làm mờ các vết thâm sạm, phục hồi và nuôi dưỡng tế bào da từ sâu bên trong, ngăn ngừa quá trình lão hóa.
4. Dầu hạt mè (Sesame seed oil)
- Tỷ lệ Oleic acid: 39%
- Tỷ lệ Lioleic acid: 46%
- Mức độ gây tắc lỗ chân lông: 2
Dầu mè (dầu vừng) là một thành phần quen thuộc thường xuyên được sử dụng trong bữa ăn của các chị em. Trong dầu mè tinh khiết có chứa nguồn vitamin E dồi dào, cùng với đó là các acid béo no (pammitic, stearic); acid béo không no (lioleic, oleic, lignoxeric); vitamin B1, B2, B3. Chính vì vậy, dầu mè có khả năng chống oxy hóa, ngăn chặn quá tình oxy hóa và sự hình thành các gốc tự do hiệu quả. Dầu mè có khả năng ngăn khoảng 30% tia nắng mặt trời, là một trong những loại "kem chống nắng" tự nhiên, an toàn. Các chất dưỡng ẩm trong dầu mè có khả năng làm mềm da, loại bỏ các vùng da khô, cấp nước giữ ẩm ngay cả những vùng da khô tróc nhất.
5. Dầu mù ù (Tamanu oil)
- Tỷ lệ Oleic acid: 41%
- Tỷ lệ Lioleic acid: 30%
- Mức độ gây tắc lỗ chân lông: 2
Phụ nữ Vanuatu từ bao đời nay vẫn tin rằng dàu Mù u là quà tặng từ Chúa trời, họ gọi thứ chất lỏng kỳ diệu này là "vàng xanh" vì những tác dụng thần kỳ của nó: chữa lành vết thương, chống nhăn, chống già, chống nắng, chống mụn… Vào cuối những năm 1900, một nữ tu sĩ phương Tây đã tiên phong sử dụng dầu mù u để điều trị các bệnh phong, viêm da, viêm đau dây thần kinh.
Trong thành phần dầu mù u có hàm lượng acid béo cân bằng có khả năng giữ ẩm, làm mềm da. Nhiều chất kháng khuẩn: friedelin, canophyllol, canophyllic acid và inophynone cũng được tìm thấy trong dầu mù u; nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những chất kháng khuẩn này có tác dụng ngang ngửa với các loại thuốc kháng sinh như ampicilin, amoxillin. Hoạt chất xantheno trong dầu có tính kháng viêm cao, chữa lành các vết thương, xưng, mụn viêm trên da.
Dầu mù u có thể làm lành, làm dịu da, khả năng điều trị mụn trứng cá cao, làm liền vết thương, cải thiện sẹo, bảo vệ collagen, thúc đẩy sự hình thành tế bào da, chống lão hóa hiệu quả.
đẹp, thời trang, làm đẹp, chăm sóc da, da hỗn hợp, dưỡng da, dầu dưỡng