Đời sống

Lần đầu bước khỏi lũy tre làng lên thủ đô chơi, cụ bà mong có 200 triệu để mua cả trung tâm thương mại

"Bao giờ bà lại thu xếp lên rồi cho bà đi tiếp nhá, cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới biết mấy chỗ này, sau này chết may có được lên thiên đàng chắc cũng thế này là cùng."

Hình ảnh người bà gắn liền với tuổi thơ mỗi người, gắn liền cả với bến nước lũy tre. Cả cuộc đời bà vì con vì cháu, vất vả ngược xuôi "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", nên dường như cũng bỏ quên cả thời gian và sự phát triển chóng mặt của xã hội ngoài kia.

Chính vì thế, câu chuyện về một cuộc thăm thú thủ đô của người bà do tài khoản A.N chia sẻ trên một group cộng đồng đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người vì quá dễ thương. Thay mặt người bà tần tảo, đứa cháu kể lại như sau:

Lần đầu bước khỏi lũy tre làng lên thủ đô chơi, cụ bà mong có 200 triệu để mua cả trung tâm thương mại - Ảnh 1.
Lần đầu bước khỏi lũy tre làng lên thủ đô chơi, cụ bà mong có 200 triệu để mua cả trung tâm thương mại - Ảnh 2.

"BÀ TAO

Bà kế thôi không phải bà ruột, đúng kiểu phụ nữ thôn quê cả đời không bước qua khỏi "nũy tre nàng". Hôm qua được dịp lên Hà Nội khám bệnh xong tao mới rủ về nhà tao rồi đưa đi chơi. Tối qua mới vào cái siêu thị mini be bé mà mắt tròn mắt dẹt khen đẹp thế hiện đại thế cái gì cũng có, xong 2 bà cháu ngồi xơi nồi lẩu 129 nghìn. bà kêu "Chúa tôi, sao mày ăn sang vậy con, sao nhiều món vậy?" No rồi mà bà cố vét sạch từng miếng cà chua ăn hết rồi thừa gói mì cũng đòi cầm về. Tối về ngủ vẫn cứ xuýt xoa về cái siêu thị đẹp, bảo được đi vào đây 1 chuyến về chết cũng được.

Thấy thương, tao lại quyết định sáng nay đưa vào trung tâm thương mại thì bà kế tao bị ngợp luôn, khuôn mặt cứ dại ra, ngẩn người ngắm nghía, bước chậm nhìn kĩ như muốn thu hết vào đầu để về khoe với các đồng niên trong làng. Qua tiệm nào cũng ghé vào hỏi, hỏi xong tái mặt đi ra vì "Chúa tôi đôi bông tai đồng nhôm sắt thép gì ấy mà nó bán tận 400 nghìn, thôi về xỏ cuống chiếu cho đỡ tốn tiền". Đi xem xét khen đẹp chán rồi buông 1 câu xanh rờn "giờ mà có 200 triệu thì bà mua hết cái chỗ này". Vâng, với 200 triệu bà đòi mua hết cả cái siêu thị với tất cả cửa hàng trang sức đồng hồ túi xách và đồ điện tử. Bá đạo quá!

Lần đầu bước khỏi lũy tre làng lên thủ đô chơi, cụ bà mong có 200 triệu để mua cả trung tâm thương mại - Ảnh 3.

Hình ảnh người bà do chính chủ nhân câu chuyện đăng tải.

Đấy, xong là đến nhà tao được nửa ngày mà đã kịp buôn dưa với nhà tận đầu ngõ trong khi tao ở đây 2 năm mà hàng xóm cách mấy nhà còn không biết tên là gì. Sáng đi bà bảo ra ngoài chờ, được 2 phút dắt xe ra đã thấy hớn hở với chị nào đấy, ra còn thấy bảo "ôi chị em ở ngay đây mà không biết nhau" làm tao cứ tưởng bà gặp người quen. Mới nói chuyện 2 phút đã biết người ta tên gì, bao nhiêu tuổi, làm ở đâu rồi khoe cháu tôi (là tao) làm "xơ sĩ" ở viện Bạch Mai. Sai cả chức danh lẫn nơi công tác.

… Tao vừa đưa bà lên xe về quê, bà còn dặn "Bao giờ bà lại thu xếp lên rồi cho bà đi tiếp nhá, cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới biết mấy chỗ này, sau này chết may có được lên thiên đàng chắc cũng thế này là cùng."

Câu chuyện nhận được tới hơn 13 nghìn lượt thích và rất nhiều bình luận của "các cháu". Hầu hết mọi người đều chia sẻ những câu chuyện hài hước và dễ thương về ông, bà mình. Bài đăng đã gây xúc động lớn tới rất nhiều cư dân mạng và họ đều nhớ về ông, bà với sự yêu thương, thậm chí là cả hối hận vì đã sống quá vô tâm với họ. Tài khoản M.H.T chia sẻ: "Đọc xong nước mắt rơi. Sinh ra không biết mặt ông bà ngoại lẫn ông nội. May mắn được sống cùg bà nội 21 năm rồi bà cũng đi rồi. Thương nhớ bà!"

Lần đầu bước khỏi lũy tre làng lên thủ đô chơi, cụ bà mong có 200 triệu để mua cả trung tâm thương mại - Ảnh 4.

Nhưng trên tất cả, chia sẻ của chàng trai về chuyến thăm thú thủ đô của bà mình đã khiến rất nhiều người có động lực cố gắng làm việc để kiếm tiền đưa ông bà, bố mẹ đi du lịch một chuyến tận hưởng cuộc sống.

Có rất nhiều cách đơn giản đến không ngờ để bày tỏ tình yêu đối với những người xung quanh chúng ta. Thế nhưng những người trẻ có quá nhiều mối quan tâm đến nỗi quên đi những điều nhỏ nhặt này. Sau khi chứng kiến niềm vui giản đơn của người bà trong câu chuyện này, có lẽ ai cũng sẽ tìm thấy cho mình câu trả lời để sống một cách trọn vẹn yêu thương hơn.

aFamily

Cư dân mạng, ông bà, thôn quê, thành phố, Con cháu


© 2021 FAP
  3,938,396       1/877