Từ một nữ công nhân phòng không về hưu, người phụ nữ Hà thành đảm đang đã nuôi sống gia đình bằng gánh bún cá vỉa hè đắt khách, rồi dần dần thành địa điểm yêu thích của người dân phố cổ vì những món ăn mộc mạc mang phong vị ẩm thực truyền thống đất Bắc.
Xuyên qua đoạn ngã tư Bờ Hồ đông nghịt người đi bộ, tôi rẽ vào con phố nhỏ Nguyễn Khắc Cần. Thêm cỡ 3 căn nhà nữa, tôi rảo bước sang ngõ Tràng Tiền. Rất nhiều người bạn của tôi từng ngạc nhiên khi biết rằng ngoài phố kem Tràng Tiền thì gần nó còn có một con ngõ trùng tên, nhỏ xíu xiu chỉ dài độ trăm mét, nằm giữa Nguyễn Khắc Cần và Phan Chu Trinh. Từ trong ngõ nhìn ra có thể thấy cả Nhà Hát Lớn.
Nhiều người quen với phố Tràng Tiền nên khi nghe đến con ngõ trùng tên, họ ngạc nhiên khi biết có một nơi như thế nằm nép mình phía sau trường cấp 3 Trần Phú.
Khác với bầu không khí ngột ngạt huyên náo ngoài phố đi bộ, ngõ Tràng Tiền yên tĩnh và thong dong, mát rượi hương hoa ngọc lan đầu hè. Nơi này tuy không rực rỡ đèn hoa, nhưng cũng rất hấp dẫn lòng người khi những quán hàng ăn cứ nối nhau gọi mời. Nào là hàng café xinh xắn như châu Âu, nào là quán chè thơm ngon quyến rũ với đủ món mát lạnh nhìn là thấy xua tan cái nóng, nào là hàng ngao ốc nem chua bên bức tường cổ kính…
Và giữa không gian ẩm thực đặc trưng Hà Nội như thế, có một hàng bún miến bánh đa nằm khiêm tốn ở một góc tường, với tấm biển nhỏ gọn "Bún cá chị Nga", trông bình thường như bao quán cũ khác ở Hà Nội nhưng đã có tuổi đời hơn 20 năm, gắn với bao thế hệ người dân phố cổ.
Tấm biển quán cũ kỹ chân phương.
Quán cô Nga rất dễ tìm vì nằm ngay giữa ngõ, chỉ vỏn vẹn một gian hàng nho nhỏ thế này thôi.
Tôi chọn chỗ ngồi gần bức tường cũ, ngay dưới ô cửa sổ sơn xanh của ngôi trường cấp 3 nổi tiếng. Hàng bún chỉ vỏn vẹn vài bộ bàn ghế nhựa, xếp hàng ngang, quầy chế đồ ăn nằm phía đối diện. Người phụ nữ tóc hoa râm, dáng nhỏ nhắn, giọng nhẹ nhàng hỏi tôi ăn gì. Nhìn tấm biển một hồi, tôi muốn ăn bánh đa trộn cho mát. Bà chủ quán gật đầu, kêu tôi chờ mấy phút nhanh thôi.
Gọi thêm một cốc trà đá, tôi thong thả ngồi ngắm nhìn xung quanh. Ngay giữa ngõ có cái cây cổ thụ khá lớn, xòe bóng mát cho cả nửa con ngõ, thi thoảng có cơn gió man mát thoảng qua là lá rơi đầy lên dãy xe dựng ngẫu nhiên dọc bức tường vàng. Yên bình, cổ kính, và thật đáng yêu biết bao. Hà Nội ồn ào bon chen vẫn luôn có những góc nhỏ xinh xắn nhẹ nhàng, nơi nhịp sống diễn ra chậm rãi và giản dị, đậm chất đời thường.
Chẳng quảng cáo rầm rộ bao giờ, nhưng người nọ người kia tới ăn cứ rỉ tai nhau, rồi quán cô Nga trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều thực khách.
Những món bún, bánh đa, miến do cô Nga làm không phải quá xuất sắc, nhưng người ta vẫn xiêu lòng vì vẻ ngoài và hương vị mộc mạc dân dã chứa đựng trong đó.
Bát đồ ăn đầy ụ được đặt trước mặt tôi sau vài phút chờ đợi. Những sợi bánh đa óng ả màu mật mía được phủ bởi một lớp rau cải xanh chần qua nước dùng vẫn còn hơi nóng, trộn đều lên có nhân chả, giò, ít gạch cua, thịt bò, hành khô… Nói chung là rất quyến rũ và ngon mắt trong tiết trời 37 độ hầm hập, không hành hạ vị giác của tôi bằng vị cay hay nước dùng nóng hổi của những món mùa đông ăm ắp. So với bún ốc Nguyễn Siêu, bánh đa trộn Hàng Chĩnh thì đồ ăn ở đây không bắt mắt là bao, nhưng cũng mang phong vị truyền thống, vừa khiêm tốn vừa dễ ăn.
Nhấp một ngụm trà đá mát lạnh, gắp một đũa bánh đa từ tốn nếm thử, tự nhiên tôi bần thần nhớ mẹ đến lạ. Giống y hương vị bánh đa trộn, mì trộn mẹ hay làm cho tôi ở nhà những hôm bố đi vắng, 2 mẹ con lười không nấu cơm, loay hoay làm đồ ăn nhanh cho xong bữa. Hành khô thơm giòn quyện với thịt bò ngọt đượm vừa chín tới, dai dai sần sật, rau cải thanh mát mộc mạc, chẳng cầu kỳ hoa mỹ mà ngon một cách nhẹ nhàng. Đó không phải là món ăn độc đáo gây ấn tượng ngay từ nơi đầu lưỡi, nhưng sự hòa hợp của các loại nguyên liệu và gia vị vừa đủ khiến tôi thấy dễ chịu.
Ngoài những món trộn phù hợp với thời tiết mùa hè, thì những ai không thích ăn khô có thể gọi đồ có nước, vẫn rất ngon và nhẹ nhàng, thanh cảnh.
Khách thường xuyên ghé quán cô Nga chủ yếu là các bà các mẹ, học sinh sinh viên, và cả du khách quá vãng đi ngang ngõ Tràng Tiền.
Người làm ra bát bánh đa giản dị ấy là cô Nga (59 tuổi). Bà chủ quán ít nói, hay im lặng ngồi dựa lưng vào tường phe phẩy chiếc quạt nhỏ những lúc vắng khách. Nhiều người lần đầu gặp cứ nghĩ rằng cô Nga khó gần, nhưng sự thật thì cô rất thân thiện, cởi mở, cứ ngồi xuống bắt chuyện là cô cười xòa. Mấy em bé chạy ngang qua ngõ "Chào bà Nga" to tướng, người mẹ trẻ đi xe đạp điện chở con gái ngang qua mua bát miến trộn mang về, và cả những vị khách trẻ thích lang thang khám phá Hà Nội như tôi nữa. Ai ngang qua cô Nga cũng sẵn sàng nở nụ cười và gật đầu chào lại.
Người phụ nữ khéo léo hiền hậu ấy đã bán hàng ăn ở cái ngõ nhỏ xinh này ngót 20 năm có lẻ. "Tầm những năm 95-96, cô hay ngồi đầu ngõ mạn giao với Phan Chu Trinh, bán bún cua quanh năm, gánh gồng kiếm kế sinh nhai thôi. Trước cô cũng làm nhiều nghề, từng là công nhân phòng không, sau nghỉ hưu rồi mới xoay xỏa sang nấu nướng, tự học mấy món bún nước, bún trộn, rồi thêm cả miến bánh đa, dần dà thì ổn định như hiện tại". Cô Nga tâm sự chân thành.
Gắn bó với con ngõ từ gánh bún cua, rồi giờ đây là bún cá, bánh đa... bà chủ quán thân thiện đã là "gương mặt đại diện" cho ẩm thực ngõ Tràng Tiền.
2 thập kỷ trôi qua, khách ruột quán cô Nga toàn học sinh và dân công sở ở những tòa nhà sang chảnh xung quanh ghé đến. Có những người đều đặn chiều nào cũng "mài quần" ăn bún ở đây suốt cả thời học cấp 3 ở trường Trần Phú ngay cạnh đó, rồi hơn chục năm sau lại đến lượt con cái cũng yêu thích hương vị món ăn do cô Nga làm.
Bà chủ quán hóm hỉnh tiết lộ rằng đã từng có nhiếp ảnh nước ngoài tới đây chụp quán bún của cô, có lẽ hình của cô đã xuất hiện đâu đó trên một vài tờ tạp chí du lịch, và cả đài truyền hình cũng từng đến đây, ghi lại những khoảnh khắc đời thường của người phụ nữ Hà thành đã tạo nên thói quen ăn hàng quán bình dân ở ngõ Tràng Tiền cho bao thế hệ.
Những lúc rảnh tay, cô Nga lại ngồi tám chuyện với người dân sống gần đó tới quán ăn như thói quen.
Không đua theo những món ăn thời thượng, bún cô Nga níu lòng thực khách bằng nét truyền thống giản dị.
Mỗi món ăn ở quán cô Nga đều có 2 cách thức để ăn là chan với nước dùng hoặc là trộn. Thích ăn kiểu nào chỉ cần nói 1 câu là 2 phút sau đã có ngay bát bún, miến, bánh đa ngon lành trước mặt. Giá một bát bất kỳ đều đồng giá 35 nghìn, muốn gọi thêm nhiều nhân hay nhiều bún bánh thì cô Nga cũng chỉ lấy thêm 5 nghìn đồng nữa thôi. Cách đây mấy chục năm cô ngồi bên gánh bún cua cũng chỉ tính giá cho học sinh vài ba nghìn 1 bát, ăn đủ no lặc lè.
Cứ sáng sáng cô Nga dậy sớm, có thêm người phụ giúp tự chuẩn bị mọi nguyên liệu bán hàng, từ rau cần, rau cải đến thịt bò, gạch cua, chả giò, cá rán… đều được làm sạch sẽ gọn gàng, mang ra chiếc tủ kính nhỏ ngoài ngõ để buổi trưa bắt đầu khách tới ăn. Cứ túc tắc như vậy đến tối, có lắm hôm đông quá không kịp trở tay, bán hết bao nhiêu cân bún, bánh đa cô Nga cũng chẳng nhớ, hết lại gọi người mang đến tập nập chẳng kém nhà hàng nổi tiếng nào.
Chẳng biết còn ngồi đây bao nhiêu mùa nắng mưa nữa, nhưng cô Nga hiếm khi thấy mình buồn, vì ngày nào bán hàng cũng đủ chuyện vui vui. Trừ những hôm mưa gió rét mướt ế hàng, hay tết tư phải nghỉ, thì bà chủ cứ bận rộn luôn tay, rồi nghe khách kế chuyện, đầy kỉ niệm vui ra chứ lấy đâu mà buồn?
Ngõ Tràng Tiền, phụ nữ hà thành, ẩm thực truyền thống, bà chủ quán, bún cá cô Nga, phố đi bộ, học sinh sinh viên, món ngon Hà Nội