Du lịch đem lại nguồn thu khổng lồ cho địa phương. Tuy nhiên, lượng khách quá đông cũng khiến cảnh quan bị tổn hại nặng nề, khiến một số nơi phải đóng cửa để phục hồi.
Tình trạng quá tải đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở nhiều điểm đến nổi tiếng trên thế giới, từ thị trấn Santorini tuyệt đẹp của Hy Lạp tới Venice lãng mạn của Italy. Trong đó, nhiều điểm đến có cảnh quan và môi trường thiên nhiên bị tổn hại do quá đông khách đã phải đóng cửa với hy vọng có thể phục hồi và tìm hướng phát triển bền vững hơn.
Vịnh Maya, Thái Lan
Từ tháng 3/2018, chính phủ Thái Lan tuyên bố đóng cửa vịnh Maya, để môi trường sinh thái có cơ hội "nghỉ ngơi". Khu vịnh tuyệt đẹp với làn nước trong vắt, những bãi biển cát trắng mịn và vách đá vôi hùng vĩ này nổi tiếng khắp thế giới nhờ được chọn làm bối cảnh cho phim The Beach của tài tử Leonardo DiCaprio. Ước tính mỗi ngày có khoảng 4.000 - 5.000 lượt khách tới đây.
Ảnh: Phuket Dive Tours; Expedia
Các chuyên gia cho biết 77% san hô ở vịnh Maya đang bị đe dọa nghiêm trọng, chủ yếu là từ các mỏ neo của thuyền. Họ hy vọng thời gian đóng cửa và kế hoạch cấy ghép sẽ giúp san hô phát triển trở lại. Đây không phải lần đầu Thái Lan phải đóng cửa hay giới hạn lượt đến ở các điểm đến nổi tiếng vì quá đông khách.
Ảnh: HotelThailand; Phuket Tours; Wikimapia
Hòn đảo xinh đẹp Koh Tachai nằm trong Công viên quốc gia Similan của Thái Lan cũng đã bị đóng cửa vô thời hạn từ tháng 10/2016 sau khi trở thành điểm đến quá được du khách ưa chuộng. Ba hòn đảo khác - Koh Khai Nok, Koh Khai Nui và Koh Khai Nai (cùng ở ngoài khơi Phuket) - cũng bị giới hạn khách. Đồng thời, các công ty du lịch phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm khắc về thời điểm, nơi chốn và cách thức tới thăm 3 hòn đảo này.
Boracay, Philippines
Được biết đến như một thiên đường biển đảo từ những năm 1980, đảo Boracay nhanh chóng trở thành điểm đến không thể bỏ qua ở Phillipines. Tuy nhiên, sự phát triển thiếu kiểm soát cùng vấn đề nước thải đổ trực tiếp xuống biển đã khiến môi trường quanh đảo bị tổn hại nặng nề.
Ảnh: Independent; Pinterest; Alta Vista De Boracay; Prime Holidays
Năm 2017, Boracay đón khoảng 2 triệu khách, gây sức ép lên thiên nhiên trên và quanh đảo. Các bãi biển ở đây gặp phải hiện tượng tảo nở hoa, khiến các nhà môi trường và cư dân cho rằng là dấu hiệu cho thấy nước biển đang bị ô nhiễm. Chính phủ Philippines tuyên bố đóng cửa Boracay trong 6 tháng, tính từ 4/4/2018, và thực hiện chiến dịch làm sạch hòn đảo này.
Hang Lascaux, Pháp
Lối vào hang động kỳ vĩ ở vùng Dordogne được phát hiện vào năm 1940. Bên trong, những nhà thám hiểm sửng sốt khi thấy hơn 600 bức bích họa tiền sử, chủ yếu mô tả các loại động vật. Những bức tranh này đã hơn 17.000 năm tuổi và cho người xem hình dung được một phần cuộc sống của con người thời cổ xưa.
Ảnh: Dezeen; National Geographic
Hang động đặc biệt này lập tức trở thành điểm đến nổi tiếng. Tuy nhiên, với hơn 1.000 du khách đến đây mỗi ngày, các bức tranh trong động dần bị xói mòn. Sức nóng, độ ẩm, CO2 và các chất bẩn khác theo du khách vào trong hang, nấm mốc bắt đầu phát triển trên tranh. Do đó, hang động bị đóng cửa từ năm 1963. Hiện tại, du khách có thể chiêm ngưỡng các bản sao của tranh trên vách hang ở trung tâm tham quan cách đó vài cây số.
điểm du lịch, điểm du lịch nổi tiếng, Ô nhiễm môi trường