11 năm chạy thận liên miên chưa biết đích đến, 11 năm sống xa quê hương, 11 năm vợ chồng mỗi người một nơi may sao có dịp gặp lại như Ngưu Lang Chức Nữ đoàn tụ ngày thất tịch, nhưng chưa khi nào bà Tảo cảm thấy cô đơn. Với bà, vài trang thơ chồng viết tặng suốt bao năm qua là một liều thuốc quý giá.
Bà Tảo nằm quạt lấy quạt để trong căn phòng trọ chừng 10m2. 11 năm rồi bà gắn bó với cái xóm trọ này, mà mỗi khi nghe tên nó chẳng ai muốn tìm đến thuê. Một điều ngặt nghèo là người ta vào đây cũng bởi lý do bất đắc dĩ: Là phải chạy thận! Khi lần đầu tiên đặt chân tới xóm chạy thận Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bà Tảo thấy cuộc đời mình đầy tăm tối. Bà mất một quả thận. Quả còn lại cũng "ọp ẹp", chỉ còn biết sống nhờ vào những đợt chạy thận đều đặn tại Bệnh viện Bạch Mai.
Cũng như mọi bệnh nhân chạy thận khác, cánh tay trái bà Tảo lồi lõm, xấu xí. Nhưng bà không che giấu nó, bà giơ thẳng tay ra, bà muốn chứng minh cho mọi người biết rằng: "Đây, 11 năm kiên cường của tôi đây!". Ấy thế mà cả xóm đặt cho bà cái tên "Tần Tảo", nghĩ thì vui tai nhưng nghiệm ra cả cuộc đời gần 60 năm trôi qua của người phụ nữ âu cũng khốn khó, nhọc nhằn.
Cánh tay "đặc trưng" của những bệnh nhân chạy thận. Nó lồi lõm và in hằn dấu vết của thương đau...
Bà Tảo đang soạn sửa túi đồ chuẩn bị qua viện chạy thận.
Phòng trọ bà Tảo lộn xộn đủ thứ trên đời, vài chai thuốc nằm la liệt một góc, góc bên kia là những chai nước để dành đi bán mỗi tối. Sắp chuyển phòng trọ qua khu nhà cuối dãy, bà Tảo mệt mỏi phơi mớ quần áo còn thơm mùi nước xả. Gần ngay giường bà nằm là chiếc xe đạp cà tàng - "người bạn thân" 11 năm vẫn theo bà lóc cóc từ viện về nhà và ngược lại.
Bà Tảo vừa nấu suất cơm trưa, mùi thơm bay thoang thoảng khắp phòng. Bà đổ một chai nước đầy mang theo. Dự là chạy thận mất từ 4 đến 5 tiếng, chỗ thức ăn này bà dành để ăn lúc nghỉ ngơi.
9h30 sáng thứ 2 - một ngày hè oi bức. 30 phút trước khi bà Tảo qua bệnh viện.
- "Ơ nay chị Tảo chưa đi 'chạy' à?"
- "Chưa chú ơi, nay nhà tôi có khách!".
Căn phòng trọ 10 m2 chật hẹp của bà Tảo.
Mọi thứ bên trong khá lộn xộn vì bà Tảo đang chuẩn bị chuyển sang căn phòng khác.
Bà Phan Thị Tảo quê ở Khoái Châu, Hưng Yên. Năm 17 tuổi, cô thôn nữ nổi tiếng khắp vùng nhờ đẹp người lại đẹp nết. Chị Tảo được nhiều đám mai mối nhưng chưa ưng ai. Chị Tảo bận lắm, thời đó cứ hoài mải việc ở hợp tác xã nông nghiệp.
Một lần có anh bộ đội xuất ngũ về làng. Tên anh rất hay, tựa Hữu Nhan. Không chỉ giỏi thơ ca, anh Nhan còn khéo ăn nói. Nhưng ngặt nỗi anh Nhan gầy gò, da dẻ xanh xao, chưa kể mẹ chị Tảo không đồng ý vì chê anh... xấu.
Chị Tảo ngày xưa nổi tiếng vừa đẹp người lại đẹp nết.
Nhưng gia đình không ngăn được chị, mẹ chị lại càng không! Chị Tảo thưa lỡ "chết mê chết mệt" anh bộ đội mất rồi. Chị chép miệng: "Lấy người xấu sau này người ta chiều mình!".
Nhưng chuyện tình chị Tảo và anh Nhan kịch tính như một thước phim truyền hình dài tập vậy đó. Ngày chị Tảo đồng ý cưới thì người lính phải lên đường đi Tam Điệp, Ninh Bình học nghề lái máy xúc. Tính từ thời điểm đó, 2 anh chị quyết định yêu xa. Anh Nhan ở Ninh Bình vừa học nghề vừa lo lắng cồn cào vì vợ chưa cưới ở nhà lỡ bị người khác săn đón thì biết làm sao.
Thế là đều đặn, anh Nhan gửi trọn tình cảm vào từng lá thư tình. Thư anh gửi chị Tảo xếp được một xấp đong đầy tình thương. Dịp Tết năm 1978, anh tranh thủ về thăm nhà được vài ngày thì sang xin phép gia đình chị được "cưới liền tay".
Vợ chồng anh Nhan chị Tảo có với nhau 3 người con.
Những tưởng anh Nhan học lái máy xúc rồi về Hưng Yên công tác, nhưng ông trời vẫn thích đánh đố 2 anh chị. Cưới xong, anh về Ninh Bình dạy lái máy xúc, để lại người vợ trẻ với bà nội, mẹ và em chồng. Hơn 7 tháng sau vợ chồng chị mới được gặp lại nhau.
"Hồi đó nhớ lắm nhưng anh bận đi công tác nên đành chịu. Lúc sinh con đầu lòng tôi phải về nhà mẹ đẻ xin ăn cơm nguội vì nghèo quá".
Thương vợ thương con, anh Nhan cố gắng làm lụng mong cất được căn nhà gọn gàng, cuộc sống không quá đủ đầy nhưng được cái hạnh phúc giản đơn. Hai vợ chồng cứ thế tiếp tục sống cảnh một người một nơi, dù nhớ dù thương nhưng chị Tảo thời đó mạnh mẽ lắm, chị chấp nhận hết với hy vọng cuộc đời mai sau sẽ khác.
Cuộc sống tại xóm chạy thận hằng ngày trôi qua trong bình yên và giản đơn.
Năm 1993, anh Nhan về Đông Anh (Hà Nội) mua chiếc máy xúc cũ để làm ăn. Vợ con chị Tảo từ Hưng Yên bồng bế nhau lên Thủ đô cùng đoàn tụ. Gia đình hạnh phúc ấm êm chưa được bao lâu, thì đến một ngày chị Tảo gặp phải một chuyện động trời.
Ngày ấy, chị đi làm cỏ thấy đau tức vùng bụng liền đi thăm khám. Bác sĩ buông câu gọn lỏn khiến chị như ngã từ trên cây. Chị Tảo phát hiện sỏi thận. Suốt 10 năm sau đó, nhà nghèo không có tiền chạy chữa, chị sắc thuốc Nam uống nhưng vẫn cứ hoài đau đớn. Đến thời điểm không thể chịu đựng được nữa, chị Tảo ra Bệnh viện Việt Đức điều trị. Lúc đó, chị đã bị suy thận độ 2. Chừng 3 năm sau, căn bệnh phát triển theo chiều hướng tiêu cực, lên tới mức suy thận độ 4 mặc cho bao nhiêu thuốc men đi chăng nữa.
Chị Tảo chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai đã 11 năm nay.
Năm 2006, bà Tảo chia tay chồng con thuê căn phòng trọ ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị cho tiện việc điều trị. Mấy bố con ông Nhan dắt díu nhau về quê Hưng Yên trông nom nhà cửa cho vợ yên tâm chữa bệnh. Cuộc hôn nhân của hai ông bà, chung quy lại cho tới tận bây giờ âu mà sao lắm gian truân, xa cách. Ngày ấy "anh" Nhan một lòng kiên quyết làm việc để dựng xây tương lai, giờ đây đến lượt "chị" Tảo một mình ở nơi đất khách quê người.
Nhớ! Nhớ nhiều lắm! Nhưng bà Tảo bảo rằng, làm gì còn cách nào khác. Sang đến dốc bên kia của cuộc đời, hai "anh chị" Nhan - Tảo lại yêu xa thêm lần nữa.
"Anh đi em ở lại nhà/ Đói no em chịu mẹ già em chăm
Nhọc nhằn hàng mấy chục năm/ Vượt lên tất cả không lần kêu ca
Anh về em lại đi xa/ Đến phiên anh gánh việc nhà thay em
Sợ chồng chịu khổ chưa quen/ Đêm đêm vẫn nhớ không quên việc nhà
Ông trời ơi thật bất công/ Gây lên cảnh vợ xa chồng xót xa".
Những vần thơ ông Nhan gửi tặng vợ suốt những năm tháng qua.
Mỗi tuần, bà Tảo chạy thận 3 buổi. 10h sáng bà lóc cóc trên con xe qua viện, đến 2- 3h chiều lại đạp về nhà trọ. Bữa nào mệt quá thì 10h30 mới đi, nhất là mấy hôm trời nắng nóng người cứ lả đi nhiều chẳng hiểu lý do. Tối về nếu còn sức, bà theo chân mấy chị em trong xóm đi bán nước kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Ông Nhan chắt chiu chi tiêu, mỗi tháng ông có lương hưu chưa tròn 3.000.000 đồng, cộng thêm thu nhập từ vụ nhãn, vụ rau cũng được một khoản gửi lên Hà Nội cho vợ. Bà Tảo được tài trợ tiền chạy thận, nhưng vẫn phải tự bỏ tiền thuốc men và mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Vài đồng tiền lẻ bà Tảo mang theo khi chạy thận.
Con xe đạp cà tàng đã gắn bó với bà suốt nhiều năm tháng qua.
Đến năm 2016, bà Tảo bị hỏng một quả thận và buộc phải cắt bỏ. Sức khỏe yếu dần, việc bán nước dừng lại, những chiếc cốc nhựa bà Tảo vẫn chất đầy trong phòng. Còn chứng thoái hóa cột sống lưng gây đau nhức nữa, nên thành thử nhiều khi không có việc gì, bà chỉ muốn nằm trong phòng nghỉ ngơi. Những lúc như thế, bà lại thấy nhớ chồng, nhớ con, nhớ quê hương da diết...
Hoàn cảnh gia đình không cho phép ông Nhan sát cánh bên vợ lúc ốm đau, căn nhà ở quê với mấy đứa cháu chẳng ai lo cho. Những lúc nhớ nhau, hai ông bà lại gọi điện thủ thỉ tâm tình, mỗi ngày 5 - 6 cuộc là chuyện bình thường. Chọn những hôm sức khỏe tốt, bà Tảo bắt xe buýt về Hưng Yên thăm chồng con, hoặc ông Nhan lại tự đi xe lên Hà Nội ở với vợ được một ngày rồi lại về. Quãng thời gian yêu xa, ông gửi hết tâm tình vào những trang thơ tình mà theo bà Tảo, đó chính là động lực giúp bà tiếp tục chiến đấu với bệnh tật cho tới bây giờ.
Thuốc men chất đầy trong nhà.
Tấm chăn bà Tảo mang theo sang bệnh viện.
Mỗi lần về quê, "chị" Tảo lại "phi" con mô tô đi thăm hàng xóm. Chuyện là một lần tự ái vì chồng lỡ nói không chở đi, "chị" Tảo tự tập rồi lao như phóng, làng trên xóm dưới trầm trồ ngợi khen. Bài thơ "Chị Tảo đi mô tô" ra đời trong hoàn cảnh như thế!
"Lên xe chị phóng như tên/ Khiến cho hàng quán hai bên kinh hoàng
Vòng hai chị lượn vào làng/ Trâu bò hoảng loạn lăn quàng xuống mương
Vòng ba chị phi ra đường/ Mấy chú cảnh sát đứng giương ra nhìn
Ai về thăm xã Liên Khê/ Mà xem chị Tảo đi xe quá liều".
Bà Tảo lôi từ bên mép giường ra một xấp giấy. À đấy là tờ đơn khám bệnh, trên đó ghi rõ ngày tháng chạy thận. Còn một tập giấy tờ nữa mà bà tìm mãi chưa thấy, tôi đùa chắc bà cất kỹ quá đó mà.
Một lúc sau, bà Tảo cười tủm tỉm đưa cho tôi những tác phẩm văn chương của ông Nhan. Bà tự hào khoe: "Chồng tôi nói chung giỏi thơ văn lắm! Khi nào họp xóm tôi cũng đưa thơ của ông ra đọc, mọi người còn phong cho tôi là cây văn nghệ".
Ngày bà Tảo chuẩn bị bước vào phòng mổ cắt bỏ một quả thận, trong căn phòng trọ 10m2 của vợ, ông Nhan biên bài thơ "Thương lắm mình ơi!". Không chỉ là món quà động lực gửi đến vợ, ông còn thân tặng các bệnh nhân khác trong phòng 503 Khoa Thận tiết niệu - Bệnh viện Bạch Mai.
"Vợ chồng tôi thật thương đau/ Đã lâm bệnh lại xa nhau trọn đời
Thương nhiều thương lắm mình ơi/ Có kêu cũng chẳng thấu trời được đâu
Đôi ta nghĩa nặng tình sâu/ Dù xa lòng vẫn bên nhau trọn đời".
Mùa xuân 2015, thương vợ phải ở lại Hà Nội không được về quê đoàn tụ cùng gia đình, ông Nhan rơi nước mắt. Ông viết bài thơ "Nhớ em" trong vài chục phút để ngay sáng hôm sau đi xe lên Hà Nội tặng vợ.
"Ngoài sân đã nở bông đào/ Xuân về đến ngõ lúc nào không hay
Thương ai "bèo dạt mây trôi"/ Quanh năm vất vả ở nơi thị thành
Ốm đau bệnh tật đã đành/ Một lòng chia sẻ cùng anh ở nhà
Xa quê cả chục năm trời/ Bần hàn xóm thận gió sương chẳng nề
Ai đi chữa bệnh cũng về/ Còn em cứ mãi xa quê mịt mờ
Thương em anh đợi anh chờ/ Đêm đêm thao thức làm thơ tặng mình".
Đến nay gần cả cuộc đời, nhiều người nhìn vào thấy bà Tảo khổ. Nào là những tháng ngày tự mình chạy qua chạy lại giữa viện và nhà trọ, nào là những hôm nhập viện đột xuất mỗi khi căn bệnh dở chứng. Nhưng lạ một điều, bản thân bà không thấy mình khổ!
Đã 11 năm rồi, 11 năm chạy thận liên miên chưa biết đích đến, 11 năm sống xa quê hương, 11 năm vợ chồng mỗi người một nơi may sao có dịp gặp lại như Ngưu Lang Chức Nữ đoàn tụ ngày thất tịch. Chung quy lại, bà Tảo đã quen, và hàng ngày bà vẫn sống nhờ những vần thơ của chồng. Với bà, vài trang A4 gần như nhàu nát vì đọc mỗi tối như một kho báu vô giá, một liều thuốc kiên cường suốt bao năm qua.
chạy thận, xóm chạy thận Lê Thanh Nghị, tin nóng xã hội