1 ngày vợ chồng, nghìn năm ân nghĩa. Người xưa đã dạy thế, sao lại vì nợ nần mà bỏ mặc người đàn ông vẫn yêu thương và nuôi ý chí cho vợ con cuộc sống ấm no hơn?
Không phải ngẫu nhiên mà người ta vẫn nói "của chồng công vợ", bởi câu ấy là để tôn vinh sự hi sinh thầm lặng của những người phụ nữ luôn hết lòng cho gia đình, chồng con mỗi ngày. Chẳng ai trao huân chương hay phong tước hiệu gì cho các chị các mẹ, nhưng sự thật là đàn ông dù có là vĩ nhân tầm vóc thế giới hay là một chàng sinh viên nghèo, thì chiếc áo, đôi giày, hay thành công của họ đều có bàn tay người phụ nữ hiện hữu.
Thế nhưng, không phải người đàn ông nào cũng biết ơn mẹ hay vợ của mình, bù đắp cho họ bằng sự quan tâm tử tế, cho họ một cuộc sống bình yên đủ đầy. Rất nhiều anh "cảm ơn" người phụ nữ của đời mình bằng cách khiến cho họ đau tim hoảng hốt, chẳng hạn như vác món tiền khổng lồ tận 2 tỷ về nhà báo nợ, làm vợ trẻ chán nản muốn bế con ra tòa ly hôn giống câu chuyện vừa xảy ra mới đây trong gia đình chị Lê D.C ở Sài Gòn.
"Các mẹ ơi cho mình lời khuyên với. Vợ chồng mình cưới nhau được 2 năm rồi, bé mới hơn 7 tháng mà mình đang muốn li hôn các mẹ ạ. Chồng mình là công chức lương hơn 7 triệu. Mình chưa xin được việc thì bác sĩ bảo cưới nên giờ vẫn ở nhà, bố mẹ đẻ mình trợ cấp nuôi con và trang trải cuộc sống, thỉnh thoảng hết tiền mình có hỏi thì chồng đưa mua vài ba thứ lặt vặt.
Chồng mình không đưa lương cho vợ vì lương chỉ đủ anh học tập và quan hệ ở Sài Gòn phồn hoa này. Chuyện sẽ không có gì phức tạp nếu chồng mình không làm ăn thua lỗ. Anh vừa vỡ nợ hơn 2 tỷ. Chuyện làm ăn của anh mình không quan tâm và không biết anh làm gì nhưng chồng mình không có đam mê mấy trò đỏ đen hay cá độ bóng đá gì. Anh làm ăn hùn vốn với bạn và thua lỗ. Giờ anh khắc phục nợ nần còn nợ khoảng 1 tỉ. Bố mẹ anh nhà cũng không giàu nên không thể giúp gì được. Nhà mình bố mẹ có công ty riêng từng khuyên mình về làm nhưng mình theo chồng lên TP.
Bố mẹ mình thương anh nhưng giờ anh nợ nần, vì nghĩ anh ham chơi nên quyết định không giúp đỡ, để anh tự lo liệu. Mình thương chồng cũng xoay sở nhưng không thể có số tiền lớn như vậy. Mấy tháng nay 2 vợ chồng khủng hoảng, thường xuyên cãi lộn. Bản chất anh không phải người xấu nhưng vì áp lực nợ nần nên sinh ra cáu gắt. Mình thương chồng nhưng anh lạnh nhạt mình cũng nói nhiều nên càng mâu thuẫn thêm. Chồng mình làm trong Viện kiểm sát, sắp phải nghỉ việc vì nợ nần. Giờ mình cũng muốn li hôn vì vợ chồng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Các mẹ bảo mình phải làm sao đây. Chồng mình vẫn yêu mình và muốn trả xong nợ để anh sống thoải mái với vợ con. Mình nên li hôn không các mẹ?".
Phải rơi vào hoàn cảnh như chị D.C thì mới hiểu thế nào là túng quẫn, bế tắc. Đã thất nghiệp phụ thuộc kinh tế, nuôi con nhỏ vất vả trăm bề, mà lại còn gánh thêm khoản nợ trên trời rơi xuống, làm gì có người mẹ người vợ nào không lâm vào ngõ cụt? Dù còn tình cảm yêu thương, cũng rất muốn san sẻ với chồng, nhưng chị D.C hoàn toàn không chịu nổi cảnh vợ chồng cãi cọ, rồi đêm không thể ngủ ngon vì món nợ lơ lửng trên đầu không biết đến bao giờ mới hết.
(Ảnh minh họa)
Trước câu chuyện buồn thực sự cần giải tỏa tâm lý của chị D.C, hội bỉm sữa lập tức chia 2 phe rõ ràng: một bên thì trách móc C. là người đàn bà bạc nghĩa, thấy hoạn nạn thì chỉ nghĩ cách để dứt bỏ chồng; còn một bên thì ủng hộ bà mẹ trẻ li hôn tìm đường giải thoát, vì vốn dĩ cô cũng không đáng phải kham khổ gánh nợ cùng chồng.
Đại diện bên mắng mỏ C. đưa ra những lý lẽ khá nghiêm túc: "Bạn là người sẽ đi cùng chồng suốt quãng đời còn lại, mà giờ lúc anh ấy khó khăn nhất, mất tất cả tiền bạc, công việc, niềm tin của người thân, gia đình, bạn bè mà bạn lại bỏ rơi anh ấy, vậy là không thể chấp nhận được"; "Chị ơi dù sao anh ấy cũng không làm gì có lỗi, đi cặp bồ thì bỏ còn được chứ em nghĩ chắc chồng chị cũng muốn lo cho mẹ con chị, thêm dư dả tiền bạc thôi, đừng li hôn tội nghiệp"; "Chính chị cũng thừa nhận chồng còn yêu và chỉ muốn cố gắng trả hết tiền thua lỗ để sống yên ổn với vợ con, chị mà bỏ chồng bây giờ là chị sai"...
Bên đồng cảm ủng hộ bà mẹ trẻ li hôn thì cũng lắm lý do thuyết phục không kém: "Làm công chức lương 7 triệu bạc, nhà bố mẹ đẻ thì không điều kiện, anh ta lấy đâu ra số tiền lớn thế mà hùn vốn làm ăn? Mẹ nó phải tìm hiểu rõ ràng nhé"; "Nếu làm ăn thua lỗ từ đầu thì bỏ từ lúc lỗ ít đi, buôn bán gì để nợ ngần ấy tiền rồi về nhà hạch sách vợ, cáu gắt nọ kia, phải mình thì bỏ luôn từ lâu rồi"; "Mình không có trách nhiệm phải bán máu trả nợ cho chồng đâu chị ạ, bế con về nhà ngoại cho thoải mái đầu óc"...
Thấy nhiều mẹ cũng than thở vợ chồng họ người nợ ít người nợ nhiều, không vay mượn làm ăn thì cũng thua cá độ mùa bóng đá, rồi chơi bời cờ bạc phá phách nọ kia. Song, hầu như người vợ nào cũng tỏ ra nhẫn nhịn, chia sẻ rằng vì đã lỡ cưới nhau bởi từng yêu thương, rồi con cái gia đình 2 bên ràng buộc, nên mẹ nào cũng cố gắng san sẻ với chồng. Song nợ vài chục, vài trăm triệu còn đỡ, nợ cả tỉ đồng rồi cả 2 vợ chồng thất nghiệp, thì có người phụ nữ nào nuốt nước mắt chịu đựng được không?
bà mẹ trẻ, đòi ly hôn, công chức nhà nước, làm ăn thua lỗ