Nhưng dù ý nghĩa nhưng nó vẫn gây nên một làn sóng chỉ trích người thực hiện. Bởi nhiều người nhận xét những nhân vật trong túi nylon giống như các mặt hàng thực phẩm tươi sống trong siêu thị, nó làm họ liên tưởng đến cái chết, sự ngột ngạt và cảm giác gì đó rất khó chịu.
Nhắc đến Nhật Bản, người ta không chỉ kể về những những nét văn hóa đặc sắc hay những phát minh kỳ lạ có 1-0-2 trên thế giới, mà còn liên tưởng đến những trào lưu độc đáo thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng trong và ngoài nước. Và những trào lưu này, không đơn thuần chỉ là sự sáng tạo trong lĩnh vực thời trang nhuốm đầy màu sắc của phim hoạt hình, truyện tranh, nó còn rộng hơn khi xuất hiện trong cả những lĩnh vực khác bao gồm như ẩm thực, giáo dục, giải trí...
Mang những đặc trưng đó của nghệ thuật Nhật Bản, trường phái chụp ảnh trong túi hút chân không của nhiếp ảnh gia Haruhiko Kawaguchi (hay còn gọi là Hal) có lẽ kỳ lạ hơn cả. Trường phái này dù đã xuất hiện từ năm 2009 khi nhiếp ảnh gia Hal chụp những bức ảnh đầu tiên mô cả cảnh các cặp đôi nằm ôm nhau trong túi nylon đã hút cạn không khí, nhưng mãi đến hiện tại nó vẫn còn nguyên vẹn sức ảnh hưởng, cũng như là sự quan tâm tích cực và tiêu cực từ cộng đồng.
Quả thật, các bức ảnh chụp theo chủ đề này chắc chắn sẽ không dễ gì quên được cho những ai lần đầu nhìn thấy bởi độ ám ảnh chứa đựng trong nó. Nhiều người nhận xét đôi khi trông những nhân vật giống như các mặt hàng thực phẩm tươi sống trong siêu thị, đôi khi nó làm họ liên tưởng đến cái chết, sự ngột ngạt và cảm giác gì đó rất khó chịu.
Tuy nhiên, trái với những nhận xét đó, Hal cho biết ý nghĩa đằng sau bộ ảnh có tên Flesh Love (tạm dịch: Tình yêu xác thịt) này của anh bắt nguồn từ tình yêu. Anh chia sẻ, có thể nhiều người không nhận ra, tình yêu là thứ khó có thể định hình, hay diễn tả hết được bằng ngữ nghĩa, nó xuất phát từ lý lẽ của con tim nhưng dù cho vô hình nhưng nó lại trói buộc người ta bằng một thứ cảm xúc rất mãnh liệt, rất nồng nàn mà đôi khi cả người trong cuộc cũng cảm thấy ngột ngạt. Một sự ngột ngạt lạ lùng như giam mình trong một túi hút chân không.
Và tình yêu đôi khi cũng khiến hai con người như muốn hòa quyện vào nhau bằng mối liên kết đồng điệu, đầy cảm xúc tích cực. Thế nên, bộ ảnh của Hal ra đời chính là để phản ánh về thứ ràng buộc cháy bỏng và cảm xúc hòa quyện vào nhau của tình yêu, của những cặp đôi yêu nhau.
Ngoài ra, không đơn thuần chỉ chứa đựng ý nghĩa về tình yêu giữa người với người mà bộ ảnh Flesh Love còn dùng hình ảnh các cặp đôi ôm chặt nhau trong các túi nylon giống... xác chết để giúp người ta hiểu ra giá trị của cuộc sống, giúp họ trân trọng cuộc sống hơn và trân trọng cả bầu không khí mà mình đang hít thở mỗi ngày. Sẽ ra sao nếu một ngày người ta chìm trong một khoảng không hoàn toàn không có oxi? Chắc chắn khi đó, cái chết đã đến rất gần.
Nhiếp ảnh gia Haruhiko Kawaguchi (hay còn gọi là Hal).
Chưa hết, cái túi nylon gói hai con người bên trong như xác chết cũng là một phần của thông điệp: chúng ta nên bảo vệ môi trường và hạn chế sử dụng túi nylon, vì chúng là nguyên nhân giết hại nhiều sinh vật biển, sâu xa hơn là sẽ hủy hoại con người trong một tương lai không còn quá xa.
Quay lại cách thức thực hiện bộ ảnh, Hal tâm sự, anh chỉ thực hiện bộ ảnh theo trường phái này cho những cặp đôi nào thật sự muốn chụp. Bởi trông đơn giản thế thôi nhưng nó lại chứa nhiều rủi ro như gây ngạt thở và ảnh hưởng tới tinh thần của họ. Thậm chí trước khi bắt đầu chụp, Hal đều phải thực hiện công tác giải thích cụ thể từng công đoạn sẽ làm để cho những người mẫu yên tâm. Và luôn túc trực bên cạnh Hal trong những buổi chụp là một trợ lý có kỹ năng về y tế, cùng một bình oxi để đề phòng những trường hợp xấu.
Hiện tại, dù cho rủi ro như thế và mang nhiều ý nghĩa không phải ai nhìn vào cũng hiểu ngay, nhưng kiểu chụp ảnh trong túi hút chân không này vẫn còn đang thu hút một bộ phận giới trẻ tình nguyện tham gia. Đó là chưa kể nhiều người còn quyết định chụp ảnh cưới theo cách này để lưu lại một kỷ niệm đáng nhớ trong đời trước khi bước chân vào cánh cửa hôn nhân. Bên cạnh đó, cũng có không ít người lên tiếng chỉ trích nhiếp ảnh gia Hal vì họ cho rằng anh coi thường tính mạng, hoàn toàn trái với ý nghĩa mà anh giải thích, bởi phương pháp chụp ảnh này chứa nhiều rủi ro và sản phẩm cho ra đời cũng mang màu sắc đầy ám ảnh về cái chết.
(Nguồn: Vice, Konbini, Hal Photography)
hút chân không, mặt hàng thực phẩm, mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm tươi sống, Phim hoạt hình, trào lưu chụp ảnh, nhiếp ảnh gia, cảm xúc tích