Sẵn sàng bỏ tiền túi ra mua vé cho hành khách nếu cần, thậm chí có lần lao xuống đường rượt theo bọn móc túi để lấy lại tiền cho người bị hại. Đó là những câu chuyện về chú tài xế Lê Xuân Huy trên chuyến xe buýt 54 dễ thương nhất Sài Gòn.
Một hôm, có cô bé đi lang thang chạy lên xe buýt, mặc bộ đồ xộc xệch, lấm lem, miệng lặp đi lặp lại câu nói: “con muốn đi xin việc làm, con muốn tự kiếm tiền”. Chú Huy cảm thấy lạ lắm, dù đã tới trạm cuối nhưng vẫn giữ cô bé ở lại.
Rồi thì chú lấy kẹo ngọt, quà bánh,… mới “dụ” cô bé cho số điện thoại gia đình. Chú lật đật gọi điện cho người nhà tới đón cô bé. Vậy mà, đứng ngay đường CMT8, lúc trao tay bé cho gia đình, chú còn phải quay clip lại, “lỡ có chuyện còn biết đường mà báo công an”. Hôm đó, may mắn nhờ lòng tốt của chú tài xế “bao đồng” mà người nhà gặp lại được con gái, họ mừng rỡ, cảm ơn chú rối rít. Chú chỉ cười xòa: Có gì đâu…
Thế đấy, hơn 2 năm gắn bó với con xe buýt 54 Sài Gòn, chú Lê Xuân Huy (36 tuổi) đã giúp đỡ bao nhiêu hành khách như vậy. Cuộc hành trình dài từ Bến xe Miền Đông đến Chợ Lớn hằng ngày vẫn luôn bắt đầu bằng mấy câu chuyện khôi hài, cái nết dễ thương và nụ cười thường trực trên môi chú tài xế, khiến ai ai cũng mừng vui.
Cuộc hành trình hằng ngày vẫn luôn bắt đầu bằng mấy câu chuyện khôi hài, cái nết dễ thương và nụ cười thường trực trên môi chú tài xế Lê Xuân Huy
Rổ tiền lẻ miễn phí, mớ kẹo ngọt tặng khách trên chuyến xe 54
Đặt cái rổ nho nhỏ cạnh cửa lên xuống, dán thêm dòng chữ “nếu quên mang theo tiền lẻ, bạn cứ việc lên lấy tiền lẻ đủ để mua vé”, bên trong là 1000 đồng, 2000 đồng… Mỗi ngày, bắt đầu chuyến xe của mình, chú Huy lại trích túi ra 50.000 đồng, đổi thành xấp tiền lẻ và để trong rổ cho những người cần đến như vậy.
Chú Huy cho biết: “Có nhiều lần thấy trường hợp hành khách không mang tiền lẻ theo, thậm chí có người vừa bị giật tiền không còn đồng nào trong túi nên tui nảy ra ý định này. Thôi thì bỏ chút tiền lẻ vào, giúp được ai thì giúp. Mà tui cũng không có gì nhiều, nghĩ mình có khả năng bao nhiêu mình giúp đời bấy nhiêu thôi”.Vậy là không chỉ có người nghèo, cả hành khách có điều kiện nhưng không mang tiền lẻ cũng được chú Huy hào phóng giúp đỡ bằng cách đơn giản như thế.
Mỗi ngày, bắt đầu chuyến xe của mình, chú Huy lại trích túi ra 50.000 đồng, đổi thành xấp tiền lẻ và để trong rổ cho những người cần đến như vậy.
Cạnh cái rổ tiền, chú lại thêm vài viên kẹo ngọt cho khách ăn vui miệng, thêm mòn quà, con búp bê,… cho tụi nhỏ hoặc sinh viên.
Rồi có lần hành khách bị móc sạch số tiền về quê, chú lại mua thêm vé xe cho khách. Thấy được tấm lòng của chú tài xế lương ba cọc ba đồng mà thương người dễ sợ, nhiều người không nói câu nào, cứ ba chục, năm chục góp lại cho người bị nạn. “Mình không có nhiều, giúp được phần nào thì mình ráng giúp, mà khách trên xe cũng thương lắm, thấy mình ra tay giúp họ cũng sẵn lòng cho thêm”, chú Huy cười chia sẻ.
Cạnh cái rổ tiền, chú lại thêm vài viên kẹo ngọt cho khách ăn vui miệng, thêm mòn quà, con búp bê,… cho tụi nhỏ hoặc sinh viên. Hay vào dịp lễ Tết, để không khí rộn ràng hơn, chú cũng dán hình tươi vui lên cửa kính, treo những con rối tòn ten lên đầu xe, hoặc dòng chữ mừng năm mới… Con xe đi tới đâu mang niềm vui tới đó.
Dịp lễ Tết, để không khí rộn ràng hơn, chú cũng dán hình tươi vui lên cửa kính, treo những con rối tòn ten lên đầu xe, hoặc dòng chữ mừng năm mới…
Con xe đi tới đâu mang niềm vui tới đó.
Chú lý giải rằng: “Chỉ muốn tạo không khí cho cái xe mình chạy thật vui vẻ, nhìn mấy đứa sinh viên cười hớn hở, được tặng con thú nhồi nhỏ xíu mà nó cười không ngớt cả chuyến xe, mình thấy cũng vui”. Ban đầu, hành khách thấy kì lạ nên không dám sử dụng, nhiều lần còn tò mò hỏi chuyện, thì chú trả lời ngon ơ: “Tui chỉ thấy muốn làm vậy nên tui làm thôi chứ không suy nghĩ gì hết trọi”.
Cứ thế, dù công việc tất bật từ sáng sớm đến tối muộn với 12 chuyến xe mỗi ngày, chú Huy đã tự tạo niềm vui cho mình bằng cách mang nụ cười cho vô số hành khách vậy.
“Có lần chạy thục mạng bắt cướp mà mất đôi dép” và tờ 100 ngàn tình thương của hành khách
Nhiều hành khách đi xe buýt vẫn sợ nhất vấn nạn móc túi, thế mà, lên chuyến 54 của chú Huy thì cảm thấy an toàn lắm. Vì lần nào bước lên xe, chú cũng lên tiếng “phải cẩn thận đồ đạc, tư trang nha mấy đứa”. Không những thế, mỗi khi phát hiện có trộm cắp, chú còn cương quyết tìm lại đồ. Cũng vậy mà nhiều lần bị giang hồ dằn mặt, đứng bên mé đường chờ xe chú đi ngang rồi ra giấu hiệu, mà thôi chú cũng mặc, “nói chung sợ thì ai cũng sợ tụi nó trả thù hết chứ, nhưng mà thấy chuyện tui không làm ngơ dửng dưng được” - chú nói.
Mới đây chớ đâu, sáng ngày 26/6 đưa một hành khách đi tuyến Bệnh viện Ung Bướu, chú ra tay bắt cướp, lấy lại số tiền vừa bị móc túi. Chú kể lại, lúc bọn móc túi vừa lên xe là đã thấy có dấu hiệu khả nghi, để ý trang phục có một cái áo khoác trắng xanh khó lẫn. Khi hành khách vừa la lên mất tiền, chú lập tức dừng xe, nhìn kính chiếu hậu để tìm người mặc áo xanh lúc nãy là sẽ giữ lại, báo công an liền.
“Nhưng cả xe không có. Chị khách khóc quá trời quá đất, chú tức quá chạy đâu có được, mới hỏi “chị còn tiền về xe không?”, chị mếu máo nói “hết rồi anh ơi”. Chú góp cho trăm ngàn, bé sinh viên cho năm chục là được trăm rưỡi”.
“Nói chung sợ thì ai cũng sợ tụi nó trả thù hết chứ, nhưng mà thấy chuyện tui không làm ngơ dửng dưng được.” - chú tâm sự.
Sau đó, chạy được hai trạm nữa thì có khách kêu xuống, toan mở cửa thì thấy khuôn mặt quen quen, bên hông có kẹp một cái áo trắng xanh. Bọn móc túi tưởng thân thoát rồi vì thấy xe chạy ngay sau lưng nhưng đâu biết chú rượt theo. Đi tới đèn đỏ thì bị mắc kẹt, chú mới lao xuống xe rượt theo xe honda của tụi nó, thế là tụi nó kéo số chạy. May sao ba hiệp sĩ đường phố chạy ngang thấy liền rượt theo, cuối cùng cũng bắt được.
“Lần đó, may mắn chú thành công, lấy lại được tiền cho khách. Mà ngặt nỗi cái đôi dép lào hay mang mất tiêu. Vậy là lái xe chân đất, khách nhìn cũng hơi quê chút chút” - chú cười hì hì.
Vừa nói đến đây, chú Huy liền chìa ra tờ một trăm ngàn đã ép dẻo rồi khoe được một hành khách trên xe gửi tặng để mua lại đôi dép. “Vị khách đó không đưa trực tiếp mà nhờ anh lơ xe gửi lại. Chú tiếc là không kịp biết để cảm ơn cái nghĩa cái tình chị cho mình nên ép làm kỷ niệm”.
“Vị khách đó không đưa trực tiếp mà nhờ anh lơ xe gửi lại. Chú tiếc là không kịp biết để cảm ơn cái nghĩa cái tình chị cho mình nên ép làm kỷ niệm”.
“Nghề tài xế xe buýt vậy cũng nhiều cái vui lắm!”
Nhìn chú Huy sống đơn giản vậy, đâu ai biết rằng chú cũng đã từng tốt nghiệp tấm bằng, một đại học, một cao đẳng, rồi làm việc ở ngân hàng nhiều năm trước. Nhưng sau một vài biến cố, trải qua nhiều công việc khác nhau, chú mới quyết định gắn bó với công việc lái xe buýt.
Hằng ngày hành trình đi cứ lặp đi lặp lại nên để tạo ra niềm vui, chú mới lên ý tưởng giúp đỡ khách như vậy. Thế mà, đôi lúc cũng có người ác ý nói: “chú không bình thường”, “làm chuyện tào lao”,… chú đều bỏ ngoài tai. Hay có trường hợp lợi dụng để lấy thêm tiền, chú vẫn cứ cười giòn: “Chậc, kệ. Họ muốn lấy thì cứ lấy thôi không sao cả, mình cũng đâu thể biết được. Còn ai mà muốn phá mình thì họ cũng phá được một hai lần, đâu thể cứ lên xe rồi xuống xe lấy tiền hoài được đâu”.
“Chậc, kệ. Họ muốn lấy thì cứ lấy thôi không sao cả, mình cũng đâu thể biết được. Còn ai mà muốn phá mình thì họ cũng phá được một hai lần, đâu thể cứ lên xe rồi xuống xe lấy tiền hoài được đâu”.
Bởi, chú Huy lạc quan lắm, chỉ vui vẻ tâm sự những gì nhận được từ công việc tưởng chừng buồn tẻ này thôi. “Dạo trước, vui lắm, anh được một người giáo viên nước ngoài dạy tiếng anh cho. Ngày nào cổ lên xe cũng bắt chú học Tiếng Anh rồi dò bài, nhờ vậy vốn Tiếng Anh cũng nâng cao được nhiều lắm. Cô chỉ nhiệt tình mình không học cũng không được. Vậy mà vui”.
Thế đó, chú tài xế đáng yêu nhất Sài Gòn suốt nhiều năm vẫn tạo ra niềm vui trên mỗi chuyến xe đều đặn mỗi ngày. Bằng cái tình cái nghĩa, chú Huy lại viết lên bao câu chuyện về lòng tốt người Sài Gòn.
8h tối, trời đen hù hù, chuyến xe chú Huy lại sắp đi vào chặng cuối. Tạm biệt con xe buýt, chú bon bon trở về nhà, mà đâu hay rằng đã để lại sau lưng là cả một Sài Gòn thương thương tròn vo trong vòng quay xe buýt 54 nhiều như vậy.
tài xế, tài xế xe buýt, xe buýt