Sức khỏe

Thắc mắc về nguy cơ nhiễm độc do dùng băng vệ sinh siêu thấm

Chất lượng của từng loại băng vệ sinh phụ thuộc vào đúng quy cách theo tiêu chuẩn y tế, chứ không phải do độ dày, mỏng hay nó là băng vệ sinh siêu thấm hay không.

Thưa bác sĩ, em có thói quen dùng băng vệ sinh siêu thấm, vào mùa hè thì dùng tampon nhiều hơn vì em rất hay đi bơi. Nhưng thời gian gần đây em đọc được nhiều thông tin liên quan đến việc nhiễm độc do dùng băng vệ sinh siêu thấm. Em cảm thấy rất lo lắng. Bác sĩ cho em hỏi, có phải cứ dùng băng vệ sinh siêu thấm (kể cả tampon) là có nguy cơ bị nhiễm độc cao? Và có cách nào tránh bị nhiễm độc hay không? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (Thanh Lê)
Trả lời:
Các loại băng vệ sinh siêu thấm thường được nhiều chị em ưa chuộng, nhất là trong những ngày hè nóng nực. Tuy nhiên, chính những loại băng vệ sinh này lại có thể gây nguy hại cho "vùng kín" của chị em nhiều hơn.
Thắc mắc về nguy cơ nhiễm độc do dùng băng vệ sinh siêu thấm 1
Chất lượng của từng loại băng vệ sinh phụ thuộc vào đúng quy cách theo tiêu chuẩn y tế, chứ không phải nó có siêu thấm hay không. Ảnh minh họa
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại băng vệ sinh cho chị em lựa chọn và chất lượng của từng loại phụ thuộc vào đúng quy cách theo tiêu chuẩn y tế, chứ không phải do độ dày, mỏng. Các loại băng vệ sinh vẫn có thể gặp nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm nếu dùng không đúng cách. 
Các sản phẩm siêu thấm tác dụng chính là hút hết dịch kinh nguyệt, nhưng “tác dụng phụ” là hút luôn những chất dịch giữ ẩm tạo môi trường kháng khuẩn cho âm đạo – nơi rất nhiều vi khuẩn lành tính sống nhờ môi trường thông khí, khi đường thông khí bị bít, các vi khuẩn yếm khí sẽ phát triển mạnh và gây bệnh. Vì vậy, chị em không nên dùng một băng vệ sinh quá lâu, vì môi trường âm đạo rất tốt cho vi khuẩn, vi nấm phát sinh. 
Tampon là một loại băng vệ sinh được đặt trong âm đạo, chính vì thế, nó có ảnh hưởng rất nhiều tới môi trường âm đạo. Mặc dù tampon có thể thấm hút tốt hơn băng vệ sinh dùng ngoài nhưng bạn cũng không nên để trong âm đạo quá 8 tiếng vì nó có thể dẫn tới tình trạng sốc độc tố do lượng vi khuẩn sinh sôi quá nhiều trong âm đạo. Để tampon trong âm đạo lâu bao nhiêu, lượng vi khuẩn, vi nấm dễ gây nhiễm trùng, nhiễm độc sinh sôi càng nhiều. Người có tiền sử sốc độc tố không nên dùng tampon để tránh hậu quả đáng tiếc. 
Ngoài ra, bạn cần lưu ý một điều nữa là: nếu thấy dấu hiệu lạ như bông vón cục, băng quăn nhiều nếp sau khi dùng, sau 1-2 giờ dùng có mùi hôi khó chịu… cần bỏ ngay và kiểm tra lại nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Bạn cũng cần giữ vệ sinh sạch sẽ trong những ngày này để phòng ngừa các bệnh phụ khoa do vi khuẩn gây ra nhé.
Chúc bạn vui, khỏe!

Sử dụng biện pháp tránh thai đúng, hiệu quả chính là cách bảo vệ chị em an toàn trong quan hệ tình dục. Đặc biệt, nó giúp chị em phòng ngừa được cả các bệnh lây qua đường tình dục. Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng biết cách bảo vệ mình như vậy.

Để giúp chị em chọn lựa biện pháp tránh thai phù hợp và hiểu để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, aFamily sẽ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề"Tránh thai hiệu quả và sức khỏe sinh sản" vào ngày 21/5/2014. Với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn về Sức khỏe sinh sản, sản khoa, buổi Giao lưu sẽ nhằm mục đích giải đáp những thắc mắc của em về vấn đề lựa chọn biện pháp tránh thai và cách phòng bệnh lây qua đường tình dục sao cho hiệu quả.
aFamily

© 2021 FAP
  848,292       2/958