Sức khỏe

Mùa hè – cảnh giác bệnh viêm não Nhật Bản

Ngoài những bệnh như chân tay miệng, sốt xuất huyết... người dân đặc biệt phải cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản trong mùa hè này.

Hiện nay tình hình các dịch bệnh mùa hè đang có nhiều diễn biến phức tạp, kể cả bệnh viêm não Nhật Bản.
Tỷ lệ tử vong cao
Trong khi hiện nay ở nước ta khi dịch sởi đang có xu hướng giảm thì các dịch bệnh khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, trong đó đặc biệt kể đến bệnh viêm não Nhật Bản. 
Tính đến thời điểm này, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng  (Bộ Y tế) cho biết, đã có gần 200 trường hợp mắc bệnh viêm não và đã có 3 trẻ tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số người mắc bệnh đã tăng lên 9% và còn tiếp tục tăng. Nguyên nhân là do ở miền Bắc, mưa  ẩm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển nên nguy cơ lây các bệnh do muỗi truyền, trong đó có bệnh viêm não Nhật Bản càng cao.
Đứng trước tình hình dịch bệnh mùa hè đang có nhiều diễn biến phức tạp. TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)  - lo ngại, sau sởi, tay chân miệng sẽ là bệnh viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết. Dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ từ tháng 6 đến tháng 10. Và bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8 là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản ở phía Bắc. Nếu gọi sởi là “bão” thì viêm não Nhật Bản là “siêu bão”, do mức độ nặng, tỉ lệ tử vong rất cao, ước tính của thế giới là 20-30%.
Mùa hè – cảnh giác bệnh viêm não Nhật Bản 1
Ảnh minh họa
TS. Phu cho biết, viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do Arbovirus có tên là virus viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh lây truyền sang người do muỗi đốt. Hai loài muỗi vằn Culextritaeniorhynchus và Culex vishnui bị nhiễm bệnh đốt sẽ gây bệnh cho người. Nguồn chứa mầm bệnh trong tự nhiên chủ yếu là các loài chim lội nước và hầu hết gia súc như trâu, bò, dê, cừu, chó, lợn đều có thể là ổ chứa mầm bệnh, trong đó lợn có khả năng làm lan rộng virus dễ truyền bệnh cho người nhất. Vì thế, sự lan truyền virus xảy ra chủ yếu ở nông thôn. Nhưng ở một số vùng của châu Á, trong đó có Việt Nam, bệnh có thể xảy ra gần các trung tâm đô thị.
 Tuy bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng đỉnh cao vẫn là mùa mưa. Hầu hết người bị nhiễm virus  viêm não Nhật Bản ở thể ẩn, nghĩa là không có triệu chứng lâm sàng. Một vài nghiên cứu cho biết: Có dưới 1% số người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản biểu hiện bệnh trên thực tế với các dấu hiệu biểu hiện giống như cảm cúm, sốt, đau đầu… Chính điều này khiến cha mẹ rất dễ nhầm lẫn, chủ quan không đưa con đến viện ngay.
Chủ động phòng bệnh tốt nhất
Trong khi đó, cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Việc điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm... Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nặng, có thể tử vong hoặc biến chứng nặng. Có đến 70-80% trẻ bị viêm não Nhật Bản mang những di chứng thần kinh - tâm thần. Dù được cứu chữa kịp thời và tích cực, những di chứng rất nghiệt ngã với nhiều mức độ như bại liệt, cấm khẩu, mất trí nhớ, cử động dị thường ngoài ý muốn, run rẩy, uốn éo, lắc lư, gồng cứng người, động kinh. 
Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cứng cổ,  lú lẫn, co giật, đờ đẫn, hôn mê... trẻ nhỏ thóp phồng (nếu còn thóp), khóc tăng lên khi trẻ thay đổi tư thế hoặc gồng cứng người. 
Vì vậy, các chuyên gia y tế cho rằng, việc phòng tránh bệnh rất quan trọng. Hiện nay, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tiêm phòng vaccin viêm não Nhật Bản. Ngoài ra, người dân cần ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng để đề phòng muỗi đốt.
 Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khu chăn nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông hoặc lấp các cống rãnh, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng. Vì bệnh chủ yếu do muỗi đốt truyền bệnh nên cần phải diệt muỗi và phòng chống muỗi đốt.
Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 
aFamily

© 2021 FAP
  1,155,767       11/1,044