Theo đánh giá của Bộ Y tế, tháng 6,7,8 là thời kỳ đỉnh cao “bùng phát” dịch bệnh viêm não virus, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh viêm não Nhật Bản.
Mặc dù, bệnh
viêm não Nhật Bản mới chỉ bắt đầu bước vào mùa nhưng đã có nhiều trường hợp mắc bệnh, trong đó có cả người lớn và trẻ em.
Tỉ lệ mắc viêm não Nhật Bản ngày càng gia tăng
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) có thể xảy ra quanh năm nhưng dịch thường bắt đầu vào mùa hè trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 325 trường hợp viêm não virus tại 31 tỉnh, thành phố. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2014, bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận 129 trường hợp viêm não virus, trong đó có đến 46 ca được chẩn đoán viêm não Nhật Bản.
Bệnh viêm não Nhật Bản đã không chỉ gặp ở trẻ em mà đã xuất hiện ở người lớn với những tổn thương khá nặng.
Hiện tại, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho một số ca bệnh viêm não Nhật Bản người lớn, chủ yếu đến từ Hà Nội. Bệnh nhân N.H.Y (20 tuổi, quê tại Đông Anh, Hà Nội) nhập viện ngày 28/6. Trước khi vào viện 3 ngày, bệnh nhân
sốt cao, rét run, sau đó xuất hiện tình trạng rối loạn ý thức, lơ mơ, đại tiểu tiện không tự chủ, yếu nửa người bên phải. Bệnh nhân vào BVĐK huyện Đông Anh khám và được các bác sĩ chẩn đoán viêm não, rồi chuyển lên BV Nhiệt đới Trung ương.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Chu Thị T. (18 tuổi, quê ở Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội) nhập viện ngày 17/6, cũng được chuyển từ tuyến dưới lên. Trước đó, bệnh nhân có triệu chứng đau đầu, sau một ngày xuất hiện sốt cao 40 độ C, có cơn rét run, buồn nôn và nôn.
Bệnh nhân đang điều trị viêm não Nhật Bản. Ảnh minh họa
Bệnh viêm não Nhật Bản để lại nhiều biến chứng nguy hiểm
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng- Trưởng khoa nhi- BV Bạch Mai, trong các bệnh viêm não, nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề phải kể đến VNNB với thời gian ủ bệnh từ 5-15 ngày. Khoảng thời gian từ 1-6 ngày sau khi bị virus xâm nhập, bệnh nhân có triệu chứng sốt kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn khan. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ em dưới 10 tuổi, gây nên các phản ứng như sốt cao và gây tổn thương
hệ thần kinh.
Nguyên nhân gây bệnh viêm não lây truyền qua véc-tơ là muỗi. Muỗi đốt các loài chim, lợn rồi muỗi lại đốt người nên truyền bệnh viêm não Nhật Bản B cho người. Người là vật chủ cuối cùng của viêm não Nhật Bản B. Nếu chúng ta không hiểu thì nghĩ rằng muỗi đốt người này, sau đó lại đốt người khác làm lây truyền viêm não Nhật Bản B, không phải như vậy. Viêm não Nhật Bản B khác sốt xuất huyết và sốt rét ở chỗ đó.
Hiện nay chúng ta đặc biệt chú ý vật chủ gây bệnh là lợn, chim. Mùa này là mùa quả vải chín, các loài chim di cư về nhiều là thời điểm thuận lợi cho véc tơ muỗi gây bệnh phát triển và tình hình dịch bệnh gia tăng. Trong khi đó chim và muỗi là 2 vật di chuyển liên tục nên việc xác định nguồn lây bệnh rất khó.
Bệnh viêm não Nhật Bản nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại biến chứng cao và có thể tử vong như: Bại não, phát triển chậm về thể chất, không nói, không nghe, không hiểu được. Cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh này. Việc điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét...
Chủ động phòng ngừa bệnh
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo rằng: bệnh viêm não Nhật Bản vốn rất hiếm gặp ở đối tượng người lớn, tuy nhiên mới đầu mùa dịch năm nay đã xuất hiện 2 ca, một ca bệnh khác cũng nghi ngờ
viêm não Nhật Bản và đang chờ kết quả xét nghiệm chính xác. Tuy chưa đủ để kết luận bất thường, nhưng theo nhận định của các bác sĩ đây cũng là yếu tố đáng lo ngại, bởi đây mới là thời điểm bắt đầu mùa dịch. Người lớn không nên chủ quan nghĩ rằng mình không thể bị viêm não Nhật Bản nhưng cũng không nên quá lo lắng. Về nguyên tắc tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus đều có thể bị mắc bệnh nhưng nguy cơ này ở trẻ dưới 15 tuổi cao hơn. Vì thế, bất cứ trường hợp nào sốt, đau đầu nhiều, nôn, buồn nôn, rối loạn tri giác cần đến bệnh viện ngay.
Cũng theo TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, dù bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi nhưng tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh. Người lớn có nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản do chưa từng được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh trước đó hoặc có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, lao động, công tác tại vùng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản.
Trước diễn biến trên, để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
- Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.
- Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản: Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
- Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.