Tính đến ngày 12/8, số tử vong do virus Ebola tại 4 nước Tây Phi là 1.031 ca tử vong trong tổng số hơn 1.800 ca mắc. Tại cả Châu Á chưa ghi nhận ca bệnh nào.
Trước thông tin dư luận xôn xao về việc tại Việt Nam đã có trường hợp mắc bệnh Ebola, sáng 12/8, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định: “Trước thông tin Việt Nam có một ca
bệnh Ebola ở Bệnh viện Bạch Mai, tôi khẳng định đây là thông tin không chính xác. Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào và tại các nước châu Á chưa có trường hợp nào được xác định đã nhiễm bệnh này”.
Việt Nam, công tác phòng chống nguy cơ xâm nhập dịch bệnh Ebola đã được triển khai từ rất sớm. Bên cạnh việc giám sát tại cửa khẩu nhập cảnh, các tình huống dịch cũng được đưa ra, phác đồ điều trị bệnh Ebola cũng được ban hành, sẵn sàng đáp ứng điều trị ngay khi có bệnh nhân đầu tiên.
Theo ông Phu, với những người nhập cảnh vào Việt Nam khi chưa có biểu hiện bệnh sẽ được theo dõi tại nhà. Khi có trường hợp nghi ngờ trước mắt sẽ được chuyển về cách ly tại những cơ sở có điều kiện tốt nhất.
Trước mắt tại Hà Nội, bệnh nhân sẽ đưa vào thẳng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương- nơi có điều kiện cách ly tốt nhất; miền Trung là vào Bệnh viện TW Huế, Đà Nẵng; miền Nam là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ. Các tỉnh có bệnh nhân đưa về thẳng bệnh viện đa khoa tỉnh. Tất cả nhân viên y tế phải sẵn sàng ứng phó, luôn trong trạng thái thường trực tiếp nhận bệnh nhân. Tuy nhiên, yếu tố dịch tễ luôn được đặt lên hàng đầu với những ca nghi ngờ cần lấy mẫu xét nghiệm. Theo đó, chỉ những người đi từ vùng dịch, tiếp xúc với người từ vùng dịch có dấu hiệu mới cần lấy mẫu kiểm tra.
“Vì thế, người dân phải hiểu phải hiểu, nắm được thông tin để tránh hoang mang, lo lắng. Có không ít người gọi tôi hỏi về tình hình dịch bệnh và thuốc để phòng chống. Virus Ebola rất nguy hiểm nhưng không lây qua đường hô hấp mà lây trực tiếp qua tiếp xúc, tiếp xúc trực tiếp với da, niêm mạc bị tổn thương, dịch tiết cơ thể, máu của người hoặc động vật nhiễm bệnh. Vì thế, nếu thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh phòng bệnh sẽ hạn chế nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm chết người này. Để phòng bệnh, cần chú ý thực hiện vệ sinh cá nhân, môi trường: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn; vệ sinh nhà cửa…”, TS Phu nói.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do nhiễm virus Ebola ở thành phố Kenema, Sierra Leone hôm 25/7. Ảnh: Reuters.
Còn tại Hà Nội theo thông tin từ ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nào mắc virus Ebola. Tuy nhiên, Hà Nội là địa phương có sự giao lưu quốc tế lớn nên dịch có nguy cơ xâm nhập cao. Với những lao động là người Hà Nội vừa trở về từ Lybia, Hà Nội đã thực hiện sàng lọc và gửi danh sách về các quận, huyện, thị xã để theo dõi và giám sát.
Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Hà Nội đã lên phương án phòng chống bệnh do
virus Ebola, trong đó Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã chủ động nắm bắt thông tin về bệnh do virus Ebola, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế trao đổi thong tin về hành hách nhập cảnh để giám sát tại cộng đồng; củng cố 64 đội phòng chống dịch cơ động (trong đó có 4 đội của Trung tâm Y tế dự phòng, 60 đội của Trung tâm y tế 30 quận, huyện, thị xã); chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị phòng hộ, trang thiết bị y tế, hóa chất …sẵn sàng triển khai xử lý ổ dịch.
Đồng thời, ngành y tế Hà Nội xây dựng phướng án phân tuyến tiếp nhận, cấp cứu điều trị theo từng cấp độ dịch. Theo đó, khi phát hiện những ca đơn lẻ nhập cảnh qua sân bay Nội Bài, sẽ chuyển bệnh nhân về BV Việt Pháp và BV Đống Đa. Ngành y tế Hà Nội lên kế hoạch 5 BV là Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông, Bắc Thăng Long chuẩn bị khu cách ly với khoảng 160 giường để tiếp nhận bệnh nhân.