Sức khỏe

Dịch bệnh Ebola đã giết chết gần 1.230 người

Theo Cơ quan Đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR), Cục Y tế dự phòng, trong 2 ngày (14/8 - 16/8), có 113 trường hợp mắc mới Ebola được ghi nhận tại 4 quốc gia Tây Phi, trong đó có 84 tử vong.

Tích lũy từ đầu vụ dịch đến ngày 16/8, tại 4 quốc gia Tây phi ghi nhận tổng cộng 2.240 trường hợp mắc bệnh do virus Ebola, trong đó có 1.229 tử vong. Cụ thể, Guinea (543 trường hợp mắc, 394 trường hợp tử vong), Liberia (834 trường hợp mắc, 466 trường hợp tử vong), Nigeria (15 trường hợp mắc, 4 trường hợp tử vong), Sierra Leone (848 trường hợp mắc, 365 trường hợp tử vong). Như vậy, dịch bệnh Ebola vẫn đang diễn biến phức tạp và gây nên nỗi lo ngại trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp nào mắc. Tuy nhiên, Văn phòng đáp ứng khẩn cấp Cục y tế dự phòng- Bộ Y tế thông báo về trường hợp 2 hành khách người Nigeria có biểu hiện sốt nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều 19/8, trên chuyến bay số hiệu QR964 của hãng hàng không Quatar Airway đi từ Quatar đến Việt Nam tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có 2 hành khách quốc tịch người Nigeria, xuất cảnh từ Nigeria ngày 18/8 ngồi số ghế 25B và 26D có biểu hiện sốt. Ngay lập tức, 2 hành khách trên được chuyển đến khu vực cách ly của bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để tiến hành cách ly, theo dõi, kiểm tra, chăm sóc sức khỏe theo quy định; đồng thời được lấy mẫu xét nghiệm để xét nghiệm.
Dịch bệnh Ebola đã giết chết gần 1.230 người 1
Trong 2 ngày (14/8 - 16/8), có 113 trường hợp mắc mới Ebola được ghi nhận tại 4 quốc gia Tây Phi, trong đó có 84 tử vong. Ảnh minh họa
Để phòng bệnh Ebola, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu là thực hành vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng, dung dịch sát khuẩn.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, các vật dụng của người, động vật nhiễm bệnh hoặc các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh.
- Hạn chế đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh Ebola khi không cần thiết (quốc gia vùng Tây Phi: Liberia, Guinea, Sierra Leone và Nigeria).
- Nếu phải đi, cần tìm hiểu thông tin tình hình dịch bệnh Ê-bô-la tại nơi đến để có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh Ê-bô-la; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế, mặc trang phục phòng hộ cá nhân đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
- Những người trở về từ các quốc gia vùng Tây Phi, trong vòng 21 ngày nếu có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, phát ban... hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm.
aFamily

© 2021 FAP
  1,142,992       1/1,051