Sức khỏe

Hậu quả khi mang thai sớm sau khi sinh mổ

Phụ nữ đã sinh mổ chỉ nên mang thai lần tiếp theo sau khi vết mổ ở tử cung trong lần mổ đầu hoàn toàn bình phục và sức khỏe người mẹ được hồi phục hoàn toàn.

Tôi có một chị bạn đang mang thai ở tháng thứ 5. Vì chị đã từng sinh mổ lần sinh trước nên lần này bác sĩ cảnh báo có thể chị phải sinh mổ vào khoảng tuần thứ 36 bởi nếu đợi đến lúc chuyển dạ, có thể vết mổ cũ sẽ bị toạc gây nguy cơ cho cả mẹ lẫn con. Sở dĩ chị phải mổ sớm để đảm bảo an toàn như vậy là vì em bé lớn nhà chị mới được hơn 1 tuổi chị đã mang thai bé tiếp theo. 
Biết được điều này tôi rất lo lắng vì tôi cũng sinh mổ, bé nhà tôi mới được 11 tháng. Bác sĩ cho tôi hỏi, sau lần sinh mổ trước thì tôi nên kiêng bao lâu mới nên manng thai trở lại và nếu mang thai quá sớm thì có thể có những hậu quả gì? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (T. Hoàng)
Trả lời:
Bạn T. Hoàng thân mến!
Mặc dù sinh thường có nhiều lợi hơn cho mẹ và thai nhi nhưng trong một số trường hợp, sinh mổ lại là điều cần thiết cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, sau lần sinh mổ đó, người phụ nữ cũng cần được chăm sóc nhiều hơn cho sức khỏe cũng như cần chú ý hơn trong những lần mang thai tiếp theo. Hầu hết những phụ nữ đã từng sinh mổ sẽ tiếp tục sinh mổ trong những lần sinh tiếp theo, vì vậy, việc tính toán khoảng cách an toàn giữa 2 lần sinh là rất cần thiết.
Sau khi sinh theo phương pháp sinh mổ, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, các chuyên gia sức khỏe sinh sản khuyến cáo những phụ nữ đã mổ đẻ lần đầu chỉ nên mang thai lần tiếp theo từ sau 2 năm tính từ lúc sinh mổ lần đầu. Đây là khoảng thời gian cần thiết để vết mổ ở tử cung trong lần mổ đầu hoàn toàn bình phục và sức khỏe người mẹ được đảm bảo an toàn trong lần mang thai kế tiếp.
Hậu quả khi mang thai sớm sau khi sinh mổ 1
Ảnh minh họa
Khi mang thai lần 2 trước 2 năm tính từ khi sinh mổ lần đầu, bạn cần siêu âm kịp thời để chẩn đoán sức khỏe thai nhi cũng như xem tình trạng vết mổ cũ có đảm bảo an toàn cho lần mang thai này hay không. Bạn cũng cần nói cụ thể với bác sĩ điều trị về vết mổ cũ như: thời gian mổ, lý do mổ, thời gian nằm viện, những tai biến của lần mổ trước (băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản…), các tiền sử bệnh án liên quan đến vết mổ… và đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu đau ở vết mổ cũ như: đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào đau nhói lên.... Khi có các dấu hiệu này, thai phụ cần đến ngay bệnh viện có khoa sản gần nhất để được theo dõi.
Nếu nóng vội hoặc do có con ngoài ý muốn, việc mang thai sớm sau khi sinh mổ sẽ gây ra nhiều nguy cơ như:
- Nứt vỡ tử cung. Nguy cơ này tăng cao nếu lần mang thai tiếp theo cách thời gian sinh mổ 6-9 tháng.
- Xuất huyết: Khi sinh mổ lần đầu, vết thương cần một thời gian dài để bình phục, ít nhất là 9 tháng.
- Ngoài ra, thai phụ cũng đứng trước nguy cơ vết mổ bị nhiễm trùng, nhau tiền đạo, nhau bong non.
Hơn thế nữa, quá trình mang thai, sinh nở và nuôi dưỡng em bé làm hao tổn sức lực và tinh thần của người mẹ. Việc mang thai lần nữa sẽ khiến người mẹ không đảm bảo sức khoẻ để nuôi dưỡng thai nhi. Điều này chính là nguyên nhân gây sinh non, trẻ nhẹ cân, vàng da, thính giác kém, kém phát triển về mặt trí tuệ, thể chất ở trẻ khi lớn lên.
Nếu bạn muốn có thai lần tiếp theo, hãy đi khám và tham khảo ý kiến bác sĩ để biết cơ thể bạn đã phục hồi hoàn toàn và sẵn sàng cho lần mang thai tiếp hay chưa. Điều này sẽ đảm bảo an toàn cho hai mẹ con bạn.
Chúc bạn vui, khỏe!
aFamily

© 2021 FAP
  1,142,427       1/1,039