Sức khỏe

Thuốc ngủ và những vấn đề cần biết trước khi sử dụng

Ngày nay, số người rơi vào tình trạng mất ngủ do áp lực công việc ngày càng tăng. Thay vì có chế độ sinh hoạt khoa học, họ lại lạm dụng thuốc ngủ như một biện pháp hữu hiệu cho giấc ngủ của mình.

Sử dụng nhiều nên thành thói quen
Chị Thu Hà (37 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội), kế toán trưởng của một cơ quan nhà nước, chia sẻ công việc của chị rất bận rộn, nhất là vào những dịp cuối kì, cuối năm hoặc những đợt kiểm tra thanh quyết toán… Do vậy, chị thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng và mệt mỏi. Nhiều hôm chị phải làm thâu đêm đến lúc mệt quá muốn đi ngủ thì lại không ngủ được do quá giấc. Không ngủ được nhưng cũng không thể thức mãi, chị Thu Hà quyết định uống thuốc để dễ ngủ hơn. Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng thuốc chị thấy sức khỏe mình càng mệt mỏi, đầu đau, tinh thần không được minh mẫn… Chị đi khám được bác sĩ cho biết chị quá lạm dụng thuốc ngủ trong thời gian dài nên bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Bác sĩ khuyên chị dừng uống thuốc mà thay vào đó là có chế độ sinh hoạt phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Lan (Đống Đa, Hà Nội) cũng trong tình trạng mất ngủ triền miên hơn một năm nay. Theo lời chị kể thì từ khi gia đình chị có biến cố, chị luôn cảm thấy tinh thần mệt mỏi, sức khỏe suy kiệt. Cố gắng lắm chị chợp mắt được một chút. Thấy chị không hay ngủ được, con gái chị đã mua thuốc an thần có tác dụng gây buồn ngủ cho chị uống mỗi tối. Nhưng sau khoảng thời gian dài dùng thuốc chị cảm thấy người mệt mỏi hơn, thậm chí nhiều lúc choáng váng, sức khỏe giảm sút… 
Theo BS Phạm Văn Hậu, Bệnh viện 103 cho biết, thuốc ngủ là thuốc có tác dụng an thần giải lo khi dùng liều thấp và gây ngủ nếu dùng liều cao hơn. Tuy nhiên, cần chọn loại thuốc thích hợp với từng đối tượng như người cao tuổi, phụ nữ, người bị trầm cảm, mất ngủ… không nên tự ý dùng thuốc ngủ mà cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu như quá làm dụng vào thuốc ngủ thì sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh bởi thuốc ngủ có chức năng như một chất gây nghiện. Một khi đã “nghiện” thuốc, bệnh nhân rất khó bỏ, thiếu thuốc sẽ thấy nhức đầu, mệt mỏi rã rời, không thể tập trung.
Bình thường nếu chúng ta chỉ mất ngủ 1-2 đêm, việc uống thuốc ngủ có thể giải quyết tốt tình trạng này. Khi bị sang chấn tinh thần nặng nề hoặc căng thẳng, thuốc ngủ có thể thích hợp trong một thời gian ngắn nhằm giúp chúng ta vượt qua stress và tránh các hậu quả về tâm lý sau một đêm không ngủ. Tuy nhiên, nó hoàn toàn không phải là giải pháp thích hợp để điều chỉnh các rối loạn của giấc ngủ hoặc chữa trị mất ngủ lâu dài. 
Thuốc ngủ và những vấn đề cần biết trước khi sử dụng 1
Ngày nay, số người rơi vào tình trạng mất ngủ do áp lực công việc ngày càng tăng. Ảnh minh họa
Chứng mất ngủ cần phải điều trị thích hợp
Theo một nghiên cứu mới của Cục Lạm dụng chất và Dịch vụ sức khỏe tinh thần, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ thì số lượng bệnh nhân đi cấp cứu vì quá liều zolpidem - một thành phần hoạt tính có trong một số loại thuốc ngủ kê đơn ở Mỹ đã tăng gần gấp đôi từ giữa năm 2005 tới năm 2010. Phụ nữ chiếm 2/3 số người vào viện. Theo bác sĩ Carl Bazil ở ĐH Colmbia, đúng là thuốc ngủ có thể giúp bạn nhanh chóng chìm vào giấc ngủ nhưng chúng không phải là giải pháp lâu dài để giải quyết những rối loạn giấc ngủ và có thể gây nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách.
Bác sĩ Hậu cho rằng, thuốc ngủ chỉ có tác dụng tạm thời chứ không chữa được bệnh mất ngủ. Trên thị trường có nhiều loại thuốc ngủ nhưng không có một loại thuốc an thần nào cũng đều tốt cho tất cả các bệnh nhân mất ngủ, không phải ai mất ngủ cũng phải uống thuốc ngủ mới ngủ ngon. Vì vậy, việc xác định nguyên nhân mất ngủ rất quan trọng trong điều trị chứng mất ngủ.
Bác sĩ Hậu cũng cho biết thêm bản chất thuốc ngủ tồn tại trong cơ thể lâu hơn nhiều so với thời gian gây ngủ. Nó được chuyển hóa ở gan và bài tiết qua thận vì vậy, nếu chức năng gan, thận càng suy yếu, thuốc ngủ sẽ tồn tại trong cơ thể càng lâu. Đó là lý do tại sao người cao tuổi hoặc người mắc bệnh gan, thận nên hạn chế dùng loại thuốc này.
Ngoài ra với trẻ trẻ em và phụ nữ có thai không nên dùng thuốc ngủ, không uống thuốc ngủ sau khi uống rượu. 
Đối với những người bị bệnh đường hô hấp cũng không nên dùng thuốc ngủ vì nó ảnh hưởng đến sự điều hòa chức năng thở ở não. trước khi sử dụng thuốc ngủ nhất định phải nói rõ cho bác sĩ về tình trạng cơ thể, tuân thủ sự chỉ dẫn của bác sỹ, không được tự tiện tăng liều lượng.
Những người lái xe đường dài hoặc có các hoạt động căng thẳng về thần kinh không nên dùng thuốc ngủ.
 Khi bị bệnh mất ngủ tuyệt đối không nên để tivi, máy tính và máy nghe nhạc trong phòng ngủ gây ra tiếng ồn làm bạn càng mất ngủ. Tốt nhất cố gắng ngủ đúng giờ.
Tập luyện thể dục thể thao là một trong những phương pháp chống stress hiệu quả sẽ giúp bạn ngăn ngừa chứng mất ngủ.
Tốt nhất khi bạn bị chứng mất ngủ kéo dài tốt nhất đi khám bác sĩ có phương pháp điều trị đúng bệnh. 
aFamily

© 2021 FAP
  1,141,045       4/1,021