Sức khỏe

Bệnh đau mắt đỏ thêm nặng vì tự ý dùng kháng sinh, xông, đắp lá

Bệnh đau mắt đỏ là một bệnh phổ biến và có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi thời điểm trong năm.

Đây là một bệnh thông thường về mắt nhưng nhiều người vẫn có những quan điểm sai lầm trong cách trị bệnh, dẫn đến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.
Mọi đối tượng đều có thể bị đau mắt đỏ
Trong khoảng hai tuần nay, số bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ tại các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện Mắt Trung ương và bệnh viện Mắt Hà Nội tăng lên đáng kể.
Trước khả năng bệnh đau mắt đỏ có thể phát triển thành dịch,  Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành khẩn trương tăng cường công tác điều trị và dự phòng lây lan bệnh viêm kết mạc cấp (bệnh đau mắt đỏ) trên địa bàn TP Hà Nội.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường bàn khám, nhân lực, trang thiết bị, thuốc… phục vụ khám, điều trị phòng bệnh đau mắt đỏ, tư vấn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân các biện pháp phòng bệnh, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến ổ dịch đau mắt đỏ trên địa bàn quản lý, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường học để báo cáo kịp thời và xử lý theo quy định.
Bệnh đau mắt đỏ thêm nặng vì tự ý dùng kháng sinh, xông, đắp lá 1
(Ảnh: Minh Tuyết)
Không tự ý điều trị bằng kháng sinh, xông đắp lá
Đau mắt đỏ là bệnh do virus gây ra nên rất dễ lây lan qua tiếp xúc, đặc biệt tại các môi trường đòi hỏi sự tiếp xúc gần và thường xuyên... Nếu được phát hiện và điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi sau 4 - 5 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan, điều trị không đúng cách, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc dẫn đến bệnh khó điều trị hơn.
Theo BS Minh Tân, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, trong thực tế rất nhiều người dân thường chủ quan đối với bệnh đau mắt đỏ nên thường mua thuốc về điều trị rất nguy hiểm. 
Khi bị đau mắt đỏ chúng ta không tự ý tra các loại thuốc có thành phần Cocticoid như Clodexa, Nemydexa, Dexaclor, Polydexa... vì các thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt, có nhiều tác dụng phụ gây ảnh hưởng thị lực, thậm chí dẫn tới mù lòa. Bởi nếu người bệnh không phải bị đau mắt đỏ thông thường mà bị đỏ mắt do viêm loét, do vi khuẩn nếu điều trị các loại thuốc trên sẽ khiến bệnh càng trở nên trầm trọng. Chính vì thế khi điều trị các bệnh đau mắt đỏ cần có sự chỉ dẫn bác sĩ.
Trong dân gian thường truyền tai nhau về việc đắp hoặc xông lá trầu không, lá dâu… để trị đau mắt đỏ. Thực tế, cách điều trị này rất nguy hiểm. 
Bởi nếu chúng ta đắp hoặc xông các loại lá này có thể sẽ gây ra bị bỏng giác mạc, loét giác mạc... Vì trong lá dâu, lá trầu không có tinh dầu nóng dễ gây nhiễm khuẩn cho mắt và gây bỏng mắt do sức nóng, khi vừa xông xong người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm nên dễ lầm tưởng có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh các loại lá trên có tác dụng chữa trị đau mắt đỏ, ngược lại nó có thể càng làm cho mắt phù nề hoặc bị nhiễm khuẩn nặng hơn, nhất là trong trường hợp người dùng không rửa sạch lá trước khi đắp hoặc xông.
Một số người khác lại cho rằng uống các loại lá có tính mát như dấp cá, rau má sẽ giảm đau mắt đỏ. Điều này hoàn toàn sai lầm vì đau mắt đỏ do virus gây nên, do đó cần phải có phương pháp điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, người bị đau mắt đỏ cần lưu ý một số điều sau trong việc điều trị bệnh:
Không nhỏ thuốc kháng sinh kéo dài. Nếu dùng thuốc kháng sinh kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ nhờn thuốc của vi khuẩn, gây nhiễm độc thuốc trên mắt hoặc khô mắt.
Nhất thiết không được lấy đơn thuốc của người khác để mua thuốc về điều trị cho mình và không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.
Để điều trị mắt nhanh khỏi, người bị đau mắt đỏ không nên đeo kính áp tròng cho đến khi bệnh đau mắt đỏ đã được chữa khỏi. 
Trong thời gian bị đau mắt đỏ cần hạn chế việc trang điểm mắt và sử dụng các loại kem mỹ phẩm để tránh làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài ra những đau mắt đỏ cũng nên hạn chế ăn dùng thực phẩm kích thích có vị nóng như hành tỏi, ớt, thịt chó, các chất tanh như tôm, cua cá và uống rượu bia... vì đồ uống có cồn có thể gây kích ứng cho mắt.
Bệnh đau mắt đỏ không lây qua con đường nhìn nhau vào mắt người khác mà lây qua hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay – mắt, dùng chung các loại đồ dùng. Vì vậy, nên hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Khi tiếp xúc với những người xung quanh, bệnh nhân đau mắt đỏ nên đeo khẩu trang để hạn chế nước bọt bắn ra khi nói chuyện, ho và lây bệnh cho người khác. 
aFamily

© 2021 FAP
  1,140,339       4/1,031