Các bác sĩ cho biết hiện tượng ngộ độc thuốc ở trẻ nhỏ do bất cẩn của người lớn xảy ra khá phổ biến khi dùng thuốc.
Có những loại thuốc thường dùng cho trẻ bị bệnh đã không được sử dụng đúng do sai sót của người lớn. Việc này không chỉ gây nguy hại đến sức khỏe mà còn đe dọa tính mạng của trẻ.
Uống thuốc gấp 10 lần chỉ định!
Mới đây, Khoa Nhi Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã cấp cứu một bé gái 7 tháng tuổi ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội trong tình trạng thở rên, mắt trợn ngược, quấy khóc. Qua khai thác, các bác sĩ không khỏi bất ngờ khi mẹ bệnh nhi cho biết do nhìn nhầm đơn thuốc nên bà đã cho con uống liều lượng gấp 10 lần chỉ định!
Theo mẹ bệnh nhi, bé bị tiêu chảy 10 ngày nhưng ăn uống bình thường. Chỉ có điều bé đi phân lỏng nhiều ngày không đỡ. Tại một phòng khám, bác sĩ kê thuốc Itadixic (acid Nalidixic) với liều 6 ml/ngày/3 lần. Thế nhưng, về nhà, không biết sao bà lại nhìn đơn của bác sĩ thành 60 ml/ngày/3 lần nên đã pha 20 ml thuốc cho con uống. Sau 45 phút uống thuốc, bé có biểu hiện ngộ độc như nêu trên nên gia đình vội vàng đưa đến BV. Cháu bé được truyền dịch, giải độc kịp thời nên không để lại di chứng.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai, cho rằng những tai nạn do nhầm liều lượng thuốc gấp đến 10 lần như bệnh nhi nêu trên là rất nguy hiểm. Bởi lẽ, với riêng loại thuốc này, nếu dùng quá liều có thể gây co giật, hôn mê. Bệnh nhi sau khi dùng thuốc 45 phút đã thở rên, khóc cơn, mắt trợn ngược…, cho thấy thuốc quá liều gây tác động đến thần kinh.
Theo các bác sĩ, hiện tượng ngộ độc thuốc ở trẻ nhỏ do bất cẩn của người lớn xảy ra khá phổ biến. Cách đây ít ngày, Khoa Cấp cứu chống độc BV Nhi trung ương đã điều trị cho bé gái 6 tuổi bị ngộ độc thuốc điều trị tâm thần phân liệt Haloperridol. Lọ Haloperridol được dùng để điều trị cho ông nội bé, thường được người nhà để ở tủ thuốc. Do tưởng nhầm là kẹo, bé đã lấy ăn.
Bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu chống độc, cho biết bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, gọi hỏi không biết, cổ cứng, run và cứng 2 tay. Các bác sĩ lập tức rửa dạ dày và thực hiện các biện pháp chống độc đặc biệt. Sau khi được điều trị tích cực, cháu đã may mắn qua khỏi.
Theo các chuyên gia dược học, uống nhầm thuốc điều trị tâm thần phân liệt với liều cao có thể gây tử vong. Ngay cả khi uống đúng bệnh nhưng không đúng hướng dẫn cũng nguy hiểm tới tính mạng.
Sự “sáng tạo” nguy hiểm
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai, cho biết oresol - loại thuốc được sử dụng để bù nước và điện giải cho cơ thể - cũng là nguyên nhân của không ít trường hợp ngộ độc, thậm chí tử vong, do pha sai nồng độ.
Đã có trường hợp một cháu bị tiêu chảy nhưng người nhà pha dung dịch bù muối, điện giải oresol quá đậm đặc khiến bé tử vong vì phù não. Người thân đã cho cháu uống hơn 3 gói oresol bằng cách pha từng phần ra chén và cho uống liên tục vì thấy bé vẫn khát. Lượng muối quá đậm đặc đã khiến trẻ tử vong vì phù não cấp tính.
Theo PGS Dũng, thuốc bột oresol được các bác sĩ khuyên dùng ở gia đình khi có người bị mất nước và chất điện giải do tiêu chảy, nôn, sốt cao... Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sử dụng nó phải đúng cách, pha đúng nồng độ quy định.
“Thuốc oresol có mùi vị khó chịu nên rất nhiều trẻ không uống. Nhiều cha mẹ đã pha đặc hơn so với hướng dẫn rồi cho con uống với lượng nước rất ít. Chính sự “sáng tạo” này lại gây nguy hiểm cho trẻ bởi khi uống oresol với nồng độ quá đặc như thế sẽ làm cho hàm lượng muối trong máu tăng lên khiến áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường dẫn đến tình trạng trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, kích thích, hôn mê. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể đe dọa tính mạng trẻ” - TS Dũng cảnh báo.
Ngoài ra, một loại thuốc khác dễ gây ngộ độc vì dùng quá liều là paracetamol. Đây là loại thuốc hạ sốt rất phổ biến. Chính sự phổ biến này lại khiến tình trạng ngộ độc paracetamol có xu hướng tăng lên. “Có những phụ huynh hay dụ con uống thuốc bằng cách nói dối với bé đó là nước xirô, là kẹo… Vì thế, khi nhìn thấy thuốc trong tầm tay, trẻ thường lấy uống ngay” - một bác sĩ lo ngại.
Tránh uống kháng sinh và men vi sinh cùng lúc
Khi cho con uống kháng sinh nhiều, các bà mẹ hay dùng đồng thời với men vi sinh và sữa chua để phòng tránh táo bón hoặc tiêu chảy do kháng sinh. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên chỉ nên bổ sung chế phẩm vi sinh khi đã hết một liệu trình uống kháng sinh, không uống 2 loại cùng thời điểm để tránh tình trạng kháng sinh và chế phẩm vi sinh làm giảm tác dụng của nhau. Bởi lẽ, khi kháng sinh đang tìm cách tiêu diệt vi khuẩn thì chế phẩm vi sinh lại cung cấp thêm lợi khuẩn cho cơ thể, làm cản trở quá trình tiêu diệt vi khuẩn của kháng sinh.