Sức khỏe

Dị ứng thuốc kháng sinh: Không cẩn trọng dễ gây tử vong

Rất nhiều người cho rằng dùng thuốc kháng sinh có thể chữa được nhiều bệnh. Thực tế, có những người bị dị ứng thuốc kháng sinh nên nếu dùng thuốc không cẩn trọng có thể gây tử vong.

Sốc phản vệ vì thuốc kháng sinh
Bé H.V.K (8 tháng tuổi, Ninh Bình) bị viêm họng, bố mẹ đưa bé đi khám ở phòng khám tư. Sau khi uống thuốc được 2 ngày thì da bé nổi mẩn đỏ. Các mẩn đỏ đó nhanh chóng hình thành bọng nước quanh mắt, quanh miệng và lan toàn thân rồi vỡ ra. Nghe mọi người mách dùng thuốc chống dị ứng khỏi, gia đình tự ý ra hiệu thuốc mua. Bệnh của bé không thuyên giảm mà ngày càng nặng, lúc đó gia đình mới “tá hỏa” đưa con lên BV Nhi TƯ. Khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện khó thở, khò khè, huyết áp tụt. Các bác sỹ chẩn đoán bé bị sốc phản vệ do kháng sinh và đã kịp thời xử trí với các thuốc chống dị ứng. Ngay sau đó, bé được chuyển xuống khoa hồi sức cấp cứu để theo dõi và đặt huyết áp xâm nhập. Hiện bệnh nhân đã hết ban, hết khó thở
Tương tự như vậy là trường hợp của bé T. ở Thường Tín, Hà Nội cũng phải nhập viện do dị ứng thuốc. Sau khi được một y tá gần nhà tiêm cho một loại thuốc kháng sinh không rõ tên để điều trị tình trạng viêm mũi họng. Người bé bị dị ứng, nổi mần đỏ toàn thân.
BS Lê Thị Minh Hương – Trưởng khoa miễn dịch - dị ứng – khớp, Phó GĐ Bệnh viện Nhi TƯ cho hay, dị ứng thuốc do dùng kháng sinh là thường gặp nhất. Nguyên nhân do không có sự kiểm soát về đơn thuốc. Ở nước ngoài bất cứ một loại kháng sinh nào cũng phải có đơn của bác sỹ kê thì dược sỹ mới bán chứ ở nước mình ai mua cũng được. Thứ hai do thói quen tự điều trị theo kinh nghiệm của người khác mà không có sự tư vấn của bác sỹ. Ngoài ra, hệ thống phòng khám tư chưa được kiểm soát nên họ thường kê nhiều kháng sinh, không khai thác kỹ tiền sử dị ứng của người bệnh trước khi kê đơn…
Dị ứng thuốc có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào. Với trẻ nhỏ nhất là 35 ngày tuổi, trẻ lớn nhất là 12 tuổi. Tỷ lệ nam nữ mắc như nhau. Cơ chế dị ứng nhanh thì có thể ngay sau khi uống thuốc đến khoảng 2 tiếng đồng hồ. Cơ chế dị ứng muộn là sau 10 ngày tiếp xúc với thuốc. Biểu hiện của dị ứng kháng sinh cũng rất đa dạng. Ngay tức thời là sốc phản vệ. Hoặc nổi các ban, ngứa, mắc các vấn đề về hô hấp như phù nề thanh quản, ho, khó thở hoặc bị tiêu chảy
“Khi xác định nguyên nhân nào là nguyên nhân gây dị ứng, chúng tôi dừng ngay thuốc đó. Sau đó sẽ điều trị triệu chứng mà dị ứng thuốc gây ra. Ví dụ viêm da nặng nề thì phải chăm sóc da, chống nhiễm trùng cho da hồi phục. Nếu sốc phản vệ,  ngay lập tức tiêm andernalin, hỗ trợ về hô hấp và tim mạch….” – BS Minh Hương cho hay.
Dị ứng thuốc kháng sinh: Không cẩn trọng dễ gây tử vong 1
Một biểu hiện dị ứng thuốc kháng sinh trẻ có thể gặp. Ảnh minh họa
Tránh tự ý dùng thuốc kháng sinh
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho hay, ngộ độc kháng sinh có thể xảy ra nhưng ít gặp mà hay gặp là dị ứng kháng sinh. Tùy từng loại kháng sinh sẽ có những biểu hiện dị ứng khác nhau và tùy từng cơ địa từng người. Cơ thể dị ứng có thể ở mức độ nhẹ - nặng, thậm chí rất nặng, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh. Dị ứng có thể ngứa, nổi mề đay, phù, khó thở… Sốc phản vệ là trường hợp nặng nhất của dị ứng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến khó thở, hạ huyết áp, trụy mạch và tử vong xảy ra trong vài phút nếu không cấp cứu đúng và kịp thời. 
Các chuyên gia khuyến cáo, quá trình điều trị và tư vấn cho người bệnh sẽ gặp khó khăn nếu người bệnh không có những hiểu biết cơ bản về những loại thuốc mình đã sử dụng. Việc người bệnh không thể nhớ hoặc xác định được loại thuốc mà mình đã sử dụng trước khi bị dị ứng, thầy thuốc sẽ rất khó xác định nguyên nhân gây dị ứng, dẫn đến những khó khăn trong việc lựa chọn thuốc điều trị tình trạng dị ứng cho người bệnh, đặc biệt khi người bệnh bị các thể dị ứng nặng, có chỉ định dùng kháng sinh. Nếu xử lý sai, bệnh không khỏi và phản ứng dị ứng ngày càng nặng nề hơn và thậm chí có thể tử vong nếu không xử trí kịp thời. 
“Bởi vậy khi đã bị dị ứng với một loại kháng sinh hay bất cứ thuốc nào thì đừng bao giờ dùng nữa. Khi đi khám bệnh, nhớ cho bác sĩ biết mình dị ứng kháng sinh để bác sĩ sẽ có chọn lựa loại kháng sinh phù hợp. Nên uống nhiều nước để tăng thải trừ thuốc qua đường tiểu” – BS Dũng khuyến cáo.
Để phòng tránh dị ứng kháng sinh, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên tự ý dùng thuốc khi không có hướng dẫn sử dụng và đơn thuốc bác sĩ. Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, không tự ý mua thuốc sử dụng. Trong trường hợp bác sỹ cho dùng thuốc thì phải theo dõi sát, nhất là lần đầu tiên uống. Khi có triệu chứng gì bất thường cần ngưng sử dụng thuốc và tới bệnh viện để các bác sỹ chẩn đoán xem có phải bị dị ứng thuốc hay không. 
Để chuẩn đoán dị ứng kháng sinh hay không, các bác sỹ sẽ  có một số test dị ứng để khẳng định. Và nếu có dị ứng thì bệnh viện sẽ có phương pháp xử lý kịp thời để tránh tai biến, tử vong do sốc phản vệ. Tránh tự điều trị ở nhà theo cảm tính hay bằng các phương pháp dân gian. Đề kháng kháng sinh sẽ xảy ra nếu thường xuyên sử dụng kháng sinh hoặc sử dụng kháng sinh không đúng cách. Do đó, cần uống đủ liều, đủ số lần theo toa của bác sĩ. Dùng tiếp tục hết toa thuốc ngay cả khi cảm thấy khỏe hơn. 
aFamily

© 2021 FAP
  1,137,612       3/932