Sức khỏe

Sự thật về việc cây si đỏ chữa bệnh ung thư

Những ngày gần đây rộ lên thông tin về công dụng chữa bệnh ung thư của một loại cây có tên gọi là cây si đỏ. Lập tức, loại cây này trở thành hàng quý hiếm vì nhiều người săn lùng tìm mua. Sự thật về công dụng loại cây này như thế nào?

10 triệu/kg si đỏ

Cuộc sống của nhiều người dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên gần đây bị xáo trộn vì đổ xô đi tìm mua cây si cảnh loại có nhựa màu đỏ để bán lại cho các thương lái ở các tỉnh phía Bắc. Họ “quảng cáo” nhau rằng sau khi thu mua, si đỏ dùng để chiết xuất thuốc chữa bệnh ung thư các loại. Riêng ung thư máu thì chỉ cần lấy "máu cây" tiêm vào cơ thể nó sẽ dần thay thế máu người và hết bệnh(?!).

Mặc dù công dụng chữa ung thư của si đỏ chưa được kiểm chứng? nhưng không chỉ thương lái ở các tỉnh Tây Nguyên trực tiếp thu mua cây si đỏ mà hiện nay hệ thống thu mua đã phát triển từ Bắc tới Nam. Chỉ cần gọi điện thoại là các cơ sở này sẽ tới tận nơi kiểm hàng. Thậm chí, có rất nhiều địa chỉ đăng tải trên mạng thu mua với giá từ 10 - 13 triệu đồng/kg.

Đảo qua một số trang mua bán trực tuyến, chúng tôi dễ dàng tìm thấy những địa chỉ rao mua cây si đỏ được xem như “thần dược” này như chimcanhviet, duocminhhanh... Tại địa chỉ trang web duocminhanh… của Công ty TNHH Nông dược bản H'mông - Sapa (huyện Sapa, tỉnh Lào Cai) đăng tải thông tin cần mua cây si nhựa đỏ, thậm chí họ còn đưa ra những bước hướng dẫn rất chi tiết làm sao để xác minh chính xác loại cây này và cách thức mua bán. Theo số điện thoại, chúng tôi gọi điện liên hệ. Đầu dây bên kia giới thiệu là bác sĩ Minh. Sau khi nói có si bán thì được ông này thông báo mua si đỏ với giá 10 triệu đồng/kg và bảo nếu đúng là si đỏ sẽ trực tiếp tới kiểm tra.

Tương tự, nhiều trang rao vặt cũng đăng tải những thông tin rao mua bán. Trong phần rao vặt của trang web agriviet.com đăng tải thông tin: "Hiện tại tôi đang cần mua một số cây si ngọn đỏ và có nhựa màu đỏ... Hễ gặp cây si ngọn đỏ trên núi thì rất dễ thấy nhựa đỏ, nếu ai quen biết dân núi hãy phổ biến và liên hệ hỏi họ xem có không rồi mua lại bán tôi giá từ 13 triệu/kg tươi trở lên. Bao nhiêu mua cũng hết nhé các bạn".

Sự thật về việc cây si đỏ chữa bệnh ung thư 1

Không chữa được ung thư

Trước những thông tin mọi người đua nhau săn lùng cây si đỏ chữa bệnh ung thư, BSCKII Phạm Quốc Toán – Bộ môn Y học cổ truyền (ĐH Y Hà Nội) cho rằng, đó chỉ là lời đồn đại. Trong Đông y không dùng loại cây này để trị bệnh. Thực tế, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác dụng của bất kỳ bộ phận nào ở cây si có nhựa đỏ có khả năng chữa bệnh, chứ chưa nói đến việc chúng có tác dụng chữa bệnh hiểm nghèo như ung thư. Trong dân gian mọi người vẫn truyền tai nhau dùng lá cây si đun lên để chữa ngứa, lở loét ngoài da vì có tính chát. Nhưng thực tế tới giờ cũng chưa có một kiểm chứng nào về hiệu quả của phương pháp này. Mọi người cần tỉnh táo khi sử dụng bất cứ một phương pháp truyền miệng nào vì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, dẫn đến tiền mất, tật mang.

PGS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Phòng chống ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K cho hay, những người bị ung thư thường có tâm lý tìm mọi cách để chữa bệnh nên chỉ cần nghe phong thanh cây gì chữa được bệnh là họ tìm mua bằng được. Điều này rất nguy hiểm, vì không những mất tiền mà còn có nguy cơ làm bệnh tình thêm nặng.

Trước đó, từng có nhiều người dân cũng đồn nhau lá cây đu đủ chữa ung thư. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một bằng chứng nào được nghiên cứu trên thực thể sống là động vật thực nghiệm hay bệnh nhân ung thư dùng lá đu đủ chữa bệnh. Mọi phương thuốc hay mẹo chữa có dùng lá đu đủ mới chỉ dừng ở lời đồn đại, thổi phồng hay chỉ là sự may mắn trùng khớp. Vì chưa chắc chắn nên không thể áp dụng chính thức bài thuốc này để điều trị ung thư.

Thực tế, tại Bệnh viện K đã từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân gặp biến chứng hoặc tăng tế bào ung thư lên nhanh chóng khi phát hiện mắc ung thư không điều trị sớm mà họ sử dụng thuốc lá, thuốc Đông y, thuốc Nam trong điều trị ung thư. Nhiều trường hợp vào viện điều trị thì đã quá muộn.

aFamily

© 2021 FAP
  1,137,559       3/931