Sức khỏe

Dịch bệnh Ebola chưa có dấu hiệu chững lại

Bệnh Ebola (từng được biết đến là bệnh Sốt xuất huyết Ebola) là bệnh nguy hiểm dễ gây tử vong ở người.

Số người nhiễm bệnh vẫn gia tăng
Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới, dịch bệnh do vi rút Ebola tiếp tục gia tăng cả về số mắc và số tử vong tại các quốc gia Tây Phi và cũng đã ghi nhận ở các quốc gia khác trên thế giới. 
Tích lũy từ tháng 12/2013 đến ngày 02/11/2014, Thế giới đã ghi nhận 13.633 trường hợp mắc trong đó 5.000 trường hợp tử vong. WHO xác nhận có 531 trường hợp là cán bộ y tế mắc bệnh, trong đó có 277 trường hợp tử vong.
Ngày 2/9/2014, sau khi trở về từ chuyến đi thị sát Tây Phi,  bác sĩ Tom Frieden, Giám đốc Cơ quan phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra một bức tranh khá ảm đạm về tình hình phòng chống dịch bệnh và cứu chữa những người nhiễm Ebola. Theo ông dịch bệnh đã lây lan quá nhanh, bất chấp những nỗ lực to lớn từ Mỹ và thế giới. Sự lây lan nhanh chóng của bệnh dịch do những hạn chế trong việc kiểm soát và phát hiện bệnh dịch đã khiến CDC  mới đây dự báo đến 20 tháng 1 năm 2015, con số người nhiễm bệnh sẽ lên đến 1 triệu 400 ngàn người bao gồm cả những ca không được báo cáo.
 Dịch bệnh Ebola chưa có dấu hiệu chững lại 1
Ảnh minh họa
Một số đề tài nghiên cứu phòng chống ebola
Để chống lại căn bệnh chết người Ebola lãnh đạo của WHO cũng cho biết các liều vắc xin thử nghiệm rVSV chống vi rút Ebola đã được chuyển từ Canada tới Bệnh viện Đại học Geneva trong ngày 23/10. WHO dự kiến sẽ sử dụng phối hợp loại vắc xin này với các loại vắc xin khác do các phòng thí nghiệm của Đức, Gabon và Kenya chuyển tới.
Theo thông tin ban đầu, rVSV được phát triển bởi Phòng thí nghiệm vi sinh Quốc gia Canada ở Winnipeg. Đây là một trong 2 loại vắc xin thử nghiệm được WHO kiểm nghiệm là đạt kết quả khả quan khi thử nghiệm trên động vật. 
Theo các quan chức của WHO, mục tiêu đầu tiên của Tổ chức này là vận chuyển lô vắc xin đầu tiên tới châu Phi vào đầu năm 2015, hỗ trợ lực lượng nhân viên y tế ở khu vực này chống lại vi rút Ebola – khoảng 240 nhân viên y tế đã tử vong trong khi chăm sóc cho bệnh nhân.
Các nhà khoa học Pháp vừa hoàn thiện một thiết bị mới cho phép chẩn đoán những bệnh nhân nghi nhiễm vi rút Ebola chỉ trong 15 phút. Cơ chế hoạt động của dụng cụ là phát hiện kháng thể trong mẫu bệnh phẩm nhỏ nhất, như một giọt máu, huyết tương hoặc nước tiểu của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có kết quả dương tính với vi rút Ebola, màn hình của thiết bị sẽ xuất hiện vạch ngang báo hiệu.
Đây là thiết bị chẩn đoán vi rút Ebola đơn giản nhất từ trước đến nay mà không cần thêm bất kể một thiết bị hỗ trợ nào khác. Thời gian để bộ công cụ đưa ra kết luận chính xác là khoảng 90 phút.
Theo Ủy ban Năng lượng nguyên tử Pháp (CEA), các thử nghiệm trên dụng cụ mới đều được tiến hành trong một phòng thí nghiệm tiêu chuẩn. Tuy nhiên, thiết bị mới chưa được các nhà chức trách y tế Pháp thông qua.
Trước đó, công ty PrimerDesign chuyên sản xuất các sản phẩm công nghệ cao trực thuộc Đại học Southampton, Anh cũng giới thiệu bộ dụng cụ giá rẻ giúp chẩn đoán nhanh chóng và đơn giản những người bị nghi nhiễm vi rút Ebola.
 Dịch bệnh Ebola chưa có dấu hiệu chững lại 2
Ảnh minh họa
Một số biện pháp phòng chống dịch
Trước tình hình diễn biến dịch bệnh Ebola tại các nước vùng Tây Phi, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cung cấp thông tin và khuyến cáo một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Ebola để người dân chủ động phòng chống, bao gồm:
- Để phòng bệnh cần thực hiện vệ sinh cá nhân rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn…
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh.
- Không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó.
- Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời.
 Dịch bệnh Ebola chưa có dấu hiệu chững lại 3
Ảnh minh họa
- Hạn chế đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh Ebola khi không cần thiết (quốc gia vùng Tây Phi: Liberia, Guinea, Sierra Leone và Nigeria).
- Nếu phải đi, cần tìm hiểu thông tin tình hình dịch bệnh Ebola tại nơi đến để có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh Ebola; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế, mặc trang phục phòng hộ cá nhân đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
- Những người trở về từ các quốc gia vùng Tây Phi, trong vòng 21 ngày nếu có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, phát ban... hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm.
aFamily

© 2021 FAP
  1,135,544       1/1,137