Sức khỏe

Phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota và những điều không thể bỏ qua

Bệnh tiêu chảy do virus rota gây ra có biến chứng nguy hiểm là mất nước, mất muối quá nhiều, dễ dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong nếu không được bù nước kịp thời.

Bệnh rất dễ lây lan
Trong thời gian này, tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội), liên tục có trẻ bị tiêu chảy do virus phải nhập viện. So với tháng trước, số trẻ nhập viện do tiêu chảy tăng khoảng 20%. 
Bệnh tiêu chảy rotavirus (hay tiêu chảy mùa đông) là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do virus Rota gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi  nhỏ từ 3-24 tháng. Trong 5 năm đầu đời, phần lớn trẻ hay mắc phải bệnh này. Với bệnh này, thông thường trẻ sẽ nôn trước, sau khoảng 1-2 ngày thì bắt đầu đi ngoài. Trẻ có thể ho, sốt nên một số cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng.
Phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota và những điều không thể bỏ qua 1 
Theo BS Nguyễn Thị Hiền, Bệnh viện Thanh Nhàn, Rotavirus thường lây nhiễm qua đường tiêu hoá và khả năng lây nhiễm rất cao. Loại virus này được thải ra theo đường tiêu hoá ở trẻ nhiễm bệnh và khả năng lây lan rất cao vì tồn tại trong môi trường và lưu lại trên tay vài giờ và trên bề mặt rắn khoảng vài ngày. Virus có thể lan truyền dễ dàng qua tay bị nhiễm bẩn, tồn tại trên bề mặt chất rắn như đồ chơi, chăn, màn... Khi trẻ nhiễm Rotavirus sẽ đào thải ra ngoài một lượng virus rất lớn đến 10 ngàn tỷ nhưng chỉ cần một lượng rất nhỏ là có thể lây nhiễm và gây bệnh cho người. Nếu như trẻ cho tay vào miệng sau khi tiếp xúc với các vật dụng mang virus thì nên khả năng nhiễm tiêu chảy cấp là rất cao. 
Trẻ bị nhiễm rotavirus thường có triệu chứng sốt, buồn nôn và nôn mửa dữ dội. Sau 12- 24 giờ, sẽ xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, từ nhẹ đến nặng. Tiêu chảy do nhiễm rotavirus nguy hiểm hơn so với tiêu chảy thông thường bởi trẻ nhiễm rotavirus có thễ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể kéo dài 7-10 ngày, thậm chí 5-20 ngày. Các triệu chứng nặng nhất thường xuất hiện vào ngày thứ 3-4. 
Vì trẻ chưa có sức đề kháng cao nên dễ bị virus Rota xâm nhập vào hệ tiêu hóa, khiến trẻ bị tiêu chảy, nôn có khi hơn chục lần một ngày, dẫn đến mất nước nhanh và nếu không được bù nước kịp thời dễ bị tử vong.
Chủ động phòng bệnh
Bệnh tiêu chảy do virus Rota về cơ bản chưa có thuốc đặc trị, nên phương pháp thích hợp nhất hiện nay là đề phòng biến chứng mất nước, bù nước bằng đường uống và chế độ dinh dưỡng thích hợp. Đặc biệt, với trẻ nhỏ, nếu trẻ bị nôn ói nhiều, thì phải cho trẻ vào viện để truyền dịch.
Các bậc phụ huynh cần chăm sóc cho bé bị tiêu chảy tại nhà đúng cách, bằng việc cho trẻ uống bù nước ngay khi bị bệnh. Thông dụng nhất và cũng dễ kiếm nhất là dung dịch ORS (oresol), men tiêu hóa được pha đúng liều ghi trên bao bì, thuốc chống tiêu chảy vv... Sau 1-2 ngày, nếu bệnh của bé không giảm, cần đưa ngay đến Bệnh viện.
Tuy nhiên, không vì bé đi tiêu chảy nhiều lần, mà cho uống quá nhiều. Trái lại, phải cho bệnh nhi uống từ từ và duy trì đều đặn cho đến khi bé tạm ổn định. Khi trẻ đã bị bệnh, tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh hay thuốc chống nôn, vì thuốc chống nôn có thể khiến trẻ ngủ li bì, khó phát hiện diễn biến của bệnh. Điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần trang bị kiến thức cơ bản về bệnh, để tránh được những sai lầm đáng tiếc.
 Phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota và những điều không thể bỏ qua 2
Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo nên chủng ngừa cho tất cả trẻ nhỏ để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Vắc-xin phòng tiêu chảy do Rotavirus được cho trẻ uống từ 6 tuần tuổi trở đi, uống 2 lần cách nhau ít nhất là 1 tháng và nên uống trước 6 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, phải chú ý cho trẻ ăn thực phẩm rửa sạch và nấu chín đầy đủ chất dinh dưỡng, không ăn thức ăn bán ngoài đường phố.
Cha mẹ phải rửa sạch tay trước khi chăm sóc bé và cho bé ăn. Đồng thời, cha mẹ cần tạo cho trẻ thói quen giữ vệ sinh, rửa tay, tắm rửa với xà phòng diệt khuẩn thường xuyên, không ngậm tay hoặc ngậm đồ chơi… để lây nhiễm bệnh.
aFamily

© 2021 FAP
  1,133,444       1/1,016