Bệnh tiểu đường không chỉ có ở người già mà có thể gặp ở cả trẻ em. Nếu bệnh không được phát hiện kịp thời dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Biến chứng rất nguy hiểm của bệnh tiểu đường ở trẻ em
Theo chia sẻ của chị Hạnh (Hải Dương) có con đang điều trị
bệnh tiểu đường thì thời gian gần đây, con chị thường kêu đau đầu kèm theo ho và sốt 38 độ C, đi tiểu nhiều, mệt mỏi, da xanh sút cân nhanh. Lo lắng gia đình đưa cháu vào bệnh viện tỉnh để khám. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, biến chứng nặng và lập tức được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung Ương trong tình trạng nguy kịch: hôn mê, sốc, mạch nhanh, huyết áp tụt, suy thận… Sau một thời gian điều trị con chị đã qua cơn nguy kịch và đang có dấu hiệu hồi phục.
Hay trường hợp bé L.A (Hoàng Mai- Hà Nội) cũng phải nhập viên bệnh viện Nhi Trung ương điều trị bệnh tiểu đường. Theo lời mẹ cháu, từ lúc sinh ra cho đến 4 tuổi cháu vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên thời gian gần đây thấy con hay đi tiểu đêm và đòi ăn đồ ngọt liên tục nhưng cân nặng liên tục giảm. Chị để ý con đi tiểu ra ngoài gốc cay một lát kiến bu đầy. Đưa cháu đến bệnh viện Nhi Trung ương khám, chị mới biết mắc chứng tiểu đường. Bác sĩ cho biết do được phát hiện sớm nên bệnh của cháu chưa xảy ra biến chứng.
Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, tiểu đường ở trẻ sơ sinh có đến 90%, nguyên nhân là do đột biến gen. Phần lớn các trường hợp bệnh được phát hiện khi trẻ vào viện điều trị những bệnh lý khác như nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng sơ sinh. Sau khi làm xét nghiệm kiểm tra các bác sĩ mới phát hiện trẻ bị tiểu đường. Ở trẻ lớn tuổi từ 8-15 tuổi mắc nhiều hơn, tỷ lệ mắc đái tháo đường típ 1 chiếm tới 90%. Đây là dạng tiểu đường phụ thuộc insulin do tuyến tụy không sản xuất đủ nên gây ra tình trạng tăng đường huyết.
Có rất nhiều nguyên nhân gây tiểu đường ở trẻ, trong đó yếu tố môi trường gồm
nhiễm hóa chất và nhiễm siêu vi có thể gây ủ bệnh vài năm trước khi khởi phát. Ngoài ra, bệnh tiểu đường ở trẻ có liên quan tới yếu tố gen di truyền gia đình.
Triệu chứng điển hình của tiểu đường ở trẻ là ăn nhiều, uống nhiều nước, đi tiểu nhiều lần đặc biệt đi tiểu vào ban đêm, sút cân nhanh và thèm đồ ngọt. Tuy nhiên vì trẻ nhỏ hay có sở thích ăn các đồ ngọt nên bố mẹ rất khó để phát hiện ra bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường ở trẻ em nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như hôn mê, nhiễm toan xeton và sau này là các bệnh lý về tim, hệ mạch máu, tổn thương thần kinh, thận, mắt, da và miệng, loãng xương hay rối loạn thị lực, đục thuỷ tinh thể, tổn thương tim, gan, não,
suy thận, da (lở loét, hay mụn nhọt), có thể gây tắc mạch, hoại tử chi, thậm chí bệnh nhân có thể tử vong , BS Hằng nhấn mạnh.
Bệnh tiểu đường không chỉ có ở người già mà có thể gặp ở cả trẻ em. Ảnh minh họa
Cha mẹ đề phòng bệnh tiểu đường ở trẻ nhỏ
Bác sĩ Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) tại cuộc họp nhân ngày Phòng chống đái tháo đường thế giới 14/11 diễn ra tại Hà Nội cũng nhấn mạnh bệnh đái tháo đường đang gia tăng quá nhanh tại nước ta. Lứa tuổi mắc ngày càng trẻ hóa. Trước kia, người bệnh chủ yếu ở lứa tuổi 40-45, nay các bác sĩ điều trị cho cả trẻ 11,12 tuổi trở lên, không chỉ ở thành phố lớn như Hà Nội mà ở cả tỉnh miền núi như Phú Thọ. Đây là điều hết sức báo động vì ảnh hưởng đến tương lai của đất nước, gặp ở trẻ thừa cân, béo phì.
Còn theo một cuộc khảo sát được tiến hành do Tổ chức từ thiện Diabetes UK tại Anh năm 1012, chỉ ra rằng có 9% các bậc cha mẹ đã có thể xác định bốn triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 1. Một cuộc khảo sát gần đây của tổ chức này phát hiện ra rằng tỷ lệ đã tăng lên đến 14% bố mẹ có thể nhận biết bệnh tiểu đường ở trẻ. Nhưng theo Barbara Young, giám đốc điều hành tổ chức này: “Trong rất nhiều trường hợp trẻ em mắc tiểu đường loại 1 không được chẩn đoán ra bệnh cho đến khi trẻ bị ôm nặng và trong một vài trường hợp đáng tiếc, sự chậm trễ trong chẩn đoán này thậm chí có thể gây tử vong”.
Bố mẹ nên chú ý những thay đổi của trẻ như đột ngột ăn uống quá nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhanh, nhiễm trùng miệng, âm đạo hoặc da (do vi trùng sinh sôi trong môi trường có nồng độ glucose cao), đau bụng… hãy nghĩ ngay đến
bệnh tiểu đường.
Để phòng bệnh tiểu đường ở trẻ em, các bậc cha mẹ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát và lưu ý các xét nghiệm về đường huyết lượng đường có trong máu hay trong nước tiểu.
Hạn chế cho trẻ ăn các đồ ngọt như bánh, kẹo hay uống nước đường, nước uống có ga và hạn chế đạm thực vật và tạo cho trẻ môi trường sống lành mạnh không ô nhiễm.
Theo hướng dẫn của hiệp hội tim mạch Mỹ (AHA), trẻ em từ 2-4 tuổi không nên tiêu thụ quá 4 thìa cà phê đường phụ gia một ngày - trẻ em từ 4-8 tuổi không nên tiêu thụ quá 3 thìa cà phê đường phụ gia mỗi ngày.
Vì thế khi trẻ có dấu hiệu của bệnh tiểu đường cần đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời tránh những biến chứng có thể xảy ra.