Sức khỏe

Con bị điếc vì bố mẹ chủ quan

Viêm tai giữa nếu không được điều trị có thể giảm thính lực, thậm chí bị điếc vĩnh viễn, ảnh hưởng đến chất lượng sống.

Do thời tiết, môi trường cũng như cách chăm sóc sức khỏe không đúng cách, Việt Nam có khoảng 4% dân số bị viêm tai giữa. Căn bệnh này gặp nhiều ở trẻ nhỏ, nguyên nhân thường do viêm đường hô hấp trên. Viêm tai giữa nếu không được điều trị có thể giảm thính lực, thậm chí gây điếc vĩnh viễn, ảnh hưởng đến chất lượng sống. 

Viêm tai giữa không nhất thiết phải chảy mủ

PGS.TS Lương Hồng Châu – Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, nói tới viêm tai giữa người ta thường nghĩ đến chuyện chảy mủ tai. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp viêm tai giữa không chảy mủ, đó là viêm tai giữa màng nhĩ đóng kín.

Trước đây có những bệnh nhi đến với PGS.TS Lương Hồng Châu đã qua cả chục bác sĩ từ tuyến xã lên đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. PGS.TS Lương Hồng Châu khám cho cháu, chẩn đoán bé bị viêm tai giữa, thì ông bố nói: “Bác sĩ nói không đúng, tôi đi khắp nơi chưa ai bảo con tôi bị viêm tai. Tôi chỉ đi chữa điếc cho con tôi chứ không chữa viêm tai.” Nhưng thời đó chưa có nội soi nên PGS. TS Lương Hồng Châu không thể chỉ trên màn hình cho người bố ấy xem được.

PGS. TS Lương Hồng Châu cho biết: Bệnh nhân này bị viêm tai nhưng do màng nhĩ đóng kín nên mủ không thể chảy ra ngoài, gây điếc. Dù đã thuyết phục người bố rằng, nếu không chữa sẽ gây điếc vĩnh viễn cho bé nhưng ông bố không nghe, đưa con về.

“Lúc đấy nội soi chưa thông dụng, do 10 bác sĩ khác không nói  bé bị viêm tai nên một mình tôi nói thì ông bố nhất quyết không nghe. Hai năm sau, ông bố mang con quay trở lại thì cháu bé đã bị điếc hoàn toàn. Đó là điều cực kỳ đáng tiếc, vì vậy nói rằng đã viêm tai giữa là phải chảy mủ là một cách hiểu hoàn toàn sai lầm”, PGS. TS Lương Hồng Châu chia sẻ.

Theo PGS.TS Lương Hồng Châu, có những loại viêm tai giữa mà bệnh nhân không sốt, không đau, người lớn thấy ù tai nhưng trẻ em hầu như chẳng có cảm giác gì. Nhiều khi bố mẹ gọi, con không thưa, lại cho rằng trẻ lơ đãng, đang mải chơi nên không để ý đến bé. Vì thế, khi gọi 5- 7 câu mà con không trả lời, phụ huynh phải để ý ngay xem có phải con nghe kém hay không? Nhiều bà mẹ nghĩ con chỉ chảy nước mũi do thời tiết lạnh, không ảnh hưởng đến tai nhưng khi trẻ chảy mũi kéo dài 5-7 ngày rất dễ liên quan đến chứng viêm tai giữa.

PGS.TS Lương Hồng Châu cho hay, nhiều loại viêm tai rất khó nhận biết. Có khi bệnh còn xuất hiện ở trường hợp sau một đợt mắc bệnh sốt siêu vi trùng. Có những đứa trẻ không có biểu hiện nào của viêm tai, mũi, họng, trẻ đang khỏe mạnh bình thường tự dưng đau tai dữ dội, kèm theo sốt. Khi đó đi nội soi thì đã bị chớm viêm tai giữa rồi. Nhiều ông bố, bà mẹ chủ quan cho rằng viêm tai giữa phải chảy mũi, hắt hơi, viêm họng nên càng dễ dàng bỏ qua.

Con bị điếc vì bố mẹ chủ quan 1
Bệnh nhân bị viêm tai giữa đang được nội soi tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Ảnh: Hoài Nam

Phải có bác sỹ chỉ định mới được dùng thuốc hay cắt amiđan

PGS.TS Lương Hồng Châu cho biết, viêm tai giữa là tình trạng viêm niêm mạc của tai giữa, nguyên nhân là do viêm mũi, viêm họng, viêm xoang,viêm đường thở trên cấp tính gây nên. Đa số bệnh nhân thường bị bệnh này sau khi viêm amiđan, viêm xoang. Bệnh xuất hiện trên người có cơ địa dễ dị ứng, ở cả trẻ nhỏ và người lớn.

Có hai thể: Viêm tai giữa cấp tính và  mạn tính. Viêm tai giữa cấp tính thường xảy ra ở lứa tuổi nhỏ, trẻ từ 2 - 6 tuổi (có trường hợp dưới 2 tuổi). Do sức đề kháng kém nên trẻ thường hay viêm mũi, họng, viêm VA. Vòi nhĩ của trẻ lại ngắn, rộng hơn người lớn và nằm thẳng ngang nên rất mẫn cảm với thời tiết lạnh, đặc biệt là vào mùa đông. Bệnh lại chia thành hai dạng: Viêm tai giữa cấp tính thông thường và viêm tai giữa hoại tử. Viêm cấp tính hoại tử hay xuất hiện ở những trẻ có thể trạng yếu, hay bị cúm, bệnh có thể gây ra hoại tử xương nhưng hiện nay ít xuất hiện do chúng ta đã có nhiều loại kháng sinh đặc trị.

Còn viêm tai giữa mạn tính dễ phát hiện hơn, cũng có nhiều thể khác nhau: Nguy hiểm và không nguy hiểm. Trường hợp nguy hiểm là ảnh hưởng đến sức khỏe, dẫn đến biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Trường hợp không nguy hiểm là bệnh có thể xuất hiện lai rai, kéo dài từng đợt nhưng không ảnh hưởng tới tính mạng. Nếu chia theo tổn thương thì có viêm tai giữa thủng màng nhĩ và viêm tai giữa không thủng màng nhĩ.

Theo PGS.TS Lương Hồng Châu, viêm tai giữa mạn tính mủ có mùi hôi thì đó là viêm tai có Cholesteatoma. Khi dịch trong tai chảy ra có chất như bã đậu đó là viêm tai giữa mạn tính nguy hiểm. Đây là dạng viêm tai rất dễ tái phát, không thể chữa bằng nội khoa thông thường, bắt buộc phải phẫu thuật ngoại khoa. Nếu may mắn thì phẫu thuật chỉ một lần, còn không thì phải phẫu thuật nhiều lần do xương chũm bị ăn mòn. Viêm tai giữa sẽ được chữa khỏi không để lại di chứng gì nếu phát hiện sớm. Còn nếu không sẽ trở thành viêm tai giữa mạn tính.


Con bị điếc vì bố mẹ chủ quan 2

“Nếu trẻ bị chảy nước mũi 3 ngày không khỏi thì phải đưa đến bác sĩ. Hãy nghi ngờ trẻ bị viêm tai giữa nếu bé hay đưa ngón tay lên ngoáy tai, tỏ vẻ bứt rứt, khó chịu trong người.

Khi bé bị viêm đường hô hấp trên, có thể đưa con đi cắt amiđan (nếu trẻ bị viêm amiđan hơn 5 lần/ năm) để hạn chế phần nào chứng viêm tai giữa, vì đường hô hấp tai, mũi, họng liên quan chặt chẽ đến nhau. Khi trẻ bị chảy mủ tai, bố mẹ phải đưa đi khám, không nên tự ý mua thuốc nhỏ, thuốc uống cho trẻ mà phải có sự chỉ định…”.

PGS.TS Lương Hồng Châu – Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.

aFamily

© 2021 FAP
  1,122,725       1/973