Sức khỏe

Giải pháp cứu vãn nguy cơ vô sinh ở phụ nữ

Theo các nhà nghiên cứu, sửa đổi gen có thể là giải pháp cứu vãn nguy cơ vô sinh ở nữ giới.

Căng thẳng được biết đến là một trong những nguyên nhân cản trở khả năng sinh sản và gây hỏng thai ở người phụ nữ nhưng các nhà khoa học đã chỉ ra rằng "sửa đổi" một gen duy nhất có thể để cải thiện những tác động này.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ) đã tiến hành nghiên cứu trên chuột. Theo một thông cáo báo chí, nhóm tác giả nghiên cứu là những người đầu tiên phân tích mối liên kết giữa các cơ sở phân tử của khả năng sinh sản, tình dục và tình trạng căng thẳng.
Các nhà nghiên cứu nói rằng vì các gen được mã hóa cho hormone thường gặp ở động vật có vú nên các kết quả nghiên cứu có thể áp dụng cho con người.
"Đáng chú ý, loại bỏ một hợp chất hóa học đơn có tính di truyền - một peptide được gọi là RFRP3 - sẽ giúp khôi phục khả năng thành công trong việc giao phối và mang thai", tác giả nghiên cứu Daniela Kaufer, một giáo sư sinh học mở rộng tại UC, Berkeley, cho biết.
Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), việc sửa đổi gen sẽ được tiến hành bằng cách loại bỏ tất cả hoặc một phần của gen đó.
Giải pháp cứu vãn nguy cơ vô sinh ở phụ nữ 1
Ảnh minh họa
Tác giả nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng sự căng thẳng trước khi thụ thai có ảnh hưởng lâu dài đến khả năng sinh sản và mang thai ở phụ nữ. Áp lực mà người phụ nữ phải chịu không chỉ khiến họ có ít động lực để "quan hệ" mà còn giảm hiệu quả thụ thai cũng như không đảm bảo sức khỏe của thai nhi cho đến cuối thai kì. Nhưng tất cả những tác động này đã được loại bỏ bằng cách loại bỏ gen RFRP3, theo thông cáo báo chí.
Các nhà nghiên cứu xác định sự thành công trong sinh sản theo tỉ lệ các con chuột cái mang thai đủ ngày đủ tháng. Khả năng sinh sản thành công giảm từ 80% xuống còn 20% ở những con chuột gặp tình trạng stress. Sự thành công được phục hồi đến 80% khi gen RFRP3 bị loại bỏ. Tỷ lệ sống của phôi cũng đã tăng trở lại lên tới 94%, giảm nguy cơ vô sinh. 
RFRP3 được hình thành ở vùng dưới đồi của não, giúp kiểm soát tuyến yên để đáp ứng với stress, theo NIH.
Ở phụ nữ, RFRP3 làm giảm sự gia tăng bình thường trong kích thích tố đi kèm với quá trình rụng trứng và nó có thể được điều chỉnh trực tiếp bởi các hormone stress có tên là corticosterone. Các nhà nghiên cứu quan sát thấy rằng RFRP3 tiếp tục ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của chuột ngay cả sau khi loại bỏ căng thẳng, mức corticosterone đã trở lại bình thường.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ước tính 6,7 triệu (11%) phụ nữ Hoa Kỳ trong độ tuổi từ 15-44 đang rơi vào tình trạng sinh sản kém, không có khả năng có thai hoặc không mang thai đủ thời gian thai kì. Bên cạnh đó, CDC cũng nhận định 6% phụ nữ Hoa Kỳ đã lập gia đình tuổi từ 15-44 bị vô sinh.
"Những phát hiện của chúng tôi cung cấp một trọng tâm mới cho các nghiên cứu lâm sàng về sức khỏe sinh sản của con người", Anna Geraghty, người đứng đầu cuộc nghiên cứu nói trên cho biết.
Nghiên cứu được công bố hôm ngày 13/1/2015 trên tạp chí eLife.
(Nguồn: DailyMail)
aFamily

© 2021 FAP
  1,112,784       1/876