Sức khỏe

Những điều cần biết để đề phòng bệnh thủy đậu trước mùa dịch

Thời tiết miền Bắc có nhiều thay đổi thất thường cũng là điều kiện tốt cho bệnh thủy đậu phát triển.

Hiện nay, tại một số bệnh viện thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện bệnh nhân bị thủy đậu, đa phần là trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, thời tiết miền Bắc có nhiều thay đổi thất thường cũng là điều kiện tốt cho bệnh thủy đậu phát triển.
Chính vì vậy, người dân cần hết sức lưu ý đề phòng bệnh và điều trị kịp thời nếu không may mắc bệnh.
Bệnh lây qua tiếp xúc
Theo các chuyên gia ý tế nhận định, mặc dù mùa dịch bệnh thủy đậu chưa tới nhưng tại thời điểm này cũng đã có trẻ mắc bệnh thủy đậu và phải nhập viện tại một số bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh. Số ca thủy đậu nhập viện hiện tại đã bằng lúc cao điểm nhất của mùa thủy đậu năm trước. Dự báo trong thời gian tới nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, bệnh thủy đậu sẽ tăng mạnh.
Thủy đậu (hay phỏng rạ, trái rạ) là một dạng bệnh nổi mụn, do một loại siêu vi gây nên, thường gặp ở trẻ em và lây lan khá nhanh, đặc biệt là vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 4.
Thủy đậu lây truyền do các em tiếp xúc trực tiếp với những mụn bóng nước của người mắc bệnh, hoặc khi người bệnh ho, hắt hơi, nước bọt sẽ phát tán mầm bệnh ra ngoài khiến người xung quanh hít phải. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài khoảng nửa tháng rồi mới bắt đầu phát bệnh.
Những điều cần biết để đề phòng bệnh thủy đậu trước mùa dịch 1
Ảnh minh họa
Triệu chứng của bệnh 
Lúc đầu, những người bị thủy đậu thường có triệu chứng sốt nhẹ, sau đó trên da sẽ xuất hiện những nốt mụn nhỏ, rồi to dần lên, thoạt nhìn trông như vết bỏng (vì thế còn được gọi là phỏng rạ). Những nốt mụn này chứa một chất dịch bên trong, sau khoảng 1-2 ngày sẽ đục hơn và khô lại, đóng vẩy rồi bong ra. 
Khi bị nổi mụn, người bệnh cảm thấy ngứa và có thể sẽ gãi xước da, điều này càng khiến cho mụn lây sang nhiều chỗ hơn và có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng.
Những nốt thủy đậu xuất hiện ở trên thân, sau đó lan ra chân tay và mặt, miệng. Thường thì, thủy đậu không phải là căn bệnh nguy kịch, sẽ khỏi sau 1-2 tuần và không để lại sẹo, nhưng cũng có những trường hợp gây ra biến chứng nguy hiểm cho các bệnh nhi.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh
Một số biến chứng nguy hiểm mà người mắc bệnh thủy đậu có thể gặp nếu không được điều trị kịp thời bao gồm:
- Bội nhiễm thứ phát tại các tổn thương da: Khi nốt đậu bị vỡ hoặc trầy xước do bệnh nhân gãi, có thể gây viêm tấy, nhiễm khuẩn da gây viêm mủ da, chốc lở thậm chí gây viêm cầu thận cấp... 
- Viêm phổi thủy đậu: Xảy ra trong thời kỳ đậu mọc, biểu hiện sốt cao, thở nhanh, khó thở, tím tái, đau ngực, ho ra máu, đây là biến chứng rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể tử vong. 
- Tổn thương thần kinh trung ương: Từ viêm màng não vô khuẩn đến viêm não, thường gặp ở người lớn, tỷ lệ tử vong cao nếu qua khỏi thì dễ để lại di chứng. 
- Bệnh thủy đậu chu sinh: Nếu mẹ mắc thủy đậu từ 5 ngày trước đến 2 ngày sau khi sinh thì trẻ sơ sinh sẽ dễ bị nhiễm bệnh và thường bị nặng dẫn đến tử vong cao. Nếu mẹ mắc thủy đậu trước sinh trên 1 tuần diễn biến lành tính thì trẻ sẽ nhận được kháng thể IgG từ mẹ, khi sinh trẻ có kháng thể nên không nguy hiểm lắm. Nếu mẹ mắc thủy đậu trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì đứa trẻ dễ bị các khuyết tật bẩm sinh.
Những điều cần biết để đề phòng bệnh thủy đậu trước mùa dịch 2
Bệnh thủy đậu có thể gặp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa
Những điều nên làm khi trong gia đình có bệnh nhân thủy đậu
- Để bệnh nhân nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời.
- Vệ sinh mũi họng hằng ngày cho bệnh nhân bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
- Thay quần áo và tắm rửa hằng ngày cho người bệnh bằng nước ấm. Nên cho người bệnh mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng.
- Cắt móng tay và giữ móng tay trẻ sạch. Có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.
- Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả.
- Thực hiện vệ sinh phòng ở của người bệnh (bàn ghế, tủ giường, đồ chơi…) hàng ngày bằng nước Javel, hoặc dung dịch Cloramin B 2% sau đó rửa lại bằng nước sạch. Đối với những đồ vật nhỏ có thể đem phơi nắng.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà  phòng. Đặc biệt phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. 
- Nên cách ly người bệnh, nếu trẻ đi học cho nghỉ ở nhà để tránh lây lan ra các bạn khác ở trường.
Phòng bệnh
Để phòng bệnh thủy đậu hữu hiệu nhất, trẻ em trên 12 tháng tuổi đều phải được tiêm phòng thủy đậu kể cả người lớn chưa từng được tiêm.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa từng bị bệnh thủy đậu hoặc chưa được tiêm phòng lúc nhỏ cũng cần được tiêm phòng.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp không nên tiêm phòng thủy đậu, bao gồm:
- Phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ có thai.
- Những người dị ứng với thuốc Neomycine.
- Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc Corticoids.
- Bệnh nhân bị bệnh ác tính về máu.
- Bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính hoặc đang bị sốt.

BS Nguyễn Thị Hiền, Bệnh viện Thanh Nhàn, lưu ý:

- Phụ nữ đang mang thai mà bị nhiễm vi rút Thủy đậu hoặc sống trong vùng có dịch Thủy đậu nên đến khám tại các BV Phụ sản để được tư vấn, theo dõi và điều trị thích hợp.
- Bệnh thủy đậu nếu nhẹ có thể điều trị tại nhà mà không cần nhập viện, trẻ chỉ cần nhập viện khi có biến chứng.
- Trẻ mắc bệnh thủy đậu cần vệ sinh thân thể để tránh các biến chứng nhiễm trùng, khác với những quan niệm sai lầm là trùm kín trẻ, kiêng nước kiêng gió, tắm hay uống nước gốc rạ. 
- Không nên tự ý dùng thuốc vì có thể làm bệnh diễn tiến nặng hơn. Đặc biệt cần tránh điều trị đắp các loại thuốc lá điều này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. 
aFamily

© 2021 FAP
  1,111,867       1/259