Các bác sĩ cho rằng nên làm mát cơ thể trẻ bằng nhiều cách chứ không nên cho trẻ ở suốt trong phòng máy lạnh.
Khi thời tiết nắng nóng nên nhiều bố mẹ nghĩ cách làm mát cho con bằng nhiều cách ngồi phòng điều hòa cả ngày… Tuy nhiên các bác sĩ cho rằng nên
làm mát cơ thể trẻ bằng nhiều cách chứ không nên cho trẻ ở suốt trong phòng máy lạnh.
Con ốm vì bố mẹ cho suốt ngày ở trong phòng lạnh
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hạnh (Chương Mỹ, Hà Nội) đang chăm sóc con gái, bé L.A, 6 tháng tuổi do mắc bệnh viêm phổi thì: đợt vừa qua nắng nóng, sợ con bị rôm sẩy ngứa ngáy nên chị thường xuyên cho cháu ngồi trong phòng điều hòa để mát. Hầu như ngày nào hai mẹ con chị đều trú ẩn trong phòng máy lạnh mà không ra đến ngoài, cả ngày lẫn đêm. Sau đó, thấy cháu có biểu hiện sốt, ho, khò khè, chị đưa con đến khám, bác sĩ chẩn đoán con chị mắc bệnh viêm phổi.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hiền, Bệnh viện Thanh Nhàn, không chỉ có thời tiết giao mùa nhiều trẻ mới mắc các bệnh về đường hô hấp mà mùa nắng cũng rất nhiều trẻ mắc các bệnh này. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rằng nguyên nhân chính lại xuất phát từ bố mẹ. Vì muốn con lúc nào mát mẻ nên họ sử dụng điều hòa, quạt mát, máy phun sương… và cho trẻ trong phòng mát suốt ngày.
Lý giải thêm điều này bác sĩ Hiền cho biết, nhiều bố mẹ thấy trời nắng trẻ ra nhiều mồ hôi hay đi chơi bên ngoài về nên để quạt thổi thẳng vào người trẻ, hoặc cho trẻ nằm trong phòng máy điều hòa chiếu thẳng vào người cho mát... Chính điều này đã khiến niêm mạc đường hô hấp của trẻ bị khô, gây ra các bệnh đường hô hấp. Chưa kể nếu phòng bật máy lạnh quá lâu sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh càng tăng.
Ngoài ra vì muốn giảm nhiệt khi thời tiết nắng nóng nhiều gia đình còn sử dụng quạt hơi nước. Nếu sử dụng không đúng cách, quạt hơi nước, quạt đá có thể gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Quạt lạnh có thể làm không khí trong căn phòng mát rất nhanh, nhưng do chúng sử dụng hệ thống làm mát bằng hơi nước nên khi quạt hoạt động, độ ẩm trong không khí sẽ tăng lên, tạo điều kiện cho nấm mốc, vi khuẩn, vi trùng
có hại cho sức khỏe phát triển.
Sử dụng điều hòa ở nhiệt độ quá thấp cũng là sai lầm vô cùng nghiêm trọng. Nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ khiến trẻ dễ bị cảm do chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa bên trong và ngoài nhà.
Sự chênh lệch, thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa trong và ngoài phòng điều hòa có thể nhanh chóng làm cho sức đề kháng của trẻ, khiến trẻ dễ bị sốt, cảm cúm, ho. Mẹ nên nhớ mỗi khi muốn cho con từ phòng điều hòa ra ngoài thì hãy mở cửa trước đó 3 phút, cho con đứng chơi gần đó để quen với luồng không khí nóng bên ngoài.
Ngoài ra, không để điều hòa thổi thẳng vào khu vực ngủ của bé, hệ hô hấp của trẻ nhỏ còn rất nhạy cảm. Nếu quạt gió của điều hòa thổi thẳng vào mặt, vào đầu thì với những bé có cơ địa yếu sẽ rất dễ mắc những
bệnh đường hô hấp như dị ứng đường hô hấp, viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi, đau họng, BS Hiền nhấn mạnh.
Đề phòng sốc nhiệt cho trẻ
Theo BS Hiền với thời tiết đang ở cao trào nắng nóng như hiện nay nếu chúng ta không để ý phòng bệnh cho con rất dễ dẫn đến “sốc nhiệt”. Khi chúng ta đang đi từ ngoài nắng với nhiệt độ nóng đột ngột bước vào phòng lạnh sẽ dẫn tới sự thay đổi nhiệt độ đột ngột nhiều khi dẫn đến sốc nhiệt, cơ thể thích nghi không kịp sẽ dễ bị nhiễm lạnh và đôi khi cơ thể bị cảm đặc biệt đối với trẻ em và người già có sức đề kháng kém.
Ngoài sự thay đổi đột ngột này còn làm các mạch máu bị co thắt, giãn hoặc co thắt phế quản, nhất là những người mắc bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... Do vậy, khi đi từ ngoài trời nắng nóng vào phòng lạnh cần lau mồ hôi, sau đó mới từ từ bước vào.
Đối với trẻ nhỏ ngoài việc để ý về cách sử dụng điều hoà, mẹ cũng cần lưu ý sức khoẻ của trẻ. Nằm điều hoà tạo cảm giác mát mẻ nhưng cũng rất dễ gây khô da, khô mũi. Mẹ cần lưu ý thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho bé, đồng thời cho con uống nhiều nước, với trẻ bú mẹ thì bú nhiều lần để tránh mất nước cho cơ thể.
Ngoài ra, nên cho trẻ ăn nhiều loại hoa quả, các loại rau để bổ sung vitamin, tăng sức đề kháng. Mặc quần áo cho trẻ phù hợp với thời tiết.
Khi trẻ ngủ, mẹ cũng lưu ý đắp một tấm chăn mỏng, đặc biệt che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh.
Không chiếu thẳng quạt hay điều hòa vào người trẻ để tránh trẻ bị
cảm lạnh.