Với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị vi khuẩn, virus tấn công và gây ra các bệnh hô hấp như ho, sổ mũi, viêm họng…đặc biệt là trong thời điểm giao mùa.
Mặc dù kháng sinh được xem là một giải pháp điều trị hiệu quả cho các bệnh viêm đường hô hấp nhưng việc cha mẹ sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách để điều trị cho trẻ có thể khiến bệnh của bé diễn tiến xấu hơn, cũng như gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
1. Tự ý “kê đơn” kháng sinh cho trẻ
Xót con khi thấy trẻ ho, sổ mũi, quấy khóc rồi bỏ ăn, sụt cân nên cha mẹ thường tự ý dùng kháng sinh để trị bệnh cho con mà không biết rằng virus là “thủ phạm” gây ra hầu hết các ca viêm đường hô hấp chứ không phải vi khuẩn nên dùng kháng sinh là không cần thiết và không có tác dụng. Việc tự ý cho trẻ dùng kháng sinh khi chưa rõ nguyên nhân không những không trị dứt bệnh mà cũng không ngăn ngừa được các biến chứng của bệnh, như viêm phổi do không được điều trị đúng.
2. Ngưng kháng sinh khi chưa hết liệu trình
Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai: “Kháng sinh cần phải được uống đúng và uống đủ liều, liên tục trong một tuần ngay cả khi các triệu chứng bệnh đã giảm để đảm bảo vi khuẩn bị tiêu diệt hoàn toàn”. Bác sĩ cũng chia sẻ thêm, thực tế nhiều cha mẹ xót con khi thấy bé quấy khóc nên thấy tình trạng ho của con giảm là tự ý ngưng thuốc khi chưa theo hết liệu hình. Đây là một trong các nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ. Nếu lần sau trẻ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, thì tỉ lệ trẻ phải dùng đến kháng sinh phổ rộng, thế hệ sau, bất chấp chúng đắt tiền hơn và đôi khi có nhiều tác dụng phụ hơn khi bị nhiễm khuẩn thông thường cũng gia tăng vì nhiều liệu pháp kháng sinh phổ hẹp thông thường trong hướng dẫn y học không còn hiệu quả nữa.
3. Tự ý đổi thuốc
Để cho kết quả điều trị tốt, kháng sinh cần đủ thời gian để đạt nồng độ tại nơi cần điều trị. Tuy nhiên, với tâm lý nóng vội xuất phát từ việc lo lắng cho trẻ, cha mẹ thường tự ý đổi thuốc khi thấy trẻ uống thuốc hai, ba ngày rồi mà thấy các triệu chứng bệnh chưa giảm. Việc đổi thuốc kháng sinh liên tục không chỉ gia tăng tình trạng kháng thuốc ở trẻ vì dùng không đúng, không đủ liều mà còn gia tăng nguy cơ chọn sai kháng sinh bởi mỗi kháng sinh chỉ có thể ngăn chặn sự phát triển hoặc tiêu diệt một số vi khuẩn nhất định.
Do đó, việc kê toa kháng sinh gì, liều lượng và thời gian bao lâu, khi nào cần phối hợp thuốc... phải do bác sĩ chỉ định để mang lại liệu quả cao và giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc.
Những lưu ý cha mẹ cần biết
Phản ánh thực tế nhiều bệnh nhân không theo đúng liệu trình điều trị, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Trong nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có khoảng 30% - 60% người bệnh không tuân thủ điều trị đúng liệu trình kháng sinh, nhất là khi thời gian điều trị kháng sinh từ bảy ngày trở lên. Điều này khiến cho bệnh không khỏi hẳn, có nghĩa là chỉ hết triệu chứng lâm sàng mà không tiêu diệt hết vi khuẩn gây bệnh. Do đó bệnh dễ tái phát và khi tái phát bệnh dễ diễn tiến nặng, khiến người bệnh đáp ứng điều trị kém.”
Tuy nhiên, theo chị Mỹ Thuận – một bà mẹ đã có kinh nghiệm chăm sóc con bị bệnh thì cha mẹ cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình điều trị cho trẻ: “Trẻ thường bất hợp tác khi uống thuốc, hay khóc, hoảng sợ, trớ ói nên khó bảo đảm đúng liều dùng, tốn thời gian, vì vậy thời gian điều trị càng dài thì càng mệt mỏi.”
Cha mẹ nên lưu ý trong việc sử dụng thuốc kháng sinh cho con để điều trị bệnh cho trẻ hiệu quả, nhanh chóng và tránh nguy cơ kháng kháng sinh. Tuyệt đối không được tự ý cho trẻ sử dụng, tự ngưng liệu trình hay tự ý đổi thuốc của trẻ. Những hành động này có thể khiến trẻ phải hứng chịu những hậu quả đáng tiếc. Cha mẹ cũng cần lưu ý là ngay cả các loại kháng sinh ngắn ngày này cũng cần được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, chứ không dùng tùy tiện.