Sức khỏe

Ông Đoàn Văn Vươn: Nỗi sợ ung thư đã biến những ấp ủ trong tù thành hiện thực

Sau khi trở về từ trại giam, ông Đoàn Văn Vươn đã bắt tay vào công việc xây dựng "vườn biển" mang tên mình với nhiều loại thực phẩm biển sạch như vịt biển, trứng, tôm.

ĐĂNG KÝ THAM DỰ HỘI THẢO VỀ THỰC PHẨM SẠCH NGÀY 23.8.2016 tại đây

Mạo hiểm nhưng mang lại lợi ích cho cộng đồng

PV: Ông có thể chia sẻ, lý do t ại sao, sau khi chấp hành hình phạt tù, ông lại chọn hướng phát triển sản xuất thực phẩm sạch, trong khi, đã có không ít người gặp khó khăn trong việc này?

Ông Đoàn Văn Vươn: Nhiều người cũng hỏi tôi câu này. Bản thân tôi cũng như nhiều người trong xã hội rất quan tâm, trăn trở về vấn đề thực phẩm hiện nay và tôi là người thích, đam mê làm những việc mạo hiểm nhưng phải mang lợi ích cho cộng đồng.

Chăn nuôi đại trà dễ hơn và không vất vả nhưng tôi nghĩ khác. Từ năm 2006 tôi đã chứng kiến quá nhiều cảnh người thân xung quanh mình mất vì ung thư. Đó là nỗi sợ lớn của chúng tôi và nhiều gia đình khác.

Tôi có nói chuyện với bạn tôi là một bác sỹ ở viện y học hạt nhân thì mới biết bệnh ung thư hiện nay phát triển rất kinh khủng, các bệnh viện đều quá tải và nguyên nhân chính là từ ăn uống các thực phẩm bẩn, môi trường.

Rồi vài anh bạn tôi ở Hà Nội cũng cho người về các vùng quê mua thực phẩm sạch tích vào tủ lạnh ăn dần cả tuần vì không tin chợ thành thị.

Nhà tôi từ lâu đã có thói quen sử dụng các sản phẩm mà mình nắm chắc được nguồn gốc, nói cách khác là tự cung, tự cấp.

Khi tôi đang tiến hành dự định như ấp ủ thì xảy ra sự việc đáng buồn và tôi phải chấp hành án tù giam. Trong trại giam, tôi vẫn luôn đau đáu được trở về quê để thực hiện những dự định đã ấp ủ từ trước đó.

Sau khi chấp hành án, được ra tù thì tôi lúc nào cũng mong muốn làm lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi theo hướng bền vững, hướng tới các sản phẩm sạch, an toàn, tuy nhiên lúc đầu còn rất nhiều khó khăn.

May mắn qua bạn bè, tôi được giới thiệu giống vịt biển do Trung tâm giống vịt Đại Xuyên nghiên cứu.

Khi bắt tay vào, tôi có đặt cọc, đặt mua 1.000 con thì quá trình nuôi vịt phát triển rất tốt, tỷ lệ đạt cao, trọng lượng lên tới gần 3 kg/ con.

Tôi chọn vịt biển cũng vì nó thích nghi với điều kiện tự nhiên khu vực đầm của gia đình, nơi có nguồn nước thường xuyên biến động vị mặn. Và qua thực tế thì vịt biển thích nghi rất tốt, sức chịu đựng bệnh tật, tăng trưởng nhanh.

Ông Đoàn Văn Vươn: Nỗi sợ ung thư đã biến những ấp ủ trong tù thành hiện thực - Ảnh 1.
Ông Đoàn Văn Vươn và vịt biển nuôi của gia đình. Ảnh: gia đình cung cấp

PV: Kết quả ban đầu như vậy là rất tích cực nhưng khó khăn hiện nay với ông ra sao?

Ông Đoàn Văn Vươn:  Có hai vấn đề mà tôi thấy khó khăn, đó là về vốn và đất đai. Trước hết về vốn thì tôi đang rất cần vốn để phát triển sản xuất nói chung và đầu tư vào một số hạng mục cho việc nuôi vịt biển.

Chỉ tính công phát quang, đào đắp bờ đầm, dọn sạch cỏ... cũng toàn tiền trăm triệu. Tới đây tôi sắp phải làm nhà cho vịt đẻ, cũng tốn tiền trăm triệu đồng.

Tôi rất muốn được vay ngân hàng, nhưng tôi biết, ngân hàng sẽ khó giải ngân vì họ đòi hỏi tài sản thế chấp, bất động sản thế chấp, mà những cái đó thì tôi không có.

Tôi có diện tích đầm rộng lớn đấy nhưng chưa có bìa đỏ thì chẳng thể thế chấp được. Hiện tại tôi chỉ có cách vay mượn người thân, anh em bạn bè nhưng cũng không được nhiều.

PV: Một câu hỏi khác, đó là lý do vì sao ông lại chọn đặt tên thương hiệu sản phẩm vịt của mình là "vịt biển Đoàn Văn Vươn"? Có phải dựa trên cái tên Đoàn Văn Vươn đã nổi tiếng của mình?

Ông Đoàn Văn Vươn: Không phải là "vịt biển Đoàn Văn Vươn" mà thực ra thương hiệu là "vườn biển Đoàn Văn Vươn" và nó bao gồm cả vịt biển, các thủy hải sản, nông sản khác.

Còn tên của tôi đã được nhiều người biết đến nên tôi chọn cái tên "vườn biển Đoàn Văn Vươn". Trước hết là để bà con biết đến các sản phẩm mà tôi đưa ra thị trường sau khi trở về cuộc sống đời thường của người nông dân.

Thứ hai là, tôi muốn khẳng định sự khác biệt giữa thực phẩm của "vườn biển Đoàn Văn Vươn" với các loại thực phẩm khác.

Cá nhân tôi muốn xây dựng một thương hiệu như vậy để sau này sản phẩm của mình thực sự sạch, có trách nhiệm với cộng đồng và cạnh tranh với các sản phẩm nông sản nhập khẩu nào khác khi nước ta gia nhập vào TPP.

PV: Hiện chúng ta nói nhiều đến thịt sạch, rau sạch, hải sản sạch, hoa quả sạch... Vậy, với "vịt sạch Đoàn Văn Vươn" thì khái niệm tương đối này được hiểu như thế nào?

Ông Đoàn Văn Vươn: Thực phẩm sạch cũng như con vịt sạch đòi hỏi yêu cầu như sau: Thức ăn đầu vào cần phải đảm bảo. Như chúng tôi sử dụng nguồn cá tươi, ngô và men vi sinh đảm bảo dinh dưỡng, sạch sẽ, không ảnh hưởng đến chất lượng thịt, trứng vịt.

Các nguồn này được phối trộn để sản xuất theo quy trình hỗn hợp ép viên, sau khi vịt trưởng thành có phối trộn thêm với thóc. Ngoài ra tuyệt đối không được sử dụng các chất độc hại.

Khi dự án vịt biển phát triển ở Phú Quốc, chúng ăn rau muống biển, loài rau mọc nhiều ở đó. Nhưng khi về với biển Tiên Lãng (Hải Phòng) thì tôi tìm ngay ra loại cây cỏ đĩ, rất lành và an toàn trong chăn nuôi.

Chuồng trại, nguồn nước, môi trường sống: Phân, chất thải của vịt chúng tôi dùng chế phẩm để tạo môi trường thoáng khí.

Chất thải được đưa xuống dưới dầm, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Chính các vi sinh vật này sẽ xử lý nguồn nước con vịt đang bơi lội.

Và, khâu thú ý đảm bảo quy trình tiêm phòng dịch theo đúng quy định đối với vịt là 2 mũi, đó là dịch tả và H5N1.

Ông Đoàn Văn Vươn: Nỗi sợ ung thư đã biến những ấp ủ trong tù thành hiện thực - Ảnh 2.
Trứng vịt biển của ông Vươn cung cấp. Ảnh: do gia đình cung cấp.

Cam kết sản phẩm sạch

PV: Ngoài sản phẩm vịt sạch, hiện nay, ông còn phát triển các sản phẩm nào khác và chất lượng sản phẩm này có đảm bảo sạch như vịt không?

Ông Đoàn Văn Vươn: Song song sản phẩm vịt thì tôi đang làm sản phẩm thủy sản và được nuôi trên quy trình sinh thái, tức là trên vùng nuôi có đa dạng các đối tượng, tận dụng chủ yếu từ nguồn thức ăn chăn nuôi vịt.

Bởi trong thức ăn của vịt thì mình có sử dụng men sinh học và khi con vịt đưa thức ăn vào thì men sinh học này phát triển, tạo quá trình hấp thụ thức ăn rất tốt, khử tuyến mùi hôi của vịt.

Khi con vịt thải chất thải ra môi trường nước thì các vi sinh có lợi ở men sinh học phát triển rất mạnh ở vùng đầm của mình, tiêu diệt các vi sinh có hại đang tồn tại trong tự nhiên, tạo vùng nước, vùng nuôi thủy sinh rất đảm bảo, vừa dinh dưỡng, sạch sẽ.

PV: Theo con đường thực phẩm an toàn, ông đã xác định khách hàng mục tiêu của mình là ai chưa?

Ông Đoàn Văn Vươn: Nuôi trồng đàn vịt sạch rất tốn kém chi phí và công sức, nên giá thành sản phẩm của tôi chỉ phù hợp với những hộ gia đình có thu nhập khá, có hiểu biết về bảo vệ sức khỏe thông qua ăn uống.

Do đó, khách hàng hiện nay chủ yếu là các đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

PV: Việc đi vào phân khúc thị trường như vậy thì sản phẩm của ông sẽ có những lợi thế cạnh tranh gì?

Ông Đoàn Văn Vươn: Ở đây, mình rất thoải mái ở chỗ là nhóm khách hàng tiềm năng trong xã hội có xu thế tăng và sản phẩm về an toàn thì hiện nay trong điều kiện của Việt Nam đang thiếu.

Vì thế, áp lực cạnh tranh không lớn mà chủ yếu là tạo ra sản phẩm dồi dào, đảm bảo chất lượng để cung cấp đủ cho nhu cầu ngày càng cao.

Thêm vào đó, vịt biển của tôi không hề có tí mùi hôi nào như vịt thường. Thịt ăn lại chắc, nạc và thơm nữa. Trứng vịt biển to gấp rưỡi trứng bình thường, an toàn và giàu DHA hơn. Các loại hải sản như tôm cũng đảm bảo chất lượng sạch. Đây là lợi thế.

PV: Với tất cả các sản phẩm của mình đã và đang đưa ra thị trường, ông có lời cam kết gì muốn gửi tới người tiêu dùng?

Ông Đoàn Văn Vươn: Tôi cam kết và khẳng định sản phẩm vịt, thủy hải sản Đoàn Văn Vươn là đảm bảo an toàn, sạch sẽ. Kể cả sản phẩm đưa đi kiểm định thì tôi cũng khẳng định là đảm bảo chất lượng sạch và cam kết về điều đó.

Theo ông Vươn, hiện, giá bán vịt tại trang trại 200.000 đồng/con, trọng lượng mỗi con khoảng 2,7 - 3kg. Ông chuyển vịt lên Hà Nội bằng xe khách, mỗi ngày 2 chuyến. Cả vịt sống và vịt thịt sẵn, tôi đều sẵn sàng cung ứng. Còn giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 180.000 đồng/kg vịt đã làm sạch.

aFamily

bệnh ung thư, phòng ngừa ung thư, thực phẩm sạch


© 2021 FAP
  1,089,693       1/1,007