Ths. BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương lo ngại nếu cứ sử dụng kháng sinh bừa bãi như hiện nay sẽ đến lúc chúng ta chết trên đống thuốc.
Kháng kháng sinh gây ra gánh nặng y tế
Theo Ths Nguyễn Trung Cấp, bình thường kháng sinh được phát minh ra sau 1 thời gian sẽ nhờn vì vi khuẩn thay đổi thích nghi với kháng sinh, tốc độ kháng và mức độ kháng khác nhau.
Trong thực tế điều trị BS Cấp nhận thấy kháng kháng sinh là 1 tình trạng nguy hiểm. Khi người bệnh mang mầm bệnh kháng kháng sinh thông thường sẽ phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới, kết hợp nhiều loại, liều cao, khả năng thành công thấp, tỷ lệ tử vong cao, thời gian nằm viện kéo dài, điều trị khó khăn.
"Tình trạng kháng kháng sinh rất nghiêm trọng, tốc độ kháng kháng sinh nhanh hơn nhiều so với việc phát hiện ra kháng sinh mới. Nếu cứ sử dụng kháng sinh như hiện nay, một ngày không xa người bệnh nằm trên đủ các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới cũng không cứu được dù những con vi khuẩn thông thường" - Ths. BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương
Không chỉ thế, việc sử dụng phối hợp nhiều kháng sinh, cao liều gia tăng tác dụng phụ như suy thận, suy gan.
Trong khi đó, giá của kháng sinh không rẻ. Kháng sinh đắt nhất là hơn 800.000 đồng/lọ. Có những thể bệnh, riêng 1 loại đã dùng 6 lọ/ngày chưa kể phối hợp nhiều kháng sinh. Điều này gây gánh nặng y tế cho người dân. Có những bệnh nhân BS Cấp cho biết chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.
Theo BS Cấp, hiện nay, các tụ cầu vàng kháng thuốc kinh khủng, dẫn đến thuốc thông thường điều trị không thành công, thuốc thế hệ mới giá thành đắt nhưng nguy cơ tử vong vẫn rất cao. Trong khi đó, con tụ cầu này là loại vi khuẩn sống trên da người và có thể gây nhiễm trùng máu bất cứ lúc nào.
Hiện nay, các tụ cầu vàng kháng thuốc rất kinh khủng (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột kháng thuốc đến mức độ nghiêm trọng lại gây đủ mọi thứ bệnh từ viêm ruột, nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng máu, gây các nhiễm trùng cơ quan khác, viêm phổi trên bệnh nhân thở máy, nhiễm trùng tiết niệu…
Việt Nam là 1 nước có mức độ kháng kháng sinh cao so với các nước trên thế giới, vì:
Thứ nhất: Tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh thông thường cao.
Thứ 2: Kháng sinh mới ra đời, thế hệ sau cũng xuất hiện hầu hết các cơ chế kháng khác nhau.
Vạch mặt "sát thủ" gây ra tình trạng kháng kháng sinh
Theo Ths Cấp, nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh có rất nhiều trong đó bản thân vi khuẩn đã có khả năng kháng kháng sinh hay còn gọi kháng tiên phát. Nhưng đa số vi khuẩn kháng thứ phát sau khi tiếp xúc với kháng sinh từ thay đổi, đột biến, thích nghi sinh ra kháng thuốc.
Nếu vi khuẩn không tiếp xúc với kháng sinh thì sẽ không kháng vì thế việc sử dụng kháng sinh bừa bãi gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh.
Ths. BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Ở Việt Nam, nguyên nhân thứ nhất dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh là người dân có thể tự mua kháng sinh dễ dàng, chỗ nào cũng mua được dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi. Một số bệnh lý không cần kháng sinh người ta vẫn sử dụng khiến cho vi khuẩn kháng thuốc.
Nguyên nhân thứ hai, theo BS Cấp cho biết việc kê đơn của thầy thuốc cũng gây nên tình trạng kháng kháng sinh.
Lý giải điều này, BS Cấp cho rằng trở ngại lớn nhất của thầy thuốc là bệnh nhân lười tái khám, tự dùng thuốc.
Đôi khi có bệnh lý nếu như được thầy thuốc theo dõi sát, bệnh nhân khám thường xuyên thì họ sử dụng kháng sinh thế hệ nhẹ, theo dõi không đỡ mới cho kháng sinh thế hệ cao. Nhưng nếu ở nhóm bệnh nhân lười tái khám thì những ngày sau diễn biến xấu đi, bác sĩ e ngại không theo dõi được ảnh hưởng đến sức khoẻ bệnh nhân nên cho kháng sinh mạnh ngay từ đầu.
Không những thế, bản thân người nhà bệnh nhân sốt ruột giục giã, bệnh không đỡ đổi bác sĩ, hoặc gây sự với bác sĩ vì thế để an toàn thầy thuốc vẫn phải dùng quá lên 1 tý.
Nguyên nhân thứ ba là nguy cơ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Người dân lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi dẫn đến vi khuẩn trong môi trường cũng trở nên kháng kháng sinh, khi gây bệnh cho người trở thành vi khuẩn kháng kháng sinh.
Nguyên nhân thứ tư, tình trạng lây chéo do quá tải bệnh dẫn tới 1 bệnh nhân có 1 vi khuẩn kháng kháng sinh có thể chuyển vi khuẩn kháng kháng sinh cho người khác. Ở các nước khác, những bệnh nhân có vi khuẩn kháng thuốc là họ cách ly làm ngăn chặn lan rộng vi khuẩn kháng thuốc.
Nguyên nhân thứ năm, dược sĩ là những người chưa đặt chân đến bệnh viện nhưng vẫn tư vấn chẩn đoán và bán thuốc, kể cả dược sĩ đại học thời lượng đi bệnh viện cũng rất ít. Ở Việt Nam rất phổ biến tình trạng này. Theo BS Cấp, một dược sĩ chẩn đoán bệnh là không thể.
kháng kháng sinh, kháng thuốc, tụ cầu vàng, lạm dụng thuốc kháng sinh