Anh Nguyễn Văn Th. quê ở Yên Thành, Nghệ An vừa ôm bụng vừa nhăn nhó kể về hành trình hơn 4 tháng qua điều trị ở khắp các bệnh viện mà không tìm ra bệnh gì.
Loay hoay không tìm ra bệnhGỏi cá thủ phạm gây sán lá gan. |
Anh Th. tâm sự, từ tháng 5, anh Th. bị đau ở vùng cạnh sườn, da vàng, sụt cân. Tuy nhiên, anh đi khám không ở đâu ra bệnh cả. Anh nằm điều trị cả tháng trời trong bệnh viện, bệnh cũng không đỡ. Triệu chứng đau ngày càng tăng trong khi siêu âm không thấy khối u trong gan.
Anh Th. lo lắng đã tìm đến nhiều bệnh viện. Từ cân nặng 80 kg đến nay anh chỉ còn 56 kg. Làn da vàng, sạm đen cộng với những cơn đau bụng, bụng hơi chướng khiến anh ăn không được, ngủ cũng không xong. Nét mặt lúc nào cũng nhăn nhó.
Anh Th. đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai cũng không ra bệnh nên GS Nguyễn Khánh Trạch đã giới thiệu anh sang khám ký sinh trùng. Kết quả xét nghiệm, bác sĩ cho biết anh Th. bị sán lá gan nhỏ.
Hay như trường hợp của ông Bùi Đức T, 54 tuổi, trú tại Nam Sách, Hải Dương cũng tương tự. Ông T. bị những cơn đau bụng âm ỉ quanh vùng gan, da vàng. Ông được đi khám nhưng không phát hiện ra bệnh.
Vì triệu chứng vàng da nên bác sĩ nghi ngờ gan nhưng không rõ bệnh gì. Chỉ đến khi ông tìm đến phòng khám của giáo sư Nguyễn Văn Đề làm xét nghiệm ELISA với sán lá gan nhỏ mới phát hiện dương tính với sán lá gan nhỏ.
Ông T. kể cách đây hơn 10 năm ông khoái khẩu món gỏi cá. Bởi vì gỏi cá được chế biến từ cá ao nhà nuôi nên lúc nào ông T. cũng nghĩ cá sạch mà quên đi rằng cả ao cá của nhà ông được nuôi bằng đường ống thải từ chuồng nuôi heo xuống.
Anh Th và những cơn đau bụng hành hạ. |
Thủ phạm từ gỏi cá
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Đề - nguyên trưởng Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y Hà Nội, sán lá gan nhỏ gây những tổn thương nghiêm trọng ở gan. Sán gây kích thích thường xuyên đối với gan, đồng thời chiếm thức ăn và gây độc. Vị trí ký sinh và kích thước của sán dễ gây hiện tượng tắc.
Do sán thường bám chặt vào ống mật, dùng mồm để hút thức ăn nên lâu dần gan sẽ bị xơ hóa lan tỏa ở khoảng cửa, tổ chức gan bị tăng sinh và có thể dẫn tới hiện tượng xơ hoá gan, cổ chướng, thoái hoá mỡ ở gan.
Độc tố do sán tiết ra có thể gây nên các tình trạng dị ứng, đôi khi có thể gây thiếu máu, tăng bạch cầu ái toan.
Biểu hiện ở giai đoạn đầu người bệnh thường bắt đầu với các rối loạn dạ dày ruột như chán ăn, ăn không tiêu, đau âm ỉ vùng gan, tiêu chảy hoặc táo bón thất thường. Kèm theo có thể thấy toàn thân phát ban, nổi mẩn.
Giai đoạn toàn phát người bệnh đau vùng gan nhiều hơn, kèm theo thiếu máu, vàng da và cổ trướng có thể xuất hiện ở giai đoạn muộn. Nếu có bội nhiễm do vi khuẩn, bệnh nhân có thể sốt thành từng cơn hoặc sốt kéo dài.
Theo GS Đề rất nhiều bệnh nhân không biết bệnh và khi bệnh ở giai đoạn muộn mới tìm đến bác sĩ. Có trường hợp tưởng khối u ở gan, sinh thiết mới phát hiện do sán lá gan nhỏ gây ra.
Cách phòng chống sán lá gan tốt nhất là không ăn gỏi cá, cá sống vì ấu trùng sán lá gan thường trú ở cá.
GS Đề cho biết có những bệnh nhân chỉ ăn gỏi cá có một lần cũng có thể mắc bệnh sán lá gan nhỏ vì ấu trùng này ở cá và người ăn không may ăn phải nó. Khi ấu trùng sán lá gan nhỏ được người ăn phải, chúng vào dạ dày, xuống tá tràng rồi chui lên đường mật của gan để phát triển trưởng thành, ký sinh vĩnh viễn tại đó.
Theo điều tra của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, các loài cá như cá mè, cá chép, cá diếc, cá rô phi, cá trắm, cá trôi đều bị nhiễm ấu trùng sán lá gan nhỏ. Vì thế bất cứ loại cá nào người dân đều phải ăn chín kỹ.
Bệnh không chỉ lây cho người mà các động vật như mèo, chó nếu ăn sống cá có ấu trùng sán lá gan nhỏ đều bị bệnh giống như ở người, sán cũng sống trong đường mật của gan và thải ra môi trường sau đó thực hiện vòng đời từ cá lây sang người.
GS Đề cảnh báo sán lá gan nhỏ có thể gây ung thư gan vì trú ngụ ở gan làm tăng sinh tế bào gây loạn sản tế bào và theo thời gian có thể biến thành tế bào ác tính. Điều trị sán lá gan nhỏ phải điều trị sớm, nếu khi bệnh đã sinh u thì không thể điều trị được nữa.
sán lá gan, vàng da, ung thư gan, gỏi cá