Sức khỏe

Căn bệnh ung thư có dấu hiệu nghén nặng như bà bầu

Do buồn nôn, thèm ăn đồ chua nên chị Linh nghĩ rằng mình đã có bầu. Nhưng đến tháng thứ 3, kết quả khám bệnh khiến chị bàng hoàng.

Kết hôn được 8 tháng, vợ chồng chị Mai Thị Linh, 29 tuổi (Hà Nội) không kế hoạch nhưng vẫn chưa có em bé. Một năm sau, chị thấy buồn nôn kèm cảm giác thèm ăn đồ chua nên nghĩ rằng mình đã có bầu.

Sang tháng thứ 3 của “thai kỳ”, bỗng dưng chị Linh đau bụng, chảy máu âm đạo bất thường, chân phù nề sớm, bụng to nhanh và lớn hơn nhiều so với tuổi thai. Tại Bệnh viện Phụ sản trung ương (Hà Nội) bác sĩ kết luận không thấy tim thai mà chỉ là lốm đốm như chùm nho, nghi chửa trứng.

Sau đó, chị Linh được giới thiệu sang điều trị chuyên khoa ung thư vì nghi ngờ mắc căn bệnh quái ác này. Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) cho hay chị bị ung thư nhau thai đã có di căn.

PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Medlatec, cho hay trường hợp như chị Linh không phải là hiếm gặp. Ung thư nhau thai còn gọi là ung thư nguyên bào nuôi (Choriocarcinoma) xuất hiện khá nhiều ở Việt Nam và các quốc gia châu Á với khoảng 30/1.000 ca sinh và 2,6/1.000 ca có thai.

Loại ung thư này có nguồn gốc từ sự đột biến gen của những tế bào nuôi, một thành phần trong số những tế bào chịu trách nhiệm hình thành các tổ chức có nhiệm vụ nuôi dưỡng bào thai như bánh nhau, cuống rốn… Bệnh thường gặp ở những sản phụ sau nạo hút thai chửa trứng.

Do vậy, những sản phụ sau chửa trứng cần theo cần phải được theo dõi liên tục, 2 tuần 1 lần trong 3 tháng đầu, 4 tuần 1 lần trong 6 tháng kế tiếp và 8 tuần 1 lần trong 8 tháng tiếp theo.

Những dấu hiệu điển hình của ung thư nhau thai là chảy máu âm đạo bất thường, nghén nặng, chân phù nề sớm, bụng to nhanh và lớn hơn nhiều so với tuổi thai.

Can benh ung thu co dau hieu nghen nang nhu ba bau hinh anh 1

Những dấu hiệu điển hình của ung thư nhau thai là chảy máu âm đạo bất thường, nghén nặng, chân phù nề sớm, bụng to nhanh. Ảnh: Parents .

PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật khuyến cáo bệnh nhân có nghi ngờ bị ung thư nhau thai, cần làm một số khảo sát và xét nghiệm cận lâm sàng để hỗ trợ thêm cho việc chẩn đoán như sự tăng cao bất thường của nồng độ Beta hCG trong máu và trong nước tiểu.

Siêu âm bụng sẽ giúp xác nhận tình trạng không có thai trong tử cung và cho phép các bác sĩ tiến hành nạo lòng tử cung để sinh thiết. Ngoài ra, qua siêu âm, các bác sĩ có thể phát hiện các di căn ở gan. Bệnh nhân cần chụp X-quang phổi để phát hiện các di căn phổi nếu có.

Để phòng tránh ung thư nhau thai cũng như tai biến sản khoa, trước khi có kế hoạch sinh con, người phụ nữ nên đi khám sức khỏe tổng quát, chích ngừa cúm, Rubella (nếu chưa có kháng thể IgG).

Khi biết có thai, phụ nữ nên đi khám ngay, để xác định tình trạng của em bé, có kế hoạch theo dõi, thăm khám tốt, nhằm tránh phát hiện muộn những trường hợp thai bất thường như nằm ngoài tử cung, dị tật. Sau khi sinh nếu có những dấu hiệu bất thường như ra huyết kéo dài, người mẹ cần phải được kiểm tra để tránh phát hiện bệnh muộn.

Hiện nay, việc điều trị ung thư nhau thai có nhiều biện pháp. Người bệnh có thể được phẫu thuật nhằm loại bỏ tận gốc ổ ung thư, lấy các nhân di căn, có thể cắt tử cung hoàn toàn và hai buồng trứng tùy từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, các bác sĩ có thể sử dụng biện pháp điều trị hóa chất, tia xạ trị.

Những người vẫn có nguyện vọng sinh con sau khi phẫu thuật ung thư nhau thai cần chú ý, chỉ nên mang bầu sau một năm kể từ ngày chữa bệnh. Quá trình mang thai cần phải theo dõi chặt chẽ để kịp thời điều trị các biến chứng ác tính sau đó.

aFamily

ung thư nhau thai, ung thư nguyên bào nuôi, mang thai, buồn nôn


© 2021 FAP
  1,081,154       1/887