Sức khỏe

Cơn đau nhói ngực có thể khiến bạn vỡ tim

Những cơn đau nhói ngực, khó thở thỉnh thoảng đến, nhưng bạn cần nghĩ ngay có thể là nhồi máu cơ tim. Các chuyên gia đều khuyến cáo căn bệnh này đang trẻ hóa và chủ yếu do lối sống thích nhậu nhẹt.

Suýt chết vì nhồi máu cơ tim

Anh Nguyễn Ngọc L. (38 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị nhồi máu cơ tim cấp. Gia đình đã đưa anh vào cấp cứu ở Bệnh viện Nam Thăng Long. Sau khi được sơ cấp cứu tại Bệnh viện Nam Thăng Long, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện E.

Các bác sĩ phòng khám cấp cứu – Bệnh viện E đã chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh nhân và chuyển thẳng vào Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E trong tình trạng: sốc tim; đau dữ dội vùng ngực trái, nguy cơ ngừng tim, ngừng tuần hoàn…

Anh L được cấp cứu trong phòng bệnh, đang hồi phục tốt

Dù chưa làm các xét nghiệm cận lâm sàng nhưng dựa trên triệu chứng nhồi máu cơ tim, các bác sĩ đã quyết định đưa thẳng vào phòng can thiệp tim mạch bởi chỉ chậm một chút thì bệnh nhân đối mặt với khả năng tử vong. Bệnh nhân được hồi sức tích cực và chụp động mạch vành qua da.

Ths.BS Phan Thảo Nguyên – Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E – người trực tiếp tiến hành ca can thiệp cho anh L, cho biết, động mạch vành phải của bệnh nhân tổn thương nhiều và hẹp 99% do huyết khối.

Các bác sĩ đã tiến hành hút huyết khối và đặt stent động mạch vành phải cho bệnh nhân. Sau 20 phút can thiệp đặt stent, bệnh nhân hết đau ngực, mạch, huyết áp ổn định, được chuyển về theo dõi tại phòng hồi sức can thiệp và điều trị nội khoa.

Đây là trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi nhất mắc bệnh nhồi máu cơ tim được cấp cứu và can thiệp kịp thời tại Trung tâm tim mạch. Điều kỳ diệu và thực sự may mắn cho bệnh nhân: Từ lúc vào Bệnh viện E đến lúc được can thiệp kịp thời đặt stent động mạch vành trong vòng 60 phút.

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E, việc cấp cứu kịp thời đối với bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim là hết sức quan trọng, đặc biệt với những trường hợp tổn thương động mạch vành bên phải, nếu không được can thiệp sớm thì nguy cơ biến chứng và tử vong rất cao. Với kỹ thuật can thiệp tim mạch của các bác sĩ Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E thuần thục và thường quy nên có thể cứu sống và xử lý thành công trường hợp bị nhồi máu cơ tim.

Nguy cơ vỡ tim

Giáo sư Phạm Gia Khải – Nguyên Chủ tịch hội tim mạch học Việt Nam cho biết triệu chứng của nhồi máu cơ tim đó là cảm giác đau thắt ngực kéo dài, hoặc ngắn nhưng tái phát nhiều lần, lan lên vai, ra cánh tay, sau lưng, hàm, bệnh nhân mệt nhiều, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn. Có trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng gì, người ta gọi là nhồi máu cơ tim thể thầm lặng. Tuy nhiên, men tim có thể tăng.

Biến chứng của nhồi máu cơ tim gây ra suy tim, loạn nhịp tim các loại như rung nhĩ, ngoại tâm thu nhĩ, thất, bloc nhĩ thất, các loại 1, 2, 3, nhịp tim nhanh thất.

Ngoài ra, biến chứng đáng sợ nhất đó là vỡ tim thường thấy ở những người nhồi máu cơ tim rộng, đau ngực nhiều có thể vỡ tim sớm hoặc trong 10 ngày đầu.

Điều trị nhồi máu bác sĩ có thể cho sử dụng thuốc tiêu huyết khối hoặc làm nong động mạch vành hoặc làm cầu nối chủ vành.

Giáo sư Khải cho biết ngày nay bệnh nhồi máu cơ tim tăng ở người trẻ do thói quen sinh hoạt hiện đại. Ngoài ra, tỷ lệ người bệnh giáo sư thường gặp đó là bệnh nhân tiền sử nghiện rượu, uống nhiều bia rượu mỗi ngày.

Chính vì thế, uống nhiều rượu thì nguy cơ thiếu máu và nhồi máu cơ tim sẽ gia tăng. Khá nhiều công trình nghiên cứu cho thấy: những người uống các loại rượu có độ cồn cao, rượu nặng sẽ có biến chứng cao huyết áp nhiều hơn so với những người uống các loại rượu có độ cồn thấp.

Để phòng tránh căn bệnh này, BS Nguyên khuyến cáo, những người trẻ tuổi có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cần điều chỉnh lối sống, thường xuyên tập thể dục, chế độ ăn uống, giảm hút thuốc lá, bia rượu…

Những bệnh nhân thường xuyên uống rượu bia cần cần thăm khám sức khoẻ thường xuyên để có thể ngăn ngừa được nguy cơ nhồi máu cơ tim. Khi có bệnh, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ khi mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp…

aFamily

nhồi máu cơ tim, cơn đau tim, đau nhói ngực, suy tim


© 2021 FAP
  1,080,388       1/858