Bị tiểu đường lâu năm và đường huyết lúc nào cũng tăng cao, bà Vũ Thị Xíu ở Thanh Xuân, Hà Nội phải tiêm insulin để tránh tăng đường huyết. Nhưng đã hai lần bà phải nhập viện gấp vì hạ đường huyết.
Căn bệnh nguy hiểm
Bà Xíu, 67 tuổi cho biết bà bị tiểu đường 14 năm nay. Từ khi phát hiện ra bệnh bà điều trị rất khoa học nhưng đường huyết vẫn tăng, nhất là từ sau khi bà mổ u xơ vú.
Bà Xíu có một u ở vú to phải mổ và nằm viện cả tháng trời vì vết thương không lành. Đến khi vết thường lành thì bà cũng bị thêm các biến chứng về xương khớp do tiểu đường. Bà Xíu phải tiêm insulin hàng ngày. Mỗi lần tiêm, chồng bà đảm nhiệm tiêm giúp và bà Xíu hay tiêm bắp tay.
Cách đây hai tuần, bà vẫn tiêm insulin đều đặn vào buổi sáng sau khi ăn cơm xong. Tuy nhiên, lần này, sau khi tiêm xong, bà cảm giác vã mồ hôi, người mệt lả ra và từ từ khuỵ xuống. May con cái phát hiện kịp thời và đưa bà tới Bệnh viện Xây Dựng cấp cứu. Bác sĩ cho biết bà bị hạ đường huyết do tác dụng của tiêm insulin.
Bà Xíu kể cách đây hơn 1 năm bà cũng bị hạ đường huyết như thế này nhưng khi đó thì đỡ hơn.
Khi tìm hiểu ra, bà Xíu cho biết có thể do bà thay đổi vị trí tiêm. Mọi khi bà vẫn tiêm ở tay nhưng hôm nay bà chuyển xuống bụng vì nghe người ta nói tiêm ở bụng dễ hấp thu insulin hơn.
Giáo sư Tạ Văn Bình - Nguyên Giám đốc BV Nội Tiết trung ương cho biết, tiêm insulin là một việc tưởng chừng như đơn giản đối với những bệnh nhân bị tiểu đường nhưng lại là việc vô cùng khó và chỉ sai một ly có thể mất mạng.
Giáo sư Bình cho biết ông đã từng chứng kiến người vợ tiêm insulin cho chồng vào ban đêm, đến sáng thì người chồng đã chết lạnh ngắt vì hạ đường huyết vào ban đêm, gia đình không kiểm soát được bệnh lý cho bệnh nhân.
Insulin là dạng thuốc tiêm duy nhất cho bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên nó như con dao hai lưỡi. Các bác sĩ vẫn nói đùa, nó có thể giết chết một người vì mũi tiêm rất dễ dàng.
Tiêm insulin như nào là đúng?
Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường – Nguyên bác sĩ khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, tác dụng phụ của insulin là điều không thể tránh khỏi. Nguy cơ gặp nhiều nhất là không hòa đồng được khối lượng insulin và thức ăn ở bệnh nhân tiểu đường phải tiêm insulin.
Tiêm thừa insulin với lượng thức ăn dễ hạ đường huyết gây biến chứng tiêm insulin, thậm chí gây nguy hiểm chết người. Khi bị hạ đường huyết gây tăng huyết áp, nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim rất cao.
Thạc sĩ Cường cho biết, khi phải tiêm insulin, người bị đái tháo đường chọn đúng chủng loại, số lượng cần thiết, tiêm đúng vào vùng da thường quy ta vẫn tiêm. Ví dụ tiêm vùng bụng dễ hấp thu hơn tiêm ở vùng đùi. Nếu buổi sáng ta thường tiêm bụng nhưng khi chuyển sang vùng đùi sẽ làm đường máu thay đổi.
Ngoài ra, thạc sĩ Cường còn nhấn mạnh về cân bằng lượng tiêm với lượng thực phẩm chúng bị đái tháo đường ăn hàng ngày. Ví dụ như hôm nay ăn cháo, còn mọi ngày ăn phở nhưng bạn vẫn giữ mức tiêm insulin là 10 như mọi ngày thì dễ rơi vào trạng thái hạ đường huyết. Vì lượng đường của bát cháo ít hơn so với bát phở.
Để phòng ngừa tác dụng phụ tiêm đúng liều với lượng thức ăn, tiêm đúng giờ, tiêm đúng vị trí hàng ngày.
Cách xử trí khi bị hạ đường huyết ở nhà, thạc sĩ Cường cho biết có thể xử lý nhanh ngay tại nhà. Nếu bệnh nhân có biểu hiện hạ đường huyết, lúc đó mức đường thấp, chỉ cần đưa lượng đường vào chừng 15 gram (1 thìa đường khoảng 5gram), cho vào nước khuấy và uống. Sau 30 phút bệnh nhân có thể qua cơn hạ đường huyết không cần phải đến cơ sở y tế.
Nhiều người khi bị hạ đường huyết không dám dùng đường để uống. Điều này rất nguy hiểm! Trong trường hợp hạ đường huyết vẫn có thể sử dụng đường, nhai đường để tránh biến chứng của hạ đường huyết như gây hôn mê, biến chứng thần kinh lâu dài.
tiêm insulin, bệnh tiểu đường, chỉ số đường huyết, tiêm insulin sai vị trí