Cái lỗ này không phải ai cũng có đâu. Vậy thực chất nó là gì?
Soi vào gương thử xem, phía trên vành tai của bạn có cái lỗ kỳ quái này không?
Nhiều khả năng là không đâu! Nhưng nếu có thì bạn khá là đặc biệt đấy, vì đây là cái lỗ mà chỉ vài % dân số thế giới được sở hữu.
Cái lỗ kỳ lạ này thực chất là gì?
Nó có tên khoa học là preauricular sinus, còn gọi là rò luân nhĩ, là một cái lỗ rất nhỏ phía trước vành tai, thường nằm tại điểm nối giữa tai và gương mặt của chúng ta.
Rò luân nhĩ lần đầu được đưa ra vào năm 1864, bởi nhà khoa học Van Heusinger. Theo tài liệu được ghi lại, đây thực chất là một dị tật bẩm sinh, thường xảy ra ở tuần thứ 6 của bào thai, tạo một lỗ nhỏ vùng trước vành tai đi sâu vào trong để bám vào màng sụn.
Vì là dị tật nên tất nhiên không phải ai cũng có cái lỗ này. Các thống kê cho thấy chưa đầy 1% người châu Âu và châu Mỹ sở hữu nó. Tuy nhiên, ở người châu Phi thì tỉ lệ này lên tới 10%.
Nhưng mục đích của nó là gì? Thực ra chưa có câu trả lời cụ thể! Tuy nhiên, theo một số nhà sinh vật học, trong đó có Neil Shubin - nhà cổ sinh vật học tiến hóa người Mỹ - thì đây có thể là dấu hiệu còn sót lại của mang cá, cho thấy rằng con người thực sự đã tiến hóa từ một loài thủy sinh.
Cụ thể hơn, trong giai đoạn phôi thai, cả người lẫn cá đều có tồn tại cấu trúc vòm họng. Ở cá, chúng biến thể thành mang, còn ở người thì thành tai. Tuy nhiên, đôi khi các yếu tố không thực đan xen lại với nhau, tạo thành lỗ nhỏ vùng vành tai.
Đặc biệt, nhưng tương đối nguy hiểm
Việc có rò luân nhĩ cũng chẳng có vấn đề gì. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cho rằng chớ nên coi thường nó, nhất là ở trẻ sơ sinh.
Nguyên do là vì bên trong lỗ là các nang lông, cả tuyến mồ hôi và tuyến bã. Bình thường thì không sao, nhưng có những trường hợp bị viêm nhiễm, tắc ống, gây sưng tấy và đau đớn. Khi đó, ta chỉ cách phẫu thuật thông lỗ, kèm theo thủ thuật làm đầy để xóa bỏ vĩnh viễn cái lỗ này.
Nguồn: Business Insider, Health
rò luân nhĩ, lỗ trên vành tai, viêm nhiễm, dị tật bẩm sinh