Sức khỏe

Thiếu nữ 17 tuổi mụn mọc đầy người vì uống thuốc mua qua mạng

Một thiếu nữ 17 tuổi từ Buôn Mê Thuột ra HN khám. Cô vốn khỏe mạnh, xinh xắn, nhưng người cứ khẳng định cô bị hen. Tra mạng và uống không biết bao nhiêu thuốc, cho đến khi mụn mọc đầy mặt, đầy lưng, người thân mới đưa cô đi khám.

Những câu chuyện đau lòng

Nói về lấy đơn thuốc trên mạng, PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, ông thấy nhiều người hiện nay tìm bác sĩ google hơn bác sĩ thật nên ông cũng tò mò tự tìm thử các “bác sĩ” trên mạng, tra tên thuốc và xem trên mạng người ta hay khuyên nhau như thế nào.

PGS TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

PGS Dũng giật mình khi vào các trang mạng không phải chuyên ngành y học, 10 tin khuyên nhau uống thuốc này, thuốc kia, phương pháp này, phương pháp kia thì có tới 8 phương pháp sai.

"Nếu chúng ta cứ lấy thông tin trên mạng chuyên sâu về y tế thì tỷ lệ sai rất cao, như thế rất nguy hiểm bệnh không khỏi, tốn kém tiền bạc" - PGS Dũng lắc đầu.

PGS Dũng đau xót kể về trường hợp một cháu bé bị ho, chỉ có 2 tháng tuổi, nhưng mẹ trẻ đã cho con uống thuốc như trên mạng. Thấy con ho chị cứ theo dõi mà không biết rằng sức khỏe cháu 2 tháng tuổi diễn biến rất nhanh. Buổi sáng cháu còn rất bình thường nhưng sang chiều đã nặng.

Khi vào viện, bà mẹ khóc lóc bảo rằng “con tôi buổi sáng vẫn bình thường, tại sao bây giờ lại viêm phổi được”. PGS Dũng cho biết đây là điều đáng tiếc bởi viêm phổi ở trẻ sơ sinh không dễ nhận biết và cha mẹ không đưa con đi bác sĩ mà cứ tự theo dõi dẫn đến biến chứng nhanh và nặng.

Trường hợp thứ 2 PGS Dũng kể cũng rất đặc biệt. Có trường hợp 1 cháu bé 17 tuổi từ Buôn Mê Thuột ra khám. Cháu vốn khỏe mạnh, xinh xắn, tự dưng mọi người cứ bảo cháu bị hen. Tra mạng và uống không biết bao nhiêu thuốc, cho đến khi mụn mọc đầy mặt, lưng đầy mụn, người thân mới đưa cháu đi khám. Sau khi khám, bác sĩ cho biết, cháu không hề bị hen, nhưng lại bị tác dụng phụ của corticoid làm cho toàn thân mọc đầy mụn.

Viêm phổi nặng vì thuốc trên mạng

Chị Nguyễn Vỹ Hà trú tại Hoàng Cầu, Hà Nội ôm đứa con trai hơn 4 tháng tuổi ra hiệu thuốc và kể bệnh. Chị Hà kể hôm trước con bị ốm, một bác sĩ nổi tiếng đã khám và kê đơn cho con chị. Chị không để ý đó là thuốc gì nhưng nhìn thoáng qua nó giống gói thuốc này, thuốc kia nên chị kể cho người bán thuốc để họ chọn cho mình thuốc giống như bác sĩ đã từng kê cho con.

Người bán thuốc cũng bán cho chị loại thuốc na ná như thế và kết quả là cả tuần cháu vẫn ốm khò khè, không khỏi. Đến khi thấy con thở gấp, khó thở chị cho con vào bệnh viện khám, bác sĩ đã chẩn đoán cháu bị viêm phổi và phải nhập viện điều trị.

Chị Bùi Thị Len trú tại Hoàng Mai, Hà Nội cũng tương tự. Chị Len cho con đi khám cách đây hai tháng với triệu chứng na ná như lần ốm hiện nay. Khi con bị ốm lại, chị gọi điện cho bác sĩ và xin đơn thuốc. Bác sĩ yêu cầu chị đưa con đến kiểm tra lại, chị Len không cho con đi kiểm tra mà cho rằng bác sĩ “vòi tiền khám” nên chị lên mạng chụp lại đơn thuốc cũ rồi đưa lên facebook hỏi thăm những người từng dùng thuốc.

5 người mười ý, chị Len quyết định gộp mỗi đơn một loại thuốc tốt nhất mua cho con uống. Mười ngày ho không khỏi cháu kèm theo dấu hiệu sốt, li bì. Chị cho con vào viện bác sĩ chẩn đoán viêm phế quản co thắt. Chị mang những thuốc mình đã cho con uống, bác sĩ không khỏi xót xa khi 3 thứ chị cho con uống thì có đến 2 loại kháng sinh thế hệ mới.

PGS Dũng khuyên, thuốc là mặt hàng đặc biệt nên chỉ 2 dạng người mới có thể tư vấn và cung cấp thuốc: Đó là bác sĩ và dược sĩ. Dược sĩ chỉ được tư vấn cho bệnh nhân nhóm thuốc không có đơn.

Còn thuốc có đơn phải do bác sĩ kê, người bệnh cầm đơn ra hiệu thuốc mua thuốc đúng như bác sĩ cho kể cả tên thuốc, liều lượng, thời gian. Người dân không nên nghe lõm bõm  rồi tự kê đơn cho mình, chỉ cần sai 1 trong các khâu cũng rất nguy hiểm.

aFamily

thuốc mua qua mạng, mụn mọc khắp người, pgs.ts nguyễn tiến dũng, viêm phế quản


© 2021 FAP
  1,077,610       1/947