Bác sĩ Phan Đình Hiệp - bác sĩ gia đình tại Melbourne, Australia cho rằng, việc lây truyền những loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh có thể sẽ làm người chưa từng bị bệnh vẫn có thể bị nhiễm những...
Kháng thuốc kháng sinh chính là việc một số vi khuẩn trở nên đề kháng với những loại kháng sinh trước đây có tác dụng.
Tổ chức Y tế thế giới WHO đã chỉ ra 3 vấn đề cực kỳ quan trọng của kháng kháng sinh để thấy đây là vấn đề y tế của toàn cầu chứ không của riêng quốc gia nào.
Thứ nhất: Kháng thuốc kháng sinh là một trong những vấn nạn sức khoẻ toàn cầu, có thể ảnh hưởng đến mọi quốc gia, mọi người, mọi lứa tuổi.
Thứ hai: Mặc dù kháng thuốc kháng có thể xảy ra trong tự nhiên, tuy nhiên, sự lạm dụng hay sử dụng sai các thuốc kháng sinh trên người hay động vật làm tăng nguy cơ này.
Thứ 3: Kháng thuốc kháng sinh làm khó khăn hơn cho việc điều trị bệnh tật do vi khuẩn, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người bệnh và tăng cao kinh phí để điều trị.
Cơ thể của mỗi con người có hệ thống miễn dịch (đề kháng bệnh) giúp đối phó với những yếu tố gây bệnh, trong đó có vi khuẩn.
Thường nếu chúng ta không đủ sức đề kháng, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn sẽ tấn công lên cơ thể tùy theo khả năng của chúng. Lúc đó, cơ thể thường cần kháng sinh để giúp sức trong việc tiêu diệt vi khuẩn này.
Vi khuẩn kháng thuốc có thể lây lan từ cái bắt tay (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên vi khuẩn cũng có thể có những thay đổi để tồn tại với các kháng sinh này. Càng ngày, vi khuẩn càng trở nên mạnh hơn trong việc đối kháng với các kháng sinh.
Cách đây không lâu, những kháng sinh như Penicilin, Tetracycline được coi là trị bách bệnh. Nhưng bây giờ thì đã bị kháng khá nhiều.
Việc sử dụng kháng sinh vô tội vạ (như lúc bệnh chưa nặng đã dùng sớm, dùng không đúng loại, chức năng, dùng không hết đơn thuốc)… tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn sớm tiếp xúc với nhiều loại kháng sinh và mau chóng tạo ra cơ chế đề kháng lại tác dụng của thuốc.
Việc lây truyền những loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh có thể sẽ làm người chưa từng bị bệnh vẫn có thể bị nhiễm những vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm này. Khi đó việc điều trị cực kỳ khó khăn bệnh nhân đối diện với nguy cơ tử vong rất cao dù căn bệnh đơn giản.
Hơn nữa việc tổng hợp sự kháng thuốc của các loại vi khuẩn gây bệnh có thể tạo ra những con Siêu Vi khuẩn (Superbug) có thể gây rất khó khăn cho việc điều trị hay gây hại cho sức khoẻ của nhiều người.
Làm sao để hạn chế nguy cơ này? Tùy vào góc độ của bên liên quan mà có những giải pháp sau:
Ở mức độ cá nhân:
- Theo đúng chỉ định của bác sĩ của bạn về sử dụng kháng sinh.
- Tránh đòi hỏi hay áp đặt điều kiện về sử dụng KS lên nhân viên Y tế.
- Nâng cao khả năng phòng bệnh như vệ sinh cá nhân, rửa tay, tránh khạc nhổ, tiêm phòng đầy đủ…
Ở mức độ Nhân viên Y tế:
- Kê toa hợp lý phù hợp với những hướng dẫn thích hợp.
- Nâng cao nhận thức của bệnh nhân về phòng bệnh.
- Tránh lây nhiễm bằng bảo vệ môi trường làm việc an toàn vệ sinh.
Các cơ sở Y tế:
- Đảm bảo nguyên tắc vệ sinh – môi trường.
- Có các biện pháp và quy tắc để ứng phó với những nguy cơ để kiểm soát tình trạng lây nhiễm.
- Xử lý rác thải y tế đúng theo nguyên tắc và có khoa học.
- Giám sát và duy trì các nhân viên trong cơ sở thực thi đúng các nguyên tắc chung về chống nhiễm trùng.
Lĩnh vực Sản xuất, chăn nuôi:
- Sử dụng kháng sinh có kiểm soát bởi chuyên viên Thú y.
- Không để lạm dụng sử dụng kháng sinh để tăng sản lượng hay phòng bệnh.
- Khuyến khích các hình thức tốt nâng cao sức khoẻ gia súc như Tiêm phòng bệnh, hay cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn sức khoẻ gia súc trong chăn nuôi.
Đối với mức độ nhà quản lý:
- Đưa ra các hướng dẫn, các chương trình, các chính sách phù hợp về vệ sinh và an toàn sức khoẻ.
- Tăng cường việc giám sát báo cáo hiện tượng kháng thuốc kháng sinh ở địa phương.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều trên, ở Việt Nam còn vô vàn khó khăn bởi vì:
1. Việc mua bán kháng sinh còn nhiều bất cập.
2. Nạn thuốc giả (không đủ số/chất lượng) có thể tạo thêm nguy cơ kháng thuốc.
3. Trình độ chuyên môn các y-bác sĩ còn nhiều thiếu sót và các hướng dẫn có thể thiếu thực tế hay mang tính tổng hợp chưa chuẩn xác nhất là trên mặt bằng y tế không đồng đều.
4. Tình trạng dân trí và những đòi hỏi chưa hợp lý của người bệnh (trong khám bệnh, mua và sử dụng thuốc).
5. Nạn lạm dụng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi có thể vừa do yếu kém quản lý, vừa do ý thức của người kinh doanh.
6. Yếu kém về quản lý, có thể còn có những thống kê thiếu trung thực, hay sai sót do chủ quan (bệnh thành tích, cả nể) hay khách quan (trình độ của những nhân viên trong các khâu).
Theo Trí Thức Trẻ
lạm dụng kháng sinh, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, vi khuẩn kháng thuốc, kháng kháng sinh