Kháng kháng sinh, ung thư, thực phẩm bẩn... là những vấn nạn sức khỏe nổi cộm trong năm 2016.
Kháng kháng sinh ngày càng lan rộng
Trong những thập kỷ gần đây, thuốc kháng sinh đang bị mất dần "sức mạnh" của nó. Trong thực tế, một số vi khuẩn còn "ngang nhiên" chống lại các loại thuốc và có những loại trở thành siêu vi khuẩn - vi khuẩn kháng tất cả các loại thuốc.
Vào tháng 6/2016, Washington Post đưa tin, một loại E.coli có khả năng kháng loại kháng sinh colistin, được tìm thấy trong nước tiểu của một phụ nữ 49 tuổi, bang Pennsylvania. Không chỉ xuất hiện vi khuẩn kháng kháng sinh ở ngoài nước, mới đây, tại Hà Nội cũng xuất hiện một người phụ nữ tử vong vì kháng kháng sinh chỉ vì ho, sốt, sụt sịt ban đầu.
Hiện nay, số ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới được cho là do không có sức đề kháng chống vi khuẩn là 700.000, trong đó có 23.000 tại Hoa Kỳ. Theo TS.Nguyễn Văn Kính (Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), chính tỷ lệ kháng thuốc ngày càng cao đã làm cho việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn huyết, bị thất bại dẫn đến tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm khuẩn ngày càng gia tăng. Không chỉ làm tăng tỷ lệ tử vong, kháng kháng sinh còn làm cho bệnh nặng hơn.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ, tình trạng tự điều trị đã diễn ra khá phổ biến, trong khi việc tự chẩn đoán lại thiếu chính xác, dẫn tới tình trạng dùng kháng sinh khi chưa cần thiết hoặc bệnh không cần phải dùng kháng sinh (như các trường hợp cảm cúm thông thường) nhưng người bệnh vẫn lạm dụng.
Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi, lây chéo do quá tải bệnh viện dẫn tới 1 bệnh nhân có 1 vi khuẩn kháng kháng sinh có thể chuyển vi khuẩn kháng kháng sinh cho người khác… cũng nằm trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.
Bệnh ung thư ngày càng ghi nhận nhiều ca, nhiều thể
Vào năm 2016, tình hình ung thư ở Việt Nam đã lên mức báo động khi số người mắc ung thư cũng như các loại bệnh ung thư khác nhau ngày càng nhiều và diễn biến hết sức phức tạp.
Trên bản đồ ung thư thế giới, Việt Nam có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư thuộc hàng top 2, xếp thứ 78/172 quốc gia. Đặc biệt, người mắc bệnh ung thư tại Việt Nam luôn được phát hiện khi đã muộn, khiến việc điều trị trở nên tốn kém và khó khăn hơn nữa.
Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, tỷ lệ người mắc ung thư tại Việt Nam có xu hướng tăng mạnh vào năm 2016, trung bình mỗi ngày là 200 người mắc mới.
Trong đó, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng có số bệnh nhân tăng cao nhất. Các loại ung thư tuyến tiền liệt, thực quản có xu hướng tăng nhanh ở nam giới. Ung thư phổi ở phụ nữ chiếm đến 2/5 nam giới do hút thuốc lá thụ động.
Nguyên nhân khiến bệnh ung thư ngày càng gia tăng chủ yếu là do duy trì những thói quen thiếu lành mạnh, chế độ ăn uống chưa đảm bảo sạch, vệ sinh cũng như môi trường sống ngày càng ô nhiễm. Nếu không đi tầm soát ung thư theo định kỳ, không có ý thức phòng chống bệnh ung thư ngay từ hôm nay thì hậu quả bạn thấy vào ngày mai sẽ rất khó lường.
Thực phẩm bẩn tràn lan ngoài thị trường
Ngày 14/11, trung tá Nguyễn Hoàng Vũ (Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, đơn vị vừa bắt giữ một xe tải chở khối lượng lớn thực phẩm bẩn, bao gồm 10 thùng xốp nội tạng động vật với tổng trọng lượng hơn 5 tạ, 18 bao tải mực khô với trọng lượng 9 tạ, tất cả được cất giấu tinh vi dưới nhiều lớp dừa quả khô đều đã bốc mùi hôi thối.
Ngày 3/10, Đoàn công tác liên ngành đã tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất bì lợn do bà Đoàn Thị Bích Thu làm chủ (địa chỉ tại ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) và phát hiện, 352 kg da lợn không có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật, 839 kg nguyên liệu da lợn đã luộc, ngâm hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng chế biến thực phẩm và 247 kg bì lợn đã ngâm hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cũng vào tháng 10, Đội Quản lý thị trường số 13 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra, thu giữ gần 6 tấn phụ gia, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, để sản xuất bim bim. Trong đó có 2kg rong biển, 70 gói bột khoáng tẩy nấm mốc, 130 kg bột nêm, 50 kg chất tạo màu, 1.820 kg chất tạo ngọt, 250 kg chất chống ẩm, 200 kg hương liệu, 400 lít hương vị gà, 4.100 kg hương vị bò...
Bên cạnh đó, năm 2016 cũng có rất nhiều vụ phát hiện cơ sở sản xuất, tiểu thương tại các chợ đầu mối ở Hà Nội làm giả thịt bò từ thịt lợn sề, ngâm tẩm thịt lợn trong tiết bò, sản xuất dấm ăn từ axit đậm đặc, không rõ nguồn gốc, làm bít tết giả từ keo dính thịt, tương ớt bẩn, tái chế mỡ bẩn, hành phi bẩn... Đây là những hình thức gian lận thương mại gây bệnh cho người tiêu dùng rất thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày mà quản lý nhà nước chưa thể kiểm soát hết.
Tai nạn tôn cứa cổ, tai kinh hoàng khiến người dân phải dè chừng
Có thể nói, chưa năm nào xuất hiện những vụ tai nạn về tấm tôn đáng sợ như năm 2016. Thương tích mà những chiếc tấm tôn mỏng, vẫn ngang nhiên chở ngoài đường này không chỉ là dấu vết của một vụ tai nạn mà đôi khi còn lấy đi mạng sống của chính nạn nhân.
Vào tháng 10/2016, trên mạng xã hội xuất hiện dòng tâm trạng mang tính cảnh báo về một vụ tai nạn giao thông do va chạm với tôn và sắt. Theo đó, hai em học sinh đi xe đạp điện, do trượt vào sỏi đá dưới lòng đường đã tự ngã lên vỉa hè va chạm vào một đống tôn. Hậu quả làm một em bị cứa cổ, một em bị đứt tai.
Vào ngày 25/ 9/2016, một vụ tai nạn tại cầu Mai Lĩnh (Hà Đông - Hà Nội) khiến một phụ nữ bị tử vong do tôn cứa cổ. Vết thương dài 20 cm ở vùng cổ, làm đứt khí quản và mạch máu, ở mặt có vết thương dài 5 cm.
Trước đó, vào ngày 23/9 cũng đã xảy ra vụ tai nạn tương tự ở Hà Nội. Một chiếc xích lô chở mái tôn đang lưu thông trên phố Tân Mai (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) thì bất chợt, một cháu bé đi xe đạp từ phía sau lao đến. Cháu bé cũng bị tôn cứa vào cổ và tử vong trên đường vào bệnh viện.
Nguyên nhân chủ yếu gây nên những tai nạn đau xót này là do mọi người còn chủ quan, chưa có ý thức bảo vệ bản thân, đi đường chưa nâng cao ý thức cảnh giác tai nạn giao thông.
bệnh ung thư, tôn cứa cổ, thực phẩm bẩn năm 2016, kháng kháng sinh