Sức khỏe

Bệnh nhân tử vong ngay lập tức sau một mũi tiêm: Nỗi ám ảnh kinh hoàng của các bác sĩ

Sốc phản vệ trong ngành y được xem như nỗi ám ảnh kinh hoàng vì nó có thể xảy ra với bất kỳ bệnh nhân nào dù người đó rất khoẻ mạnh.

Bệnh nhân tử vong ngay lập tức sau một mũi tiêm: Nỗi ám ảnh kinh hoàng của các bác sĩ - Ảnh 1.

LTS: Chỉ trong sáng ngày 25/12, tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức, Lê Duẩn, Hà Nội, hai bệnh nhân (bệnh nhân nữ, sinh năm 1979, ở Long Biên, Hà Nội và bệnh nhân nam, 34 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) đã tử vong sau khi gây mê.

Một trong những giả thiết đang được đưa ra cho sự việc này là do sốc phản vệ sau khi gây mê, tuy nhiên đến thời điểm này chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.

Trong khi chờ đợi kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây tử vong ở 2 bệnh nhân này, chúng tôi xin giới thiệu tới quý độc giả về tình trạng sốc phản vệ theo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.

Bệnh nhân có thể tử vong sau 1 mũi tiêm

Nói đến sốc phản vệ, các bác sĩ gây mê hồi sức không còn lạ lẫm với việc bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Làm bác sĩ nhi khoa hơn 30 năm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết ngay cả nhiều trường hợp khi tiêm kháng sinh, mặc dù đã test kháng sinh âm tính nhưng sau khi tiêm 30 phút, 1 tiếng, em bé vẫn có biểu hiện tím tái, sốc phản vệ.

Bệnh nhân tử vong ngay lập tức sau một mũi tiêm: Nỗi ám ảnh kinh hoàng của các bác sĩ - Ảnh 2.

"Đây là điều hoàn toàn bình thường. Các chuyên gia trên thế giới cũng cho biết, kể cả test âm tính thì nó vẫn có thể xảy ra.

Bởi như đã giải thích, dù test âm tính thì sốc phản vệ vẫn có thể xảy ra và đến giờ y học chưa làm cách nào để phát hiện được nguy cơ, từ đó có thể đưa ra tiên lượng".

Bên cạnh đó, việc cấp cứu các bệnh nhân sốc phản vệ như thế nào cũng là một vấn đề rất khó khăn bởi nó xảy ra rất nhanh.

Chỉ vài phút huyết áp tụt, mạch không bắt được mà không đưa mạch được trở về bình thường, bệnh nhân có nguy cơ ngừng tuần hoàn.

Vì thế, nhân viên y tế phải có chuyên môn xử trí sốc phản vệ, có kinh nghiệm lâu năm, kèm theo đó là phương tiện, dụng cụ cấp cứu tại chỗ.

Sốc phản vệ - Nỗi ám ảnh kinh hoàng của bác sĩ

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, chuyên khoa gây mê hồi sức cho biết, sốc phản vệ có thể xảy ra với bất cứ ai.

Với những bác sĩ làm gây mê hồi sức, khi kết thúc một ngày làm việc, không có bệnh nhân nào bị sốc phản vệ thì lúc đó mới yên tâm ra về.

Bệnh nhân tử vong ngay lập tức sau một mũi tiêm: Nỗi ám ảnh kinh hoàng của các bác sĩ - Ảnh 3.

Một trường hợp nổi tiếng về sốc gây mê xảy ra năm 1998 với ông Bộ Trưởng Nội Vụ Pháp đương nhiệm lúc đó. Ông này vào Bệnh Viện Val de Grace ( một bệnh viện quân đội nổi tiếng ở Paris) để cắt túi mật.

Ngay sau khi tiêm thuốc mê, ông có biểu hiện suy tuần hoàn và hô hấp phải cấp cứu hơn 1 tiếng thì tim mới đập trở lại bình thường.

Ông cũng phải trải qua gần một ngày điều trị với hô hấp và chạy thận nhân tạo mới thoát khỏi tình trạng hôn mê và cứu được mạng sống. Nguyên nhân gây nên sốc phản vệ sau đó được cho là do phản ứng phản vệ với thuốc làm mềm cơ.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc làm test trước khi sử dụng thuốc cũng không có giá trị phòng ngừa được sốc phản vệ vì hiện nay không có một chuẩn mực nào về thử test.

Các kết quả thử test thường cho kết quả âm tính hoặc dương tính giả.

Hơn nữa, các trường hợp sốc phản vệ thông qua cơ chế miễn dịch lại không phụ thuộc vào liều lượng. Chỉ cần một liều rất nhỏ thuốc đưa vào cơ thể cũng có thể làm bùng phát phản ứng miễn dịch dây chuyền và gây ra sốc phản vệ.

Trên thế giới cũng như Việt Nam, người gây mê hồi sức không làm thử test vì lý do trên mà việc quan trọng nhất là luôn sẵn sàng phát hiện, điều trị đúng và kịp thời.

(Theo Trí Thức Trẻ)

aFamily

gây mê, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, tiêm kháng sinh, sốc phản vệ


© 2021 FAP
  1,074,963       1/864