Sức khỏe

Gần Tết là thời điểm nhiều người dễ tử vong do nhiễm liên cầu lợn

Các bệnh liên quan đến an toàn thực phẩm, ăn uống như cúm gia cầm H5N1, liên cầu lợn, ngộ độc rượu…là một trong những nguy cơ rất lớn vào thời điểm này.

Các chuyên gia y tế cho rằng, dịp Tết, lượng thực phẩm nói chung được tiêu thụ tăng đột biến; tình trạng vận chuyển, buôn bán, sử dụng gia súc, gia cầm, các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm tăng cao.

Trong khi đó, việc kiểm soát thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn nhiều khó khăn và nhất là thói quen ăn uống của người dân chưa thay đổi nhiều.

Tỷ lệ tử vong cao

Để giải thích cho vấn đề này, PGS. TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trước và sau Tết nguyên đán, số bệnh nhân mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn không nhiều như các bệnh khác nhưng tỷ lệ ca nặng, tử vong lại rất cao.

PGS. TS Trần Đắc Phu cũng cho biết con số thống kê chỉ tính riêng tại Hà Nội năm 2016, đã ghi nhận hơn chục ca mắc nhưng có 1 ca tử vong, nhiều ca bị di chứng nặng. Gần đây nhất là ghi nhận trường hợp nam thanh niên 35 tuổi đang làm việc tại Lai Châu sau khi ăn tiết canh được chế biến từ lợn cắp nách đã nhiễm liên cầu khuẩn lợn, và hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Ngày 12/1, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Đắc Phu sâu hơn để tìm hiểu sâu về đề nêu trên.

Gần Tết là thời điểm nhiều người dễ tử vong do nhiễm liên cầu lợn - Ảnh 1.

PGS. TS Trần Đắc Phu

PV: Thưa Phó giáo sư, năm 2016 ở Hà Nội ghi nhận 01 trường hợp tử vong do mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn và nhiều ca bị dị ứng nặng. Vậy chúng ta cần lưu ý những gì trước căn bệnh này?

PGS. TS Trần Đắc Phu: Trong những năm gần đây bệnh liên cầu lợn có xu hướng tăng, một phần do đặc điểm dịch tễ là dịch bệnh trên đàn lợn nuôi di chuyển, bùng phát, lây lan nhiều hơn, dẫn đến virus lưu hành trên đàn lợn nuôi chiếm tỷ lệ cao hơn.

Chính vì thế Bộ Nông nghiệp cũng như Cục Thú y luôn có những đợt khuyến cáo về dịch tai xanh. Phần quan trọng nhất là nhiều người dân vẫn chưa chịu từ bỏ thói quen ăn tiết canh, các sản phẩm tươi sống chế biến từ thịt. Nhiều người còn chủ quan, thậm chí nhận thức sai lầm về loại bệnh này. Thực phẩm chưa nấu chín chắc chắn còn vi khuẩn.

PV: Nhiều người quan niệm rằng, trước khi ăn tiết canh uống vài ba ngụm rượu sẽ nhận diện được vi khuẩn và an toàn. Phó giáo sư nghĩ sao về điều này?

PGS. TS Trần Đắc Phu: Tôi thấy vẫn có nhiều người nghĩ rằng cứ vô tư ăn bát tiết canh rồi cho rằng uống vài chén rượu thì sẽ không mắc bệnh. Đây là quan niệm sai. Khi rượu vào trong cơ thể phải có thời gian. Có vi khuẩn nào chết do cồn, do rượu chưa?

Chúng ta biết, rượu vào trong dạ dày cũng bị trung hòa. Nếu có quan niệm uống rượu giải quyết được các bệnh lây truyền thì ở đây lại xảy ra câu chuyện, các bữa cỗ chúng ta cứ uống rượu sẽ không bị sao.

Gần Tết là thời điểm nhiều người dễ tử vong do nhiễm liên cầu lợn - Ảnh 2.

Hà Nội từng cấm bán tiết canh sống

PV: Hà Nội từng ban hành lệnh cấm bán tiết canh tươi sống hay cấm giết mổ gia cầm sống trong chợ nhưng thời điểm hiện tại lệnh đó không còn tác dụng. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS. TS Trần Đắc Phu: Việc bán thực phẩm không an toàn vệ sinh thực phẩm hoàn toàn có thể cấm được nhưng cũng như vấn đề giao thông, nhiều khi cách làm, tinh thần thì có nhưng sự triệt để không cao. Chúng ta vẫn cần truyền thông, nhắc nhở nghiêm nhằm nâng cao ý thức người dân.

Vì những trường hợp xảy ra do vấn đề bệnh dịch, an toàn thực phẩm để lại những hệ quả trầm trọng. Từ năm 2008 tới nay chúng ta ko có dịch tả vì chúng ta giải quyết vấn đề nước rất tốt.

Mong muốn của chúng tôi là tập trung giải quyết vấn đề dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều quan trọng nhất là phải nâng cao ý thức người dân. Bởi lẽ, ý thức của người dân quan trọng hơn rất nhiều hệ thống cung cấp.

PV: Nhưng có người dân họ lý luận rằng, lợn họ nuôi trong nhà là an toàn nên họ vẫn ăn thịt sống được. Ông có lời khuyên nào đưa ra trước suy nghĩ này?

PGS. TS Trần Đắc Phu: Rất nhiều người nghĩ rằng chỉ ăn thịt lợn ốm, lợn bệnh, lợn không rõ xuất xứ mới mắc liên cầu còn lợn nhà nuôi hay lợn mán, lợn rừng thì vô tư. Đây là những sai lầm rất lớn. Có những người ăn lợn lành nhưng mang mầm bệnh vẫn có thể bị mắc bệnh như thường.

Có thể với loại rau này, thực phẩm kia người dân khó biết được nó có chứa hóa chất độc hại hay không nhưng ăn tiết canh sống, thực phẩm tươi sống như gỏi, hay ăn thịt gia cầm ốm, chết… thì chắc chắn ai cũng biết không tốt cho sức khỏe, có thể mắc bệnh.

Vậy tại sao biết rồi người ta vẫn ăn? Vấn đề là phải tiếp tục truyền thông nguy cơ để nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh của người dân.܄

Xin cảm ơn ông!

aFamily

cúm gia cầm, chuyên gia y tế, TIÊU THỤ TĂNG, Ngộ độc rượu, trần đắc phu, Cục Y tế Dự phòng, bệnh liên cầu khuẩn lợn, liên cầu khuẩn, liên cầu khuẩn lợ


© 2021 FAP
  1,072,878       1/991